Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

    Bài làm:
    Chiếc nón lá Việt Nam từ lâu đã đi vào nhiều bài thơ, bài hát, và là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, dịu dàng:

    "Sao anh không về thăm quê em
    Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
    Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
    Mười sáu vành, mười sáu trăng lên"
    Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, thướt tha áo dài cùng chiếc nón lá có lẽ là đẹp nhất hiện lên trong mỗi áng văn, vần thơ.
    Nón lá Việt Nam có lịch sử từ rất lâu đời. Ai đã nhìn thấy chiếc Trống đồng Ngọc Lữ, chắc không thể quên hình ảnh chiếc nón lá được chạm khắc trên đó. Từ đây, có thể khẳng định nón lá Việt Nam đã xuất hiện khoảng gần 3000 năm trước công nguyên. Chiếc nón lá luôn gắn liền với người dân Việt Nam, trong đời sống hàng ngày, qua bao nhiêu thăng trầm, cả những cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc. Nhưng nghề làm nón vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay. Nhắc đến nơi làm nón đẹp nhất, nổi tiếng nhất của đất nước ta thì phải kể đến Cố Đô Huế, với những làng nghề làm nón truyền thống như Dạ Lê, Đồng Di, hay nổi bật hơn cả là Phủ Cam…Đây đều là những làng nghề từ rất lâu đời, làm ra những sản phẩm công phu, nổi trội nhất trong những làng nghề làm nón của nước ta. Những làng nghề này đã thu hút được không ít khách du lịch đến tham quan, mua nón làm kỷ niệm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
    Chiếc nón lá nhìn đơn giản, trắng tinh khôi là thế, nhưng để làm được một chiếc nón lá đẹp thì phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, từ khi chọn nguyên liệu đã cần đến sự tinh tế, tỉ mỉ của người làm nón. Chọn được nguyên liệu tốt rồi, người ta đem lá đi phơi, phơi xong rồi lại phải chú trọng đến từng đường kim mũi chỉ, sao cho khéo léo, đẹp đẽ nhất. Chả trách có nhiều người vẫn nói với nhau rằng, làm được một chiếc nón lá đẹp, là cần đến cả tấm lòng của người làm nón, phải yêu nón, yêu nghề làm nón đến thế nào, mới có thể làm ra những chiếc nón đẹp đẽ, tinh khôi nhất.
    Lá để làm nón thường dùng lá dừa hoặc lá cọ. Làm nón bằng mỗi loại lá lại mang đến một sự khác biệt của sản phẩm. Lá dừ thường xuất phát từ Nam Bộ, vì đây là vùng đất với nhiều dừa, còn ở vùng khác thì phải chuyển lá từ trong Nam ra. Phức tạp như vậy, nhưng lá dừa lại cho ra những chiếc nón không được như nón làm bằng lá cọ. Những chiếc lá cọ có độ mềm mại, chắc chắn hơn. Lá để làm nón phải là những chiếc lá xanh tươi, bóng bẩy, nổi rõ những đường gân lá đẹp mắt. Sau khi chọn lá xong, người ta phải đem sấy, phơi khô. Quy trình chuẩn là sau khi sấy phải đem phơi sương từ hai đến bốn giờ.
    Tiếp đến là khâu làm vành nón. Vành nón phải chọn những nan tre có độ mềm và dẻo dai, để khi chuốt, uốn cong không bị gãy. Cuối cùng là chằm nón. Công đoạn này giúp cho lá và khung được bám vào nhau. Khi đã hoàn thiện các công đoạn trên, người thợ sẽ quết dầu làm bóng lá, rồi phơi khô để giữ được độ bền ở bên ngoài của nón.
    Chiếc nón lá được hiện diện khắp nơi trên đất nước chúng ta. Chiếc nón ngoài công dũng che nắng che mưa, còn được dùng vào các tiết mục nghệ thuật, biểu diễn, với tính thẩm mỹ cao. Chiếc nón được đưa đi giới thiệu đến khắp bạn bè trên thế giới, như là một trong những biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
    Thật vậy, khi nhắc đến nón lá, chúng ta liên tưởng ngay đến những người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, nồng nàn, đôn hậu, cùng với tà áo dài, chiếc áo bà ba… Đó có lẽ là hình ảnh sẽ mãi khắc sâu trong lòng những người dân Việt Nam, hay là những ai biết đến, và yêu chiếc nón lá.