Tình huống truyện đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng và tinh thần yêu nước ở nhân vật ông Hai

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tình huống truyện đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làngtinh thần yêu nước ở nhân vật ông Hai
    • Mở bài:
    Ở truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng một tình huống gây cấn, xung đột kịch liệt diễn ra trong nội tâm của nhân vật ông Hai. Từ đó làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước sâu đậm ở nhân vật ông.
    • Thân bài:
    Tình huống khởi đầu từ việc ông Hai rất yêu và rất tự hào về làng chợ Dầu của mình, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Có thể nói ông hai yêu cái làng chợ Dầu như máu thịt, như sinh mệnh của mình. Yêu làng và tự hào về làng, cho nên ông Hai nguyện sống gắn bó, tha thiết với nó đến hết cuộc đời.
    Cho đến khi đi tản cư, ông vẫn nhớ làng, khoe những cái tốt của làng mình với niềm tự hào sâu sắc. Đối với ông, làng chợ Dầu là cái duy nhất có ý nghĩa. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi đối với con người nông dân Việt Nam, làng là nơi họ đã sinh ra, đã lớn lên với biết bao ân tình. Làng đã cho họ sự sống, niềm tin và hi vọng. Khi họ chết đi, làng đất cũng tiếp nhận họ trở về. Làng chính là một phần thiêng iêng mà mỗi con người luôn gìn giữ, dù đi đến nơi nào, họ cũng mang theo.
    Tình yêu làng của ông hai nó chứng minh một chân lí đó là hoàn cảnh có thể tách họ ra khỏi quê hương chứ không thể nào tách quê hương ra khỏi họ.
    Thế mà, đùng một cái, ông lại nghe những người tản cư sau mình nói rằng làng mình đã theo giặc. Cái tin làng chợ Dầu theo giặc là sự kiện tạo nên tình huống truyện gây cấn, đầy kịch tính, đặt ông hai trong sự lựa chọn gay gắt. Tình huống truyện được đẩy lên tới đỉnh điểm khi mụ chủ nhà hăm he muốn đuổi gia đình ông đi nơi khác.
    Tới đây, ông hai đối diện với tất cả vấn đề của mình. Trước đó, ông khoe cái làng chợ Dầu của ông “tinh thần dữ lắm”. Giờ có người nói làng theo Tây rồi. Nghĩa là, lời ông nói trước đây có thể là giải dối, là sai sự thật, là cố đánh bóng cái làng của mình. Nếu thực sự là như vậy, ông thật là đáng trách, đáng khinh. Dẫu chưa biết cái tin kia là thật hay giải nhưng nó làm ông vô cùng tủi nhục và đau khổ. Không ai chờ đợi đến lúc nó được kiểm chứng, người ta lập tức dè biểu, khinh khi ông.
    Khoảng thời gian đó thực sự tăm tối đối với ông hai. Ông không thể làm gì khác ngoài việc lẩn trốn mọi người. Nhưng cũng chính tình huống ấy là điều kiện giúp ông có thái độ quyết liệt và dứt khoát trước lịch sử: “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Từ tình yêu làng ông hai tiến lên tình yêu nước. Ông gạt bỏ tình cảm riêng (yêu làng) để đi đến tình cảm chung (yêu nước). Một sự vận động đau đớn nhưng rất cần thiết. Ông dành hết tình cảm cho cuộc kháng chiến, kính yêu lãnh tụ và ủng hộ kháng chiến. Ông đứng về phía nhận dân và hòa mình vào đời sống rộng lớn của nhân dân đất nước.
    Sau đó, tình huống kịch tính được cởi mở khi ông hai nhận được tin làng chợ Dầu không theo giặc mà đã chiến đấu kiên cường. Ông Hai vô cùng hạnh phúc. Nó trút bỏ gánh nặng trong lòng ông và hoàn thiện tình yêu nước của ông. Dẫu kẻ thù có đốt làng, đốt nhà ông đi rồi, nhưng cái “tinh thần ” của làng ông hãy còn. Chỉ cần cái tinh thần ấy còn thì tình yêu làng, niềm tự hào về làng của ông sẽ sống mãi. Thì ra, ông Hai yêu làng đâu bởi làng ông đẹp, khang trang hay bề thế mà bởi làng ông là làng kháng chiến, làng ông là làng yêu nước.
    • Kết bài:
    Tình huống bất ngờ khiến ông đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột giữa tình yêu làng mình và tình yêu nước, mà tình cảm nào cũng thiết tha, mạnh mẽ. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc cả hai tình cảm của người nông dân: yêu làng và yêu nước. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến đã chi phối và thống nhất mọi tình cảm khác của người Việt Nam thời kì kháng chiến.