Mở bài: Kim Lân viết “Vợ nhặt” năm 1954, dựa vào cốt truyện cũ của cuốn tiểu thuyết viết dở có tên “Xóm ngụ cư”(1946). Sau ông in trong tập “Con chó xấu xí”(1962). Tác phẩm hoàn thành khá lâu sau sự kiện lịch sử này nhưng cảm quan về cái đói vẫn ngấm trong từng chữ, ám ảnh cái nhìn làng quê của nhà văn. Ngòi bút tài hoa của Kim Lân đã khơi lật được mảng hiện thực trần trụi “tối sầm lại vì đói khát” tạo ấn tượng về một cõi dương đậm đặc âm khí. Cả làng quê giống như một đám ma khổng lồ mà bản nhạc huyên luôn ám ảnh chỉ chực cất lên khi có thêm một ma đói. Đặc sắc và thành công nhất của Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt, đó là đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, kì lạ, oái oăm và hấp dẫn. Thân bài: Tình huống của Vợ nhặt thể hiện ngay ở tên truyện: “Vợ nhặt”. Một anh nông dân “nhặt” được vợ. Mà nào anh ta có bảnh bao hấp dẫn gì: vừa nghèo, vừa xấu trai, lại là dân ngụ cư. Vậy mà chỉ “tầm phơ tầm phào” mấy câu mà có vợ theo về. Sự hấp dẫn của tình huống truyện trước hết là ở đó. Như một nghịch lý, nó gây ngạc nhiên cho mọi trường trong xóm ngụ cư, cho bà cụ Tứ, mẹ Tràng cho cả bản thân Tràng là kẻ đã “nhặt” được vợ. Ai cũng ngạc nhiên khi hắn dẫn người vợ về nhà. Bà cụ Tứ hiểu tình cảm con mình hơn ai hết nên càng khó tin Tràng có vợ, có người đàn bà đứng ngay ở đầy giường con mình, bà cụ cứ ngơ ngác tự hỏi: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ? “ Bà cụ làm sao hiểu nổi. Nghèo như con bà ai người ta thèm lấy có vợ được. Vả lại trời làm đói khát thế này, nuôi thân chẳng nổi, lấy gì vợ nuôi con? Bản thân Tràng cũng lấy làm lạ cho mình. Nhìn vợ, ngồi ngay giữa nhà, anh ta “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?” Tình huống truyện độc đáo, kì lạ, oái oăm: Tình huống truyện ấy độc đáo, kì lạ bởi nó chưa từng được xuất hiện trong văn học trước đó. Văn học viết về người nông dân thì có nhiều, đã từng có những tác phẩm xuất sắc, nhưng chưa bao giờ người nông dân được đặt trong một tình huống đặc biệt như Kim Lân: tình huống bỗng nhiên nhặt được vợ. Tình huống ấy được nhà văn khai thác dưới cái nhìn hết sức nhân bản và sâu sắc. Nó oái oăm và hấp dẫn bởi tình huống nhặt được vợ ấy của nhân vật Tràng diễn ra trong một bối cảnh hết sức khủng khiếp: nạn đói năm Ất Dậu 1945 – hơn hai triệu đồng bào chết đói, khiến tất cả mọi người, và cả bản thân chủ thể của hành động nhặt vợ cũng hết sức ngạc nhiên. Tình huống ấy đã có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút toàn bộ sự chú ý của bạn đọc vào câu chuyện nhặt vợ của Tràng. Tình huống truyện trong “Vợ nhặt” là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm, nó được tạo nên bởi những mâu thuẫn hoặc những nghịch lí, éo le, trớ trêu của đời sống. Qua đó, các nhân vật bộc lộ rõ nhất “cái phần gan ruột của mình”, bản chất của mình, tạo nên diện mạo cho tác phẩm và góp phần thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhà văn. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Vợ nhặt thể hiện qua nhan đề, những nghịch lí, éo le trớ trêu trong tác phẩm; góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm. Tình huống hé mở ngay ở nhan đề: “Vợ nhặt”. Động từ “nhặt”: hành động thờ ơ, ngẫu nhiên, không có chủ tâm để lấy một vật quá nhỏ bé; thường không có giá trị, bị đánh rơi hoặc bị bỏ đi, thường nằm ở dưới đất. Danh từ “vợ”: thiêng liêng, trang trọng, là 1 phần rất quan trọng trong cuộc đời người đàn ôn; lấy vợ là việc trọng đại trong cuộc đời, thường phải mai mối, dạm hỏi, cưới xin trang trọng. Tình huống truyện chứa đựng nghịch lí trớ trêu: Nhan đề “Vợ nhặt” hé mở mâu thuẫn, nghịch lí trong truyện. Từ nhan đề ta có thể suy đoán phần nào phẩm chất giá trị của người vợ và tình cảnh của người chồng. Tình huống được tạo dựng trên những mâu thuẫn, éo le được nghịch lí. Nghịch lí, trớ trêu ở chủ thể nhặt vợ – anh Tràng. Tràng là một nông dân của xóm ngụ cư – ở rìa làng, bị lép vế so với những người dân trong làng. Hắn nghèo sơ xác, trang phục, nếp nhà nhà rúm ró, xiêu vẹo. Anh chàng lại là người xấu xí, thô vụng: hai con mắt gà gà nhỏ tí, hai bên quai hàm bạnh ra. Đâu chỉ thế, gã còn là người hơi dở tính, thích chơi với trẻ con, bị chúng trêu thì ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch. Với những đặc điểm ấy, ngay trong hoàn cảnh bình thường, Tràng cũng khó lấy vợ, nguy cơ ế vợ. Vậy mà, Tràng lại lấy được vợ một cách nhanh chóng (sáng đi là chàng trai độc thân, tối về đã là người đàn ông có vợ) và dễ dàng (hai bận tầm phơ tầm phào, mấy câu đùa và bốn bát bánh đúc) tạo nên một tình huống hết sức trớ trêu, oái oăm, bi hài với Tràng. Nghịch lí, trớ trêu ở người vợ “nhặt”. Lấy chồng nghi thức, không cheo cưới, không dạm hỏi, không sính lễ, không của hồi môn… người đàn bà đã theo không. Lấy chồng không phải mục đích mong tìm hạnh phúc, tổ ấm mà để chạy trốn cái đói, kiếm miếng ăn. Lấy chồng trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 – thời điểm không ai dựng vợ gả chồng. Nghịch lí, éo le trong hoàn cảnh lấy được vợ của Tràng. Cuộc hôn nhân của Tràng lại diễn ra trong nạn đói khủng khiếp: người sống và người chết, không khí (lạnh lẽo, mùi ẩm thối của rác và gây gây của xác người, mùi đốt đống rấm…), âm thanh tiếng quạ thê thiết, tiếng hờ khóc, bóng tối bao phủ khắp nơi Nền của một cuộc hôn nhân là sự chết chóc. Nó tạo nên sự đối đầu vô cùng khắc nghiệt giữa sự sống >< cái chết, cái lạnh lẽo của chết chóc >< cái ấm áp của tình người, hạnh phúc >< khổ đau, tuyệt vọng >< hi vọng. Đó là sự xung đột giữa những thái cực đối lập, được tạo nên bởi tình huống nhặt vợ của Tràng. Nó tạo nên sự éo le, nghịch lí đấy lên cao độ. Nghịch lí, trớ trêu trong thái độ ngạc nhiên của mọi người. Dân xóm ngụ cư ngơ ngác không tin đó là sự thật. Bà cụ Tứ cũng cứ ngờ ngợ rồi chua chát nhận ra sự thật. Chính Tràng cũng ngạc nhiên, không tin vào việc mình đã làm. Tình huống đã phơi bày bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945: nạn đói đã hủy hoại hình hài, dáng vẻ con người; hủy hoại nhân cách, danh dự, phẩm chất con người; đẩy con người và cuộc sống vào tình cảnh thê thảm, đau xót. (dẫn chứng) Tình huống truyện thể hiện sự trân trọng, ca ngợi, niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người không thể bị hủy hoại. Sự đói khát không làm con người mất đi lòng nhân ái: biểu hiện qua thái độ của người dân xóm ngụ cư khi thấy Tràng đưa vợ về giữa những ngày đói khát; qua hành động nhặt vợ của Tràng (chia sẻ miếng ăn với người đàn bà xa lạ, xấu xí, đói khổ, rách rưới, chao chát, chỏng lỏn; đưa thị về làm vợ…);qua thái độ đối với người vợ, cách giới thiệu vợ với bà mẹ; qua tâm trạng, thái độ, hành động của bà cụ Tứ – người mẹ nghèo thương con, thương dâu hết mực… Sự đói khát không làm con người mất đi khao khát hạnh phúc: gương mặt của người dân xóm ngụ cư: trẻ con, người lớn tủm tỉm, rạng rỡ hẳn lên; vẻ mặt, tâm trạng của Tràng trên đường đưa vợ về, vào sáng hôm sau khi tỉnh dậy; qua nét mặt, dáng vẻ, thái độ của bà cụ Tứ và thậm chí là qua cách ứng xử, thái độ của người vợ nhặt… Sự đói khát không làm con người mất đi niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng: So sánh với văn học hiện thực 30 – 45 (Tắt đèn, Chí Phèo, Bước đường cùng… thường có kết thúc bế tắc), Kim Lân đã thắp lên trong lòng người đọc một niềm tin, gieo vào lòng người một niềm tin rõ rệt vào tương lai của những con người khốn khổ. “Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai”.