“Tắt đèn” đã tái hiện một cách chân thực và cảm động số phận bi thương của người nông dân trong xã hội cũ

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đều phải thừa nhận rằng “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là tác phẩm xuất sắc nhất khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng. Có thể nói, với tác phẩm này, Ngô Tất Tố đã đi sâu vào đời sống quần chúng lao khổ, thẳng thắn vạch trần bộ mặt tàn bạo, bất nhân của một xã hội mà ở đó chỉ có đồng tiền, quyền lực ngự trị. Tác phẩm như một bản cáo trạng đanh thép lên án chế độ thực dân phong kiến đã đẩy người nông dân đến bước đường cùng khiến cho cuộc sống của họ còn khốn khổ hơn cả địa ngục. Thế nhưng từ trong hố sâu của cái “địa ngục trần gian” ấy, những người nông dân lương thiện vẫn khát khao quyền được sống, được đấu tranh và dù thế nào đi chăng nữa họ vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹp của con người.

    “Tắt đèn” được xây dựng trong bối cảnh của một vụ sưu thuế ở làng Đông Xá, một làng quê vùng Bắc bộ Việt Nam thời bấy giờ. Cổng làng đóng chặt, khắp nơi vang lên tiếng trống mõ, tiếng tù và inh ỏi, tiếng thét lác, đánh đập, tiếng kêu khóc thảm thiết, tiếng chó sủa đinh tai… Tất cả những âm thanh đó cộng hưởng lại với nhau khiến cho không khí của cái làng ấy trở nên căng thẳng, ngột ngạt và khẩn thiết như trong một cuộc săn người. Nổi lên trên cái nền cảnh ấy chính là gia cảnh đáng thương của nhà chị Dậu. Với một ông chồng suốt ngày ốm đau, ba đứa con nhỏ, dù đã cật lực nhưng nhà chị vẫn được xếp vào dạng nhất nhì trong hạng cùng đinh. Đã thế chị lại phải chạy vạy ngược xuôi, bán con, bán chó nhưng cũng chỉ đủ nộp một suất sưu cho chồng và còn thiếu một suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái.

    Giữa đình làng, tiếng kêu uất ức của chị vang lên thảm thiết. Đêm hôm ấy, anh Dậu được người ta trả về rũ rượi như một cái xác chết. May được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, anh đã dần tỉnh lại . Một bà lão hàng xóm ái ngại cho cảnh nhà chị nhịn đói tư hôm qua, mang đến cho chị một bát gạo để nấu cháo. Sáng sớm hôm sau, khi anh Dậu vừa ngồi dậy cầm bát cháo chưa kịp đưa vào miệng thì cai lệ và người nhà lý trưởng đã sầm sập tiến vào với roi song, tay thước và dây thừng. Van xin tha thiết không được, chị Dậu liều mạng đánh lại hai tên tay sai nhưng sau đó thì bị bắt giải lên huyện. Lão quan phủ Tư Ân lợi dụng bố trí giở trò bỉ ổi. Chị đã kiên quyết chống cự và chạy thoát về nhà. Cuối cùng để có tiền nộp sưu, chị đành gửi con lên tỉnh đi ở vú, hàng ngày vắt sữa của mình cho một tên quan phủ già uống. Và tên này cũng đốn mạt không kém những tên kia, trong một đêm “tắt đèn”, đã mò vào vào buồng của chị giở bỉ ổi. Chị đã gạt mạnh bàn tay bẩn thỉu của hắn và vùng chạy ra ngoài, giữa lúc trời tối đen như mực, tối đen như cái tiền đồ của chị.

    Tắt đèn đã tái hiện một cách chân thực và cảm động số phận bi thương của người nông dân trong xã hội cũ. Khi đọc tác phẩm này, chúng ta không khỏi căm phẫn cái lũ thống trị thực dân đốn mạt, vô nhân tính. Bọn chúng mỗi kẻ một vẻ mặt, một cách biểu hiện khác nhau nhưng bản chât thì đều đê hèn như nhau: vợ chồng Nghị Quế thì giàu có nhưng tham lam, keo kiệt và không kém phần độc ác; bọn quan lại thì dâm ô, bỉ ổi, bọn tay sai thì hung hãn, hống hách. Tất cả, tất cả bọn chúng như lũ cá mập luôn chực sẵn để nuốt những con mồi thấp cổ bé họng vào bụng. Và đối lập với chúng là những người nông dân đáng thương với “hai hàng nước mắt chan cơm và những giọt mồ hôi rơi xuống gò má” như tình cảnh của chị Dậu.

    Có thể nói, cái bóng dáng bé nhỏ, liêu xiêu với cái nón mê rách nát và tiếng kêu gào thảo thiết của chị đã trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng độc giả. Cũng như bao con người khác, chị muốn những người thân yêu của chị được sống. Vì thế chị đã tất tả ngược xuôi để chăm lo gia đình, trang trải sưu thuế. Nhưng hình như trong xã hội ấy, người nông dân càng nhẫn nhục, chịu đựng thì bọn tay sai lại càng đè đầu cưỡi cổ. Và cuối cùng không thể chịu được nữa, họ đã phải vùng dậy để đấu tranh. Thế mới nói, tức nước thì vỡ bờ. Tuy nhiên nói đến cùng thì sự đấu tranh của chị Dậu cũng chỉ là sự đấu tranh mang tính tự phát bởi cuối cùng chị vẫn bị bắt, phải chạy trốn và… có lẽ những chuỗi ngày sau đó của chị cũng tăm tối như cái đêm “tắt đèn” ấy. Dù vậy Ngô Tất Tố đã nhìn thấy được sức mạnh quật cường của người nông dân trong hình ảnh của chị Dậu. Họ lương thiện, chịu thương chịu khó, luôn biết nhẫn nhịn nhưng họ không ươn hèn, yếu đuối. Và có lẽ đó là sức mạnh tiền đề để nhân dân ta làm nên cuộc cánh mạng Tháng Tám thành công, kết thúc gần một trăm năm nô lệ thực dân.

    Có thể nói, chỉ với hình ảnh của chị Dậu, gia đình nhà chị Dậu, chế độ sưu thuế mà người dân làng Đông Xá phải chịu, Ngô Tất Tố đã dựng lên được một bức tranh chân thực, khái quát, điển hình về phẩm chất, cuộc sống, số phận của người nông dân trong xã hội cũ. Bằng ngòi bút sắc sảo và cái nhìn dứt khoát, nhà văn đã vạch trần bộ mặt bỉ ổi, thối tha, đốn mạt vô nhân tính của cái xã hội ăn thịt uống máu người này. Đồng thời với tấm lòng nhân đạo của mình, ông luôn đứng về phía những người nông dân thấp cổ bé họng để bênh vực, bảo vệ và ủng hộ họ.

    Dù hiện tại, cuộc sống của họ như những ngọn đèn đang lụi tắt nhưng với Ngô Tất Tố, ông luôn tin vào sức sống mãnh liệt của người nông dân, tin rằng, một ngày nào đó, những ngọn đèn ấy sẽ được thắp sáng lên, mãi mãi và không bao giờ tắt để người nông dân có cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn và cái chế độ bạo tàn của lũ thực dân phong kiến không bao giờ còn tồn tại trên quê hương, đất nước ta nữa.