Tại sao mèo hay kêu gừ gừ?

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Mèo là một vật nuôi phổ biến, chúng rất thông minh, nhanh nhạy và luôn có những cách biểu đạt thái độ rất riêng. Khi ôm ấp vuốt ve chú mèo đôi lúc ta sẽ nghe được âm thanh rừ rừ , gừ gừ hay grừ grừ tương tự như tiếng ngáy ngủ hay tiếng động cơ. Đây là một trong những tiếng kêu phổ biến ở loài mèo, được kêu nhiều thứ hai sau tiếng meo meo. Cũng giống như con người, loài mèo có những biểu hiện khác nhau cho những tình trạng cơ thể khác nhau và kêu rừ rừ cũng là một trong những biểu hiện đó.
    cat-wallpaper-47-e1489074086609.jpg
    Có hai luồng ý kiến cho tiếng kêu này, hầu hết mọi người, kể cả những người nuôi mèo đều tin rằng khi chú mèo của họ đang rừ rừ tức là chú ta đang rất thoải mái, họ hiểu nó như một cách thể hiện niềm vui và niềm hạnh phúc của mèo. Nhưng một nhận định khác lại cho rằng tiếng rừ rừ đó có thể được phát ra vào những lúc khó chịu nhất của chú mèo, những lúc bị ép buộc như đi đến phòng thú y, trong lúc hồi phục vết thương…
    Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm được cơ chế mèo phát ra tiếng kêu đó bằng cách sử dụng cơ thanh quản và cơ hoành. Âm thanh được phát ra cả trong lúc hít vào và thở ra. Tuy nhiên cách thức hệ thống thần kinh trung ương tạo ra và kiểm soát các cơn co thắt vẫn chưa được hiểu rõ. Tần số của âm thanh này nằm trong khoảng 25-150 Hz. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tần số âm thanh trong dải này có thể cải thiện mật độ xương và thúc đẩy quá trình lành bệnh.
    Tại sao chúng lại làm thế? Nếu đó là một hình thức giao tiếp, nó có ý nghĩa đối với những con vật ở gần và thân thiết, vì mèo rừ ở tần số và âm lượng quá thấp để truyền được đi xa. Tiếng rừ rừ cũng như những tiếng kêu vang tần số thấp ở động vật có vú khác thường liên quan đến các tình huống xã hội tích cực như chăm sóc, chải chuốt, thư giãn, hoặc tỏ ra thân thiện. Loài mèo bắt đầu biết cách tạo ra tiếng kêu này khi chúng khoảng 2 ngày tuổi, và các bác sĩ thú y cho rằng đây là cách để chúng nói với mèo mẹ rằng: “Con ổn”.
    meo-ve-sinh-co-the.jpg
    Tác dụng chính được các nhà khoa học khẳng định là tiếng rừ rừ là một cơ chế kích thích cơ và xương hao tốn rất ít năng lượng. Sự kích thích này giúp tăng tuổi thọ cho mèo và trở thành cơ sở cho lời đồn rằng chú mèo có 9 mạng. Vì vậy so với loài chó, mèo thường ít có những biểu hiện bất thường về xương khớp và cơ hơn cũng nhờ có sự kích thích này. Những kích thích ấy cũng góp phần làm giảm nhẹ nguy cơ về loãng xương ở mèo.
    Ngoài ra, những âm thanh ấy cũng tác động tích cực đến não bộ con người, cụ thể là những rung động tần số âm thanh từ 20-140Hz là một trong những liệu pháp y tế trị được khá nhiều bệnh như làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giảm chứng khó thở, cân bằng huyết áp. Tần số 40-50Hz là tần số tốt nhất để kích thích cải thiện xương khớp và kích thích cơ phát triển. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người nuôi mèo sẽ giảm được 40% nguy cơ suy tim, đột quỵ.
    S-e1489998281188.jpg
    Việc kêu rừ rừ cũng giống như một cách để mèo biểu hiện cảm xúc, như con người thường cười, khóc …Chính vì vậy, thay vì chỉ nhận định đơn thuần rằng tiếng rừ rừ là biểu hiện cho sự thoải mái ở chú mèo, ta nên hiểu rõ hơn về cơ chế phát ra âm thanh này như là một cách thể hiện cảm xúc và cũng là một cơ chế để cải thiện sức khỏe một cách tiết kiệm năng lượng.