Đề bài: Tìm Hiểu Về Thể Kí Trong Văn Học Việt Nam Bài Làm: So với các thể loại văn học khác, sự phân loại trong kí có những phức tạp về mặt cấu tạo cũng như việc xác định ranh giới thể loại. Bên cạnh kí văn học vẫn tồn tại hàng hoạt các hình thức thông tấn, ghi chép, miêu tả, kể chuyện hàng ngày trong cuộc sống. Trong phạm vi của kí văn học, tình hình phân loại cũng có nhiều khó khăn, dễ lẫn lộn. Từ các loại kí sự như phóng sự, kí sự, hồi kí, truyện kí… đến các loại kí trữ tình như tùy bút, nhật kí, hoặc kí chính luận như các dạng tiểu phẩm văn học, tạp văn, tạp kí…đặc trưng loại hình của mỗi loại cũng rất khác nhau. Thực ra, toàn bộ các thể kí đều do sự thâm nhập, kết hợp ở những mức độ khác nhau giữa ba thành phần tự sự, trữ tình và chính luận. Tùy theo tác giả dựa vào thành phần nào là chủ đạo, tính chất của thể loại kí do đó cũng có thể thay đổi. Nếu các thể kí phải đảm bảo tính xác thực trong miêu tả thì loại kí tự sự phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhất quy tắc này. Loại kí tự sự bao gồm các thể chính như: kí sự, phóng sự, truyện kí, du kí, hồi kí, kí sự lịch sử… Kí sự chủ yếu ghi lại những diễn biến khách quan của cuộc sống và con người thông qua những sự kiện. Trong kí sự phải tôn trọng tiếng nói khách quan của sự kiện. Người viết kí có quyền bình luận, phân tích nhưng chủ yếu vẫn là tiếng nói của sự sống đang vận động, phát triển. Tác giả phải biết phát hiện, chọn lọc để làm nổi bật lên những điển hình xã hội tiêu biểu, chọn lọc để làm nổi lên những điển hình xã hội tiêu biểu, những con người và sự việc giàu ý nghĩa xã hội và sức khái quát. Đối với loại kí trữ tình nghiên về phần ghi nhận những cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn trước hiện thực khách quan, hoặc xen kẽ kết hợp giữa bình luận, suy tưởng, miêu tả và kể chuyện. Chất cảm xúc trữ tình chiếm một vị trí quan trọng. Các loại kí trữ tình bao gồm nhiều thể: nhật kí, bút kí, tùy bút. Ở thể kí chính luận, có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy hình tượng của người nghệ sĩ với tư duy chính luận. Qua kí chính luận nhà văn đặt ra nhiều vấn đề để giới thiệu, bình luận, chứng minh. Có tác giả dùng hình thức kí chính luận để tranh luận, phê phán kẻ thù nên trong những bút kí đó yếu tố châm biếm được vận dụng xen kẽ và có khi thâm nhập vào toàn bộ hình tượng và ngôn ngữ của bài văn. Cũng như các thể loại văn học khác, kí có chỗ mạnh và yếu của nó, nguyên tắc điển hình hóa của kí dựa chủ yếu trên sự chọn lọc của điển hình về người thật việc thật, trên sự tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả. Thực tế đó ảnh hưởng đến tính khái quát hóa nghệ thuật rộng rãi của tác phẩm. Kí không đòi hỏi nhiều đến các quy tắc sáng tạo. Mọi người đều có thể viết kí một cách thuận lợi, song kí là một nghệ thuật khó. Việt được một tác phẩm kí hay đòi hỏi phải có nhiều vốn sống trực tiếp, sự hiểu biết và tài năng sáng tạo. Cái khó của thể kí cũng là cái khó chung của mọi loại hình nghệ thuật. Nhưng có một điều mà người viết kí phải đặc biệt nỗ lực vượt qua thì đó chính là cái ranh giới giữa nghệ thuật và không nghệ thuật, giữa thời sự trước mắt và lâu dài, giữa cái hữu hạn của một đối tượng xác định và cái vô hạn của yêu cầu nhận thức người đọc.