Tóm tắt văn bản truyện lớp 9

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt văn bản truyện lớp 9
    • Tóm tắt “Chuyện Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ:
    Vũ Thị Thiết là người con gái thùy mị, nết na, xinh đẹp, lấy chồng là Trương Sinh, con một nhà hào phú. Hạnh phúc chưa được bao lâu triều đình bắt Trương Sinh đi đánh giặc Chiêm, lúc ấy nàng đang có mang. Chồng đi vừa đầy tuần, nàng xinh được một đứa con trai. Bà mẹ chồng vì thương nhớ con lâm bệnh rồi mất. Nàng lo ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình.

    Sau ba năm đi lính, Trương Sinh trở về vô cùng đau khỏ khi hay tin mẹ qua đời. Khi bồng con đi thăm mộ mẹ, chỉ vì một lời nói ngây thơ của đứa con mà Trương Sinh nổi cơn ghen, nghĩ là vợ thất tiết, nên sỉ nhục, đánh đập thậm tệ và xua đuổi Vũ Nương đi. Không thể giãi bày được nỗi oan của mình, Vũ Nương nhảy xuống song tự vẫn.

    Nàng đã được Linh Phi, chue nhân động rùa cứu sống và cho ở chốn thủy cung. Còn Trương Sinh sau nhờ đứa con chỉ vào cái bóng nói là cha nó chàng mới hiểu được nỗi oan của vợ nhưng việc trót đã qua rồi.

    Phan Lang người cùng làng, được Linh Phi cứu sống khi trôi dạt trên biển đã gặp Vũ Nương trong buổi yến tiệc. Nhờ Phan Lang, Trương Sinh làm theo ước nguyện thì nàng chỉ đa tạ tình nghĩa vợ chồng và từ chối không trở về nhân gian nữa.

    Chuyện người con gái Nam Xương không chỉ thành công về mặt nghệ thuật như: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nhân vật độc đáo; cốt truyện sáng tạo; sử dụng tốt các yếu tố trữ tình; đối thoại của nhân vật… mà còn mang giá trị, ý nghĩa sâu sắc:

    – Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đương thời bất công (trọng nam khinh nữ, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh phi nghĩa,…).
    – Khắc họa rõ nét bức tranh về cuộc đời – số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
    – Thể hiện sự trân trọng của nhà văn đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội,….
    – Thể hiện niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.
    – Lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người.
    – Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.

    • Tóm tắt truyện ngắn “ Làng” của nhà văn Kim Lân:
    Truyện viết về nhân vật ông Hai, một người nông dân quê ở làng Dầu. Ông Hai yêu cái làng của mình tha thiết nhưng vì Cách mạng, vì cuộc kháng chiến, ông phải rời làng đi tản cư. Xa làng, ông cảm thấy nhớ da diết cái làng của mình. Ông thường say mê nói chuyện và khoe với mọi người về cái làng Dầu ấy.

    Một lần hỏi thăm những người tản cư mới lên, nghe nói làng Dầu theo Tây, ông buồn khổ, căm tức bọn Việt gian ở làng theo giặc và thấy nhục nhã vô cùng. Ông ở luôn trong nhà mấy hôm, cáu gắt với cả vợ con và biết tâm sự với đứa con nhỏ về tắm lòng chung thủy đối với cuộc kháng chiến và cụ Hồ.

    Nhưng sau đó, ông chủ tịch xã lên cải chính tin đồn nhảm đó, cho biết làng Dầu vẫn kháng chiến, dân Chợ Dầu kiên cường chống giặc, ông Hai vui mừng khấn khởi, cảm thấy mình được minh oan. Ông đem tin đó khoe với mọi người, khoe cả việc Tây đốt nhà ông.

    Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Sự chuyển biến tình cảm của nhân vật ông Hai cũng là sự chuyển biến tình cảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.

    • Tóm tắt truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long:
    Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng xoay quanh một tình huống truyện khá đơn giản mà tự nhiên. Đó chính là cuộc gặp gỡ tình cở của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Rời cầu cây số 4, chiếc xe chở hành khách đi Sa Pa trèo lên núi. Bác lái xe ông họa sĩ và cô kỹ sư trò chuyện về Sa Pa, về nghề họa, về tình yêu…xe dừng lại lấy nước, bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ và cô kĩ sư về anh thanh liên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu khi anh xuống tặng bác gói củ tam thất.

    Tranh thủ 30 phút hành khách nghỉ ngơi, anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh, về cuộc sống… Ông họa sĩ tranh thủ vẽ anh thanh niên, nhưng anh từ chối và xin giới thiệu các đồng chí khác cũng đang ngày đêm hăng say làm việc, lo lắng làm việc cho khoa học, cho đời sống và hạnh phúc của xã hội. Sắp hết ba mươi phút ông họa sĩ và cô gái tạm biệt anh thanh niên với món quà chính là làn trứng mà anh thanh niên trao tặng.

    Tình huống gặp gỡ tình cờ là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa “bức chân dung” nhân vật anh thanh niên một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời lẽ, hành động của anh. Đồng thời, qua “bức chân dung” (cả cuộc sống và những suy nghĩ) của người thanh niên, qua sự cảm nhận của các nhân vật khác (chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước.

    • Tóm tắt truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng:
    Vì nhiệm vụ cách mạng, ông Sáu xa nhà đi kháng chiến khi con gái đầu lòng chưa được một tuổi. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu, con gái ông Sáu, không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba em không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Em đối xử với ba như người xa lạ, quyết không chịu gọi ông là cha.

    Đến khi Thu nhận ra cha nhờ bà ngoại giải thích, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Buổi chia tay trên bến sông đẫm đày nước mắt. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con. Trong một trận càn, ông Sáu hi sinh.

    Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược cho bác Ba, nhờ bạn chuyển cho con gái. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, mãi đến mười mấy năm sau, trong một lần đi công tác ở trạm giao liên, bác Ba – người đồng đội của ông Sáu đã gặp một cô giao liên dũng cảm, gan dạ và thông minh. Hỏi chuyện bác Ba nhận ra đó chính là Thu – con của người bạn chiến đấu đã hi sinh. Bác Ba đưa cho Thu kỉ vật thiên liêng của người cha. Họ chia tay lưu luyến và trong lòng bác Ba một tình cảm mới đã nãy nở- đó là tình cha con với cô giao liên.

    Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Tình yêu thương con của ông Sáu còn như một lời khẳng định: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.

    • Tóm tắt truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê:
    Chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong làm trinh sát mặt đường tại một cao điểm trong vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, tách xa đơn vị. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom định gây ra, đánh dấu vị trí trái bom chưa nổ và phá bom.

    Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày và máy bay địch có thể ẩm đến bất cứ khi nào, đặc biệt họ phải đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom – mà công việc này diễn ra hàng ngày, thậm chí mấy lần trong một ngày.

    Cuộc sống của ba cô gái ở giữa chiến trường, dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh nhàn, mơ mộng và đặc biệt rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho đã bị thương, hai người đồng đội đã hết sức lo lắng và chăm sóc cho cô. Tình cảm đồng đội gắn bó khăng khít đã giúp họ đứng vũng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

    Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trongthời kì kháng chiến chống Mĩ.

    Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh.Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.