Thời Của Thánh Thần - Hoàng Minh Tường

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪


    Không gian của TCTT là một làng quê ngoài Bắc có tên là làng Động, huyện Phương Đình, tỉnh Sơn Minh. Thời gian của những câu chuyện trong TCTT kéo dài từ thời kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất, đến giải phóng miền Nam năm 1975, và những biến động lớn sau cái thời điểm lịch sử đó. Bối cảnh của TCTT là những câu chuyện đau lòng (vâng, chỉ có thể nói là “đau lòng”), những mâu thuẫn mang màu sắc đạo đức, xã hội và chính trị trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tác giả hình như muốn giải phẫu lịch sử nước nhà trong thời gian đầy biến động đó qua những xung đột trong một gia đình Việt Nam. Đó cũng là một điều thú vị, bởi vì trong tiểu thuyết TCTT là tác giả không dựng một nhân vật chính; toàn bộ cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh gia đình họ Nguyễn Kỳ. Ông Nguyễn Kỳ Phúc (còn gọi là ông Cử Phúc) có 4 người con ruột: Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, Kỳ Vọng, và cô con gái Kỳ Hậu. Ngoài ra, ông còn có một người con nuôi là Nguyễn Kỳ Quặc. Vì Kỳ Vọng và Kỳ Quặc sinh cùng năm, và sợ khó nuôi nên ông Cử Phúc còn đặt tên cho hai đứa là Vện và Cục! Do đó, Kỳ Quặc còn có tên là Kỳ Cục. Cho đến ngày ông Cử Phúc qua đời, không ai biết cha mẹ ruột của Kỳ Quặc là ai. Thật ra, Nguyễn Kỳ Quặc là con của bà Đào Thị Cam. Bà Cam là một thiếu nữ xinh đẹp nhất làng, bị tên đồn trưởng lai Tây Trương Phiên làm nhục, mang thai, và hạ sinh ra nó, rồi bỏ trong một bụi cây. Đến khi bà cử Phúc đi qua đường thấy được rồi mang về nuôi và xem như là một đứa con trong nhà. Kỳ Quặc được ông bà Cử Phúc xem như con ruột, bình đẳng với các anh em khác, thậm chí còn được ưu tiên vì sự bất hạnh của Kỳ Quặc. Sau vụ bị làm nhục, Đào Thị Cam bỏ vào chùa đi tu với pháp danh Đàm Hiên. Nhưng sau đó, Đàm Hiên bỏ tu và theo kháng chiến, rồi trở thành một cán bộ cao cấp trong phong trào phụ nữ. Trong thời gian theo kháng chiến, Cam yêu một đồng chí của mình có tên là Lê Thuyết. Hai người chưa kịp thành hôn thì Lê Thuyết hi sinh trong một trận đánh Tây. Lúc bấy giờ, Cam đã là một cán bộ lãnh đạo huyện và hay giả trang đến nhà ông Cử Phúc để thầm kín thăm con. Nguyễn Kỳ Khôi thoát li gia đình đi theo cách mạng (Việt Minh) từ năm 15 tuổi. Trong môi trường kháng chiến, Kỳ Khôi trở thành một cán bộ xuất sắc, lập được nhiều công trạng và được cấp trên ưu ái. Tổ chức quyết định đặt tên mới cho Kỳ Khôi là Chiến Thắng Lợi. Kỳ Khôi lần đầu gặp Đoàn Thị Cam thì mê mẩn tâm hồn, dù Cam lớn hơn Kỳ Khôi vài tuổi. Sau khi kháng chiến thành công, Kỳ Khôi và Cam lại gặp nhau ở Hà Nội. Hai người trong tình cảnh “tình trong như đã mặt ngoài còn e” gặp nhau trong ngày vui của cách mạng, họ kéo nhau đến phố Phương Đình và sống như hai vợ chồng trong ba ngày liền. Kết quả của ba ngày là một bào thai, và sau này Cam đặt tên là Lê Kỳ Chu. Cam đặt họ Lê để qua mắt Tổ chức rằng đó là con của Lê Thuyết, chứ không dám đặt họ Nguyễn Kỳ, bởi vì nếu như thế là … mất đạo đức cách mạng. Trong một thời gian dài Kỳ Khôi (hay Chiến Thắng Lợi) không hề biết mình có con là Kỳ Chu!

    [​IMG]

    ✪ ✪ ✪ ✪ ✪