Suy nghĩ về vấn đề học tập của học sinh ngày nay

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài :
    Tổng thống Mandela đã từng khẳng định: “Ai làm chủ tri thức, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Lời của vị tổng thống đề cao vai trò và tầm quan trọng bậc nhất của tri thức đối với sự thành công trong cuộc sống con người. Muốn chiếm lĩnh và làm chủ tri thức ấy, không có cách nào khác ngoài việc chăm chỉ học tập. Ngày nay, vấn đề học tập của học sinh đang được quan tâm hơn bao giờ hết bởi chúng ta nhận thức rõ sức mạnh của giáo dục đối với vấn đề an ninh và tương lai của đất nước.
    • Thân bài :
    Theo thống kê, tỷ lệ mù chữ của nước ta hiện nay đã giảm đến mức tối thiểu. Con em của các bậc phụ huynh trên mọi miền Tổ quốc đều được cắp sách đến trường. Từ những bản làng xa xôi hẻo lánh đến những khu dân cư đông đúc chốn thành thị, nơi đâu cũng tràn ngập bóng dáng của các em học sinh cắp sách đến trường. Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là “vũ khí” giúp thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.

    Sự phát triển của nền kinh tế đất nước đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng vươn tới tầm cao tri thức. Xu hướng ấy đã tạo nên rất nhiều những điều kiện cho các em học sinh có cơ hội hình thành hiểu biết và rèn luyện kỹ năng tốt nhất ngay tại trường lớp. Mai sau, các em sẽ trở thành những công dân tài giỏi, góp công xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp.

    Trong quá trình học tập và rèn luyện ấy, rất nhiều gương mặt sáng giá, những tấm gương tinh thần vượt khó đã vươn lên, trở thành những hình ảnh đẹp đẽ cho chúng ta noi theo. Các bạn ấy đều là những con ngoan, trò giỏi, biết kết hợp việc học tập, rèn luyện và vui chơi một cách hợp lí, bổ ích. Học sinh ngày càng siêng năng, chăm chỉ, biết tự giác học tập, ham học hỏi và giàu nghị lực vượt khó chinh phục đỉnh cao.

    Các bạn luôn biết cách sắp xếp lịch học một cách sáng tạo, phù hợp với quỹ thời gian. Biết kết hợp thời gian học xen kẽ với những giây phút nghỉ giải lao, (đem lại một tâm trạng thoải mái, không bị dồn nén và chịu nhiều áp lực từ việc học. Với những bạn gia đình có hoàn cánh khó khăn, các bạn không chỉ biết khắc phục khó khăn gia đình mà còn cố gắng vượt khó trong học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người học sinh.

    Những học sinh thuộc diện khó khăn có được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo nên niềm vui, giúp các bạn cố gắng trong học tập. Ngoài ra, các bạn còn luôn tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp, đó cũng chính là một sân chơi bổ ích, phong phú thêm cuộc đời học sinh của các bạn. Tự biết khơi dậy niềm đam mê trong học tập, rất nhiều bạn học sinh ngày nay đã đạt được thành tích cao trong học tập, làm vừa lòng cha mẹ, thầy cô và xứng đáng là lớp trẻ kế tục sự nghiệp xây dựng, giữ gìn đất nước.

    Bên cạnh những tấm gương về tinh thần học tập tốt và thành công, một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay còn mắc phải những thói hư tật tật xấu đáng lo ngại. Ai cũng biết việc học nhiều, ham học hỏi là tốt. Nhưng một khi vì quá lo lắng cho tương lai, các bạn đã đánh mất cơ hội được vui chơi, rèn luyện thể chất, cân bằng tinh thần. Nhiều học sinh rơi vào tình trạng bị ức chế, bởi quá tải trong học tập, tinh thần lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng.

    Ngược lại, một số khác lại ham chơi hơn ham học, dẫn đến tình trạng bỏ bê học tập, hình thành thói hư tật xấu, sa ngã vào tệ nạn xã hội.

    Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều học sinh chán học như ngày nay. Nguyên nhân đầu tiên là do quá tải kiến thức của chương trình giáo dục hiện tại. Những năm gần đây, bộ sách giáo khoa cho học sinh đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục cải cách và đổi mới. Ờ một số bộ môn vô hình chung trở nên quá tải đối với học sinh. Số lượng sách vở ngày càng nhiều đồng nghĩa với lượng kiến thức sẽ ngày càng nâng cao, khó khăn hơn đối với nhận thức của các em. Đặc biệt là các học sinh yếu kém học sinh nghèo vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp xúc nhiều với sách vở và thông tim mạng. Do đó, tình trạng chây lì, lười biếng trong học tập, học chay, học vẹt học đối phó diễn ra ngày càng nhiều trong học sinh. Lượng kiến thức trên lớp quá nhiều dẫn đến tình trạng khó tiếp thu hết. Các em đua nhau tìm đến các lớp học thêm để bồi dưỡng thêm kiến thức kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Thời gian học ở trường và ở lớp học thêm quá nhiều sẽ khiến tình trạng sức khỏe các em ngày càng sa sút, không bảo đảm cho việc học chính khoá.

    Bên cạnh đó, tác động từ gia đình, xã hội cũng có ảnh hướng rất lớn đến học sinh. Khi không có sự quan tâm, giáo dục của nhà trường các em dễ bị ngã bởi các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hôi. Một số em trong tình trạng lười biếng, trốn học, ở mức độ nhẹ nếu được sự quan tâm, quản lý kịp thời sẽ dễ dàng trở về với nếp sống tốt của người học sinh. Nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời, các em sẽ dễ bị cám dỗ bởi vô số mối hiểm nguy ngoài xã hội, gây nên những hậu quả khôn lường như nghiện hút, chơi bời, trộm cắp. Nhưng ngược lại, ở một số gia đình chăm sóc, nuông chìu con em mình quá mức cũng sẽ dễ khiến cho học sinh hoặc quá kiêu căng, hoặc quá tự ti, không hòa đồng cùng các bạn.

    Tất cả các nguyên nhân ấy có tác động rất lớn đến việc học tập của các học sinh. Vì vậy, để học sinh ngày nay tích cực học tập đạt kết quả tốt đẹp, có một cuộc sống tốt đẹp, gia đình và nhà trường phải biết kết hợp việc chăm lo, quản lý, giáo dục con em một cách chu đáo và toàn diện.
    • Kết bài:
    “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Ngày nay, đời sống tri thức đang phát triển như vũ bão, nếu không phấn đấu học tập chúng ta sẽ bị thế giới bỏ lại phía sau, bị phủ nhận và không thể thành công được. “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Bởi thế, mỗi học sinh cần thực hiện tốt công việc học tập của mình, trước là lo cho tương lai, sau là góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.