Thuyết minh về loài hoa mai Mở bài: Mai là loài cây hoa vốn rất gần gũi với con người Việt Nam ta. Trên thế giới có ít nhất là 50 loài mai phân bố rải rác ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, song chủ yếu tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Phi. Thân bài: * Nguồn gốc: Cây mai có tên khoa học là Oteela, là một chi thực vật có hoa nằm trong họ Mai vàng. Loài hoa này được trưng bày phổ biến ở miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Cây mai trở thành biểu tượng của mùa xuân tươi đẹp trong tâm lí con người Việt Nam ta. * Phân loại và phân bố: Việc phân loại mai chủ yếu dựa vào đặc điểm bên ngoài hoặc màu hoa hoặc tập tính ra hoa của cây mai. Về căn bản, Ở Việt Nam phổ biến các loài mai sau đây: Mai vàng năm cánh: Loại mai vàng mọc phổ biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa) và trên dãy trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa nhỏ, thân vừa và nở hoa không nhiều và rậm như một số loài mai khác mà nở thưa thớt. Mai núi: Cũng là một loại mai rừng nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa. Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Mai chủy: Cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là chùm). Mai động, mai sẻ: Là một loại mai chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng và tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu có hơn năm cánh thì đúng là loại mai động. Mai động và mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quàng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung và có khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa v..v.. Mai hương, mai thơm hay mai ngự: Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt và có lẽ là nồng nàn hơn tất cả các loài mai nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất đặc biệt của loài mai vàng năm cánh này. Ở Huế, loại mai này còn được gọi là “Mai ngự” vì nó được trồng trong cung và rất được Hoàng tộc mến chuộng dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là “Mai ngự”. Mai châu (Mai trâu): Là một loại mai trổ hoa rất lớn, hoa của loài mai này lớn một cách lạ thường, cánh to và rộng, màu vàng rực. Mỗi đóa hoa có đường kính hơn 5cm nên người ta gọi nó là mai trâu mà người Nam bộ thường đọc trại ra thành “mai châu”. Mai chiếu thủy: là cây đa niên, gốc to, cành nhánh nhiều. Cao khoảng 1,5m. Lá dài, nhỏ, mọc thành đôi. Hoa nhỏ 5 cánh, mọc thành chùm nhỏ li ti, màu trắng tuyền, có mùi thơm dịu dàng, dễ chịu. Cuống hoa dưới luôn luôn hướng xuống đất nên được gọi là mai Chiếu Thủy. Mai liễu: Là một loại mai có cành rất mềm và rũ xuống như cây liễu, hoa trổ rất ít. Lá mai nhọn và nhỏ, thon dài như lá liểu nên được gọi là mai liễu. Mai nhọn: Là một loại mai có lá dài và nhọn, nụ hoa và cánh hoa cũng có hình dạng tương tự. Mai Cà Ná: Là loại mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành rất giòn, dễ gẫy, lá hình bầu dục, trơn láng và có răng cưa quang rìa lá. Người dân ở đây gọi nó là mai rừng Cà Ná. Mai Vĩnh Hảo: Vào địa phận của tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo, nơi có nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam là “Nước khoáng Vĩnh Hảo” thì có một loại mai vàng nữa cũng là loài đặc trưng của vùng này, không khác gì mấy so với mai Cà Ná nhưng nó lại được người dân ở đây đặt cho cái tên theo địa danh nơi nó đang sống là “Mai Vĩnh Hảo”. Mai Vĩnh Hảo có thân cứng, lá nhỏ, hoa to và phẳng, đặc biệt rất lâu tàn. Mai tứ quý: Loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn trịa và giống hình một đóa hoa mai. Do tính chất nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn. Mai giảo: Là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra đời một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai tết. Song mai: hoa màu trắng muốt, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai. Hoàng mai: mai vàng, còn được gọi là Lạp mai. Lạp là sáp ong, được ví với màu vàng tươi nhuận của hoa mai. Còn hiểu cách khác thì Lạp nguyệt là tháng chạp, vậy Lạp mai là loài hoa mai chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Tại Việt Nam, nơi có nhiều mai vàng nhất là trong những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn, thuộc các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Rừng ở các tỉnh cao nguyên cũng có, nhưng ít hơn. Hoặc để dễ dàng phân biệt người ta thường chia mai ra làm hai loại: loại nở một lần vào mùa xuân gọi là mai xuân và loại nở hai lần trong năm gọi là nhị độ mai. * Đặc điểm: Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, mảnh khảnh giống cây hoa đào. Trên thân có đoạn xù xì, có đoạn trơn láng, màu xanh, hoặc màu nâu, da bóng. Mai vàng là loài cây trồng lâu năm. Cây trưởng thành cao từ 1.5 đến 3 mét. Lá mai là loại lá đơn. Ở rìa lá có hình răng cưa. Cây mai rất ít khi rụng lá. Cuống lá thường bám rất chặt trên cành mai, đến khi già cỗi mới tự rụng xuống. Bởi thế, lúc nào cây mai cung sum xuê cành lá. Mặt trên lá trơn nhẵn, mặt dưới hơi nhám. Lá mai có chức năng quang hợp và tổng hợp chất dinh dưỡng nuôi cây. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa mai màu vàng. Hoa thường có 5 cánh hoặc nhiều hơn. Ở Việt Nam thường phổ biến loại hoa năm cánh. Hoa mai năm cánh thường ra hoa chi chít trên cành. Hoa nở thành từng chùm, cánh hoa kết nối với nhau ở tâm rồi xòe ra xung quanh, cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo…Loại hoa mai có nhiều cánh cũng được ưa chuộng nhưng ít hơn. Bởi trên bông hoa các cánh hoa xếp thành từng lớp chồng lên nhau tạo nên bông hoa lớn nhưng cây thường có hoa thưa thớt chư không được sum xuê. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng, an khang. Khi hoa mai thụ phấn sẽ tạo thành quả. Quả cây hoa mai bám chặt trên đài hoa. Khi còn non có màu xanh. Khi chín có màu đỏ. Bởi thế, dù cây mai có rụng hết hoa, khi quả chín nhìn cây mai như đang tiếp tục khoe sắc màu mới. Cây mai là loài ưa sáng, thích hợp phát triển trong điều kiện nóng ẩm. Ở nước ta cây mai phát triển mạnh ở miền Trung và miền Nam. Chúng được trồng trong vườn nhà, chậu cảnh để làm vật trang trí. Hoa mai thưởng nở đúng vào dịp tết cổ truyền dân tộc bởi thế từ bao đời nay nó được coi là sứ giả của mùa xuân, của ngày tết thiêng liêng và đầy ý nghĩa. * Nuôi trồng và chăm sóc: Mai thuộc loại dễ trồng và cũng dễ chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn những hạt mai chín mẩy, phơi khô rồi đem gieo vào đất ẩm. Mai là loài cây ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy, cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm. Để có một chậu hoa đẹp,ta nên thường chú ý cắt nhánh, uốn cành, tạo thế để có được những chậu mai có hình dạng độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc,đậm chất triết lí Á Đông. Để mai ra hoa đúng vào ba ngày Tết, người trồng mai thường phải chú ý trút lá và canh thời tiết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì trút lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải trút lá sớm hơn. * Cây mai trong ngày tết cổ truyền Việt Nam: Người dân Việt Nam thường thích chọn cây mai thờ cúng và trang trí trong nhà vào ngày Tết không phải là điều ngẫu nhiên. Hình ảnh cây mai nở rộ trong ngày đầu xuân là bài học đạo lý đối với mọi người và mọi nhà. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu hy vọng, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý và thịnh vượng, hợp với niềm hân hoan chờ đón Tết đang rạo rực trong lòng người dân. Không những hoa vàng khoe sắc trên cành mà những chồi non lộc biếc cũng vươn lên xanh thắm. Sự hòa hợp giưa hoa và chồi nụ tạo nên một bản trường ca màu sắc trong suốt những ngày xuân tươi vui ấm áp. Chỉ với một cây mai vàng, người Việt đã đưa vũ trụ quan vào nhân sinh quan vào trong thú chơi tao nhã này. Một cành mai như thế phải có đủ cả thượng, hạ, tả, hữu; bao gồm cả thiên, địa, nhân; lại có cả ngũ hành tương sinh tương khắc hòa quyện triết lí Đông phương. Từ một thú chơi tao nhã trở thành một quan niệm sống thanh cao, thi vị. Người xưa thướng lấy hoa mai để sánh với cốt cách người quân tử. Bởi dáng mai cứng cỏi, gầy guộc, hoa mai rực rỡ chóng nở chóng tàn, chịu đựng cái khắc nghiệt của mùa đông và nở hoa vào mùa xuân. Đó là biểu thị của ý chí kiên cường, của nguồn sống dào dạt, của sức mạnh tồn sinh bất diệt. Kết bài: Từ nghìn năm qua, hoa mai vẫn giữ một vai trò trọng yếu trong tâm linh người Việt, trở thành biểu tượng của mùa xuân, của cái đẹp, của tâm hồn bình dị mà hòa thắm thương yêu của dân tộc ta.