Đề bài: Tìm Hiểu Về Đặc Trưng Ngôn Ngữ Trong Ca Dao. Bài làm: Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ thường của quần chúng nhân dân, nhưng được sử dụng theo phương thức trữ tình của dân ca, do đó mang tính chất nghệ thuật hóa một phần, chứ không đồng nhất với ngôn ngữ thông thường trong đời sống hằng ngày của quần chúng nhân dân. Đó là lý do khiến cho ngôn ngữ trong ca dao vừa giống, vừa khác với ngôn ngữ thông thường, đồng thời cũng có những sắc thái riêng, khác với ngôn ngữ trong các thể loại văn học dân gian khác. Ngôn ngữ trong ca dao truyền thống là ngôn ngữ của một thời đã qua, cách đây chục thế kỷ do đó trong các bài ca dao truyền thống, có những từ ngữ, những cách diễn đạt đã trở nên xa lạ, khó hiểu đối với lớp người hiện đại, nhất là thế hệ trẻ. Để phân tích, bình giảng cao dao về mặt ngôn từ cần hiểu sâu sắc và thấu đáo một bài ca dao phải bám vào từ ngữ của nó, thông qua từ ngữ để tìm ra ý, tứ, sự, tình trong đó. Sau khi nắm bắt được ý, tứ, sự, tình của toàn bài, mới có điều kiện đầy đủ và chắc chắn để nhận rõ nghĩa đích thực trong bài. Bởi hiện tượng “ý tại ngôn ngoại” trong ca dao không phải là hiếm. Mối quan hệ giữa từ ngữ với ý, tứ, sự, tình trong cao dao thật khăng khít, phải dựa vào cái nọ để hiểu cái kia và ngược lại. Chẳng hạn như: “Khi đi bóng hãy còn dài Giờ về bóng đã nghe ai bóng tròn?” Từ “dài”, “tròn” “bóng” đã được tác giả dùng theo nghĩa khác để ám chỉ sự thay lòng đổi dạ của người yêu. Từ “nhớ” trong câu ca dao sau cũng mang những nghĩa khác nhau: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa, như ngồi đống than” Và “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” Cái hay, cái đẹp của ca dao được thể hiện ở nhiều yếu tố, phương diện khác nhau. Có thể hay về ý, về tình, về nghệ thuật cấu tứ, tạo chuyện, chọn hình ảnh… nhưng tất cả mọi yếu tố, phương diện khác nhau ấy đều có quan hệ với từ ngữ. Cho nên, từ ngữ trong ca dao có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì thế, từ xưa đến nay các nhà thơ, nhà văn học tập ca dao, trước hết và chủ yếu là học cách sử dụng ngôn ngữ của nhân dân trong lĩnh vực này. Như nhà phê bình văn học Hoài thanh từng nhận định: “Lời thơ dân gian không những sẽ bước đầu cho ta làm quen với tâm tư tình cảm của đồng bào ta xưa mà đồng thời sẽ còn giúp ta học được những cách nói năng tài tình chính xác. Theo tôi, đối với một người Việt Nam mà thiếu kiến thức này thì có thể xem như thiếu một trong những điều cơ bản”. (Một vài suy nghĩ về ca dao)