Tài liệu ôn tập Tiếng Việt lớp 8 học kỳ 2

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Câu nghi vấn.

    * Đặc điểm nhận biết và công dụng:
    Đặc điểm nhận biết : Câu nghi vấn là những câu có những từ nghi vấn (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)…không, (đã)…chưa,…) hoặc có từ hay (nối các vế câu có quan hệ lựa chọn).
    – Câu nghi vấn kết thúc bằng dấu hỏi.
    Chức năng: Chức năng chính dùng để hỏi. Ngoài ra, câu nghi vấn còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc,… không yêu cầu người đối thoại phải trả lời. Trong một số trường hợp, câu nghi vấn không dùng để hỏi có thể kết thúc bằng dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.
    Ví dụ:
    – Bạn đã làm xong bài tập làm văn chưa?
    – Ngày mai, các bạn có đến dự sinh nhật của Hồng không?
    – Cô chủ ơi, bao nhiêu một mớ rau này vậy cô?

    2. Câu cầu khiến.

    * Đặc điểm nhận biết và công dụng:

    – Đặc điểm nhận biết : Câu cầu khiến
    là những câu có từ ngữ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ, … đi, thôi, nào, với,... hay ngữ điệu cầu khiến.

    – Câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

    Chức năng: Câu cầu khiến dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,…
    Ví dụ:
    – Xin hãy cứu lấy đứa bé, nó không còn có mẹ.
    – Đừng hái quả ấy, nó còn xanh lắm.
    – Xin hãy bỏ rác đugs nơi quy đinh để bảo vệ môi trường.

    3. Câu cảm thán.

    * Đặc điểm nhận biết và công dụng:

    – Đặc điểm nhận biết : Câu cảm thán
    là những câu có từ cảm thán như: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi; thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào,…

    – Câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than.

    – Chức năng: Câu cảm thán dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết), xuất hiện chủ yếu trong ngôn ngữ nói hàng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

    Ví dụ:

    – Không có thơ ca, cuộc sống sẽ buồn biết chừng nào!
    – Than ôi, thời oanh liệt nay cong đâu!
    – Thương thay con cuốc giữa trời
    Dẫu kêu ra máu có người nào nghe.

    4. Câu trần thuật.

    * Đặc điểm nhận biết và công dụng:

    – Đặc điểm nhận biết : Câu trần thuật
    là câu không có đặc điểm hình thức của câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán.
    – Câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm nhưng cũng có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng. Kiểu câu cơ bản, được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

    – Chức năng: Câu trần thuật dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả. Ngoài ra còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc,…

    Ví dụ:
    – Trăng lấp ló trên đầu núi, ánh sáng mơ màng trải khắp lưng nương.
    – Những con sóng dồn dập vỗ vào bờ, bọt tung trắng xóa.
    – Phía cuối chân trời, đàn chim lặng lẽ bay về phương Nam.

    5. Câu phủ định.

    – Đặc điểm nhận biết và công dụng:

    Câu phủ định là câu có từ ngữ phủ định như: không, chưa, chẳng, chả, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có),… hoặc các cụm từ có hàm ý phủ định, bác bỏ: hay gì mà hay, đẹp gì mà đẹp,…

    – Chức năng:
    Câu phủ định dùng để:
    + Thông báo, xác nhận không ội với ba vì có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả)
    + Phản bác một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ)

    Ví dụ:

    – Nam không đi Hà Nội với ba vì bận ôn thi. (Phủ định miêu tả)
    – Tôi không đồng ý với ý kiến của anh. (Phủ định bác bỏ)
    – Không một sức mạnh nào có thể tiêu diệt được bản sắc văn hóa của dân tộc.


    6. Hành động nói.

    * Khái niệm: Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm một mục đích nhất định.
    – Các kiểu hành động nói:

    + Hỏi.
    + Trình bày (báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán,…).
    + Điều khiển (cầu khiến, đe dọa, thách thức,…).
    + Hứa hẹn.
    + Bộc lộ cảm xúc.

    * Cách thực hiện hành động nói:

    + Cách dùng trực tiếp: Hành động nói được thực hiện bằng kiểu câu có chức năng chính phù hợp với hành động đó.
    Ví dụ:
    – Hãy lấy gạo nếp mà làm bánh lễ tiên vương. → mục đích: yêu cầu, khuyên bảo.
    + Cách dùng gián tiếp: Hành động nói được thực hiện bằng kiểu câu khác, có chức năng chính không phù hợp với hành động đó.
    Ví dụ:
    – Bạn có thể cho mình mượn cây thước kẽ được không? → Kiểu câu nghi vấn (hỏi), chức năng cầu khiến.

    7. Hội thoại.

    * Vai xã hội trong hội thoại:

    – Vai xã hội: là vị trí của người tham gia hội thoại đối với người khác trong cuộc thoại.
    – Vai xã hội được xác định bằng các quan hệ xã hội:

    + Quan hệ trên – dưới hay ngang hàng (theo tuổi tác, thức bậc trong gia đình và xã hội).
    Ví dụ:
    • Trong mối quan hệ gia đình: Cha mẹ (vai trên) và con cái (vai dưới).
    • Trong mối quan hẹ xã hội: giám đốc (vai trên) và nhân viên (vai dưới)
    + Quan hệ thân – sơ (theo mức độ quen biết, thân tình).

    – Quan hệ xã hội rất đa dạng nên vai xã hội của mỗi người cũng đa dạng, nhiều chiều. Khi tham gia hội thoại, mỗi người cần xác định đúng vai của mình để chọn cách nói phù hợp.

    * Lượt lời trong hội thoại:

    – Trong hội thoại, ai cũng được nói. Mỗi lần có một người tham gia hội thoại nói được gọi là một lượt lời.
    – Để giữ lịch sự, cần tôn trọng lượt lời của người khác, tránh nói tranh lượt lời, cắt lời hoặc chêm vào lời người khác.
    – Nhiều khi, im lặng khi đến lượt lời của mình cũng là một cách biểu thị thái độ.

    8. Lựa chọn trật tự từ trong câu.

    – Cách lựa chọn trật rự từ trong câu mang lại hiệu quả diễn đạt riêng, người nói (người viết) cần biết lựa chọn trật tự từ thích hợp với yêu cầu giao tiếp.

    + Tác dụng của sự sắp xếp trật tự từ.
    + Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm.
    + Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.
    + Liên kết câu với những câu khác trong văn bản.
    + Đảm bảo sự hài hòa về ngữ âm của lời nói.