Bạn có nhớ cảm giác sau khi ăn một bữa ăn hơi mặn, miệng trở nên khô khốc và cực kì khát nước. Khi đó bạn chỉ mong có một ly nước to tướng mới giải được cơn khát mà thôi. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao ăn mặn lại khát nước. Quá trình tiêu hóa thức ăn chứa nhiều muối sẽ xảy ra như sau, muối trong thức ăn sẽ thẩm thấu qua thành ruột non và đi vào trong máu làm cho hàm lượng muối trong máu của bạn tăng lên. Lượng máu với hàm lượng muối cao này sẽ được vận chuyển và phân phối đi khắp cơ thể qua các động mạch và tĩnh mạch. Khi đó nồng độ muối trong chất lỏng xung quanh các tế bào sẽ cao hơn bên trong tế bào, sẽ xảy ra sự thẩm thấu, (có nghĩa là sự khuyếch tán của dung môi từ dung dịch có nồng độ thấp sang dung dịch có nồng độ cao hơn), chất lỏng giàu natri sẽ kéo nước ra khỏi tế bào. Tình trạng đó được gọi là tăng natri huyết. Khi đó thông qua các tín hiệu hóa học, các tế bào sẽ thông báo cho não tình trạng nồng độ muối quá cao xung quanh các tế bào và nguy cơ mất nước của chúng. Trung tâm cảm nhận cơn khát trong não nằm ở vùng dưới đồi, đây cũng là nơi điều hòa giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và nhiệt độ cơ thể. Khi “trung tâm khát” nhận được tín hiệu có quá nhiều natri trong máu, vùng dưới đồi sẽ đưa ra cảnh báo SOS “Uống nước ngay”. Và thế là bạn đang khát nước. Tuổi tác và bệnh tật có thể ức chế khả năng của não buộc bạn uống nước. Tức là ta có thể mất đi cảm giác khát nước, và đó là một tình trạng nguy hiểm vì cơ thể có tới 70% chất lỏng và cơ thể cần đủ nước cho các cơ quan nội tạng hoạt động bình thường. Lượng nước thích hợp cũng giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các vitamin, Hoóc-môn và các chất khác khi cần thiết. Vì thế khi sắp dùng bữa có nhiều muối như pizza, snack hay thịt xông khói…bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng một ly nước to luôn nhé. Cơ thể bạn sắp khát nước rồi đấy!