Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

    Bài làm:
    Với mỗi người dân Việt Nam ta, từ xưa đến nay bánh chưng vẫn luôn là món được chờ đợi nhất trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Ngày tết mà không có bánh chưng thì không được gọi là tết, thiếu đi hương vị tết. Có lẽ bởi trong tiềm thức của tất cả mọi người, thì bánh chưng là món ăn tượng trưng cho sự quây quần, đầm ấm của mọi gia đình mỗi dịp tết đến xuân về.
    Chắc hẳn ai cũng biết đến câu chuyện “ Sự tích bánh chưng, bánh giày”, và chúng ta vẫn thường cho rằng, bánh chưng đã gắn bó với dân tộc ta từ rất lâu đời nay, từ thời vua Hùng Vương thứ Sáu. Từ đó đến nay, bánh chưng vẫn là biểu tượng của sự sum vầy, tượng trưng cho đất trời Việt Nam ta. Ngày tết không có “ bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì không gọi là tết.
    Ngày nay, do nhu cầu đời sống của con người và đặc trưng vùng miền, bánh chưng đã được biến tấu thành nhiều dạng khác nhau như bánh chưng ngọt, bánh chưng gấc đỏ…nhưng tựu chung lại, vẫn không thể thay thế được công thức chung, đó là những nguyên liệu được gói trong lớp lá xanh thẫm mượt mà.
    Để làm bánh chưng, chúng ta cần phải lựa chọn kỹ những nguyên liệu như lá dong, lá nếp, đậu xanh giã nhỏ, thịt heo ba chỉ…ngoài ra còn có phụ gia như hạt tiêu, mắm… Tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình mà thịt sẽ được tẩm ướp, trộn mắm, tiêu sao cho phù hợp nhất.
    Nguyên liệu sau khi được chọn lựa, chuẩn bị kỹ càng, người ta bắt đầu gói bánh chưng. Bánh chưng sẽ được gói bằng lá dong xanh mướt mát, bên trong các nguyên liệu cũng phải được xếp theo một thứ tự nhất định. Đầu tiên ta trải đều một lớp gạo nếp, bên trên lớp gạo đó sẽ lần lượt là đỗ xanh đãi nhỏ, rồi đến thịt heo ở giữa. Thịt có thể tẩm ướp mắm tiêu. Cuối cùng sẽ lại là một lớp gạo nếp trải đều ở trên cùng. Tiếp đến là gói bánh bằng lá dong. Để chiếc bánh được vuông vắn, đẹp mắt, phụ thuộc rất nhiều vào sự khéo léo của người gói. Tuy nhiên người ta có thể dùng khuôn để cải thiện vấn đề đó. Tạo khuôn xong thì buộc lại bằng những thanh lạt mềm dẻo, đảm bảo khi luộc không bị đứt nhão dây ra.
    Gói bánh xong xuôi, chúng ta đem bánh đi luộc. Thích nhất là khâu luộc bánh chưng. Cả gia đình từ người lớn đến trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa hồng. Luộc bánh mất một khoảng thời gian từ 8-10 tiếng, để đảm bảo gạo chín đều. Trong thời gian đó, người ta thay phiên nhau ngồi canh bếp bánh, có khi là cả đêm, nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, vì không khí quây quần bên bếp lửa trò chuyện thật sự rất ấm cúng.
    Bánh sau khi luộc đưa ra để cho nguội. Chiếc bánh chưng thành phẩm chuẩn là có màu xanh mướt của lá dong, vuông vức bốn góc như “ biểu tượng của đất trời”. Bóc chiếc bánh ra thơm lừng mùi đỗ xanh, mùi lá, thịt heo chín béo ngậy ăn vào một miếng là không thể quên.
    Bánh chưng sau khi hoàn thiện sẽ được đem bày lên bàn thờ để cúng tổ tiên, ông bà, thể hiện sự thành kính, biết ơn của con cháu với gia tiên. Ngoài ra, bánh chưng còn được dùng làm quà biếu cho người thân. Ngày tết nhận được quà là chiếc bánh chưng, người ta cũng cảm nhận được tình cảm dành cho nhau thân thiết, ấm áp đến nhường nào.
    Thật sự không quá khi nói rằng, ngày Tết không có bánh chưng là coi như không có Tết, thiếu đi hương vị Tết. Mỗi gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết, chia sẻ với nhau những chuyện đã qua trong năm cũ, những dự định trong năm mới, nhấm nháp chiếc bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, bát canh măng…, thế là đã cảm thấy đủ đầy, ấm áp, thân thương, ý nghĩa lắm của những ngày sum họp đầu năm.