Tổng Hợp Những Bài Cảm Thụ Văn Học Hay Đáng Đọc - Phần II

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    05.jpg
    Bài 1:

    Trong bài thơ Con cò, nhà thơ Chế Lan Viên có viết:

    Con dù lớn vẫn là con của mẹ
    Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
    Hai câu thơ trên đã giúp em cảm nhận được những gì về lòng mẹ?

    Bài làm:


    Bằng hai câu thơ mộc mạc, chân thành và giản dị, tác giả giúp em cảm nhận được tình mẹ thật bao la và rộng lớn, không có gì sánh được. Dù con đã khôn lớn trưởng thành, dù con đã “đi hết đời” nhưng tình thương của mẹ đối với con vẫn còn sống mãi với thời gian. Mẹ “vẫn theo con” để quan tâm lo lắng, che chở cho con, tiếp thêm sức mạnh cho con để con đương đầu với cuốc sống. Có thể nói mẹ là tất cả của con.

    Bài 2:
    “Quê hương là cánh diều biếc
    Tuổi thơ con thả trên đồng
    Quê hương là con đò nhỏ
    Êm đềm khua nước vên sông .”
    (Quê hương - Đỗ Trung Quân)
    Hãy ghi lại vài dòng cảm nhận của tác giả về quê hương qua đoạn thơ trên.

    Bài làm:


    Vì yêu quê hương tha thiết - nơi chôn rau cắt rốn của mình nên tác giả đã kết nên những vần thơ giàu nhạc điệu, giàu chất trữ tình:
    “Quê hương là cánh diều biếc
    Tuổi thơ con thả trên đồng”​
    Quả thật, những hình ảnh rất gần gũi và rất thân thương đã gắn bó và in đậm trong tâm hồn của tác giả tuổi ấu thơ trên quê hương. Đó là hình ảnh “cánh diều biếc” thả trên đồng. Đó là hình ảnh “Con đò nhỏ” khua nước trên sông với âm thanh nhẹ nhàng, êm đềm mà sâu lắng. Có thể nói những sự vật gần gũi và thân quen trên quê hương đã trở thành những kỉ niệm khó quên trong kí ức tuổi thơ của tác giả. Qua đó ta cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với quê hương vô cùng sâu nặng.

    Bài 3:
    “Bão bùng thân bọc lấy thân
    Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
    Thương nhau tre chẳng ở riêng
    Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.”
    (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)
    Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng cách nói gì để ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của tre: sự đùm bọc, đoàn kết? Cách nói này hay ở chỗ nào?

    Bài làm:


    Bằng biện pháp nhân hoá, tác giả đã bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của cây tre Việt Nam:
    “Bão bùng thân bọc lấy thân
    Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm”​
    Phẩm chất đó càng được bộc lộ rõ nét đó là sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, che chở, quấn quýt bên nhau:
    “Thương nhau tre chẳng ở riêng
    Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.”
    Bài 4:
    “...Lời ru có gió mùa thu
    Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
    Những ngôi sao thức ngoài kia
    Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
    Đêm nay con ngủ giấc tròn
    Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”
    (Mẹ - Trần Quốc Minh)
    Theo em, hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên? Vì sao?

    Bài làm:

    Bằng biện pháp nhân hoá, tác giả bộc lộ tình cảm của mẹ đối với con thật là sâu nặng. Mẹ luôn mang đến cho con bao điều tốt đẹp mà không phải ai cũng làm được. Mẹ yêu con vô bờ bến, không có tình yêu nào sánh nỗi, kể cả sao trời cũng không sánh nỗi:
    “...Lời ru có gió mùa thu
    Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
    Những ngôi sao thức ngoài kia
    Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”​
    Mẹ lúc nào cũng lo lắng và yêu thương con hết mực, luôn đem đến cho con niềm sung sướng trong giấc ngủ ngon và niềm vui vô tận từ đáy lòng mẹ:
    “Đêm nay con ngủ giấc tròn
    Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”​
    Có thể nói, mẹ luôn là tất cả của đời con. Có mẹ, đời con sướng vui. Có mẹ đời con ấm lòng và hạnh phúc suốt đời.

    Bài 5: Trong bài: “Trong lời mẹ hát” của nhà thơ Trương Nam Hương có đoạn viết:
    Thời gian chạy qua tóc mẹ
    Một màu trắng đến nôn nao
    Lưng mẹ cứ còng dần xuống
    Cho con ngày một thêm cao.
    Bài thơ có những hình ảnh nào đáng nhớ? Gợi cho em những suy nghĩ gì?

    Bài làm:

    Đoạn thơ cho ta cảm nhận được tình thương của mẹ không gì sánh nỗi. Thời gian trôi đi, tóc mẹ mỗi ngày thêm bạc, bởi tháng năm mẹ vất vả, tần tảo, chắt chiu để nuôi con.
    “Thời gian chạy qua tóc mẹ
    Một màu trắng đến nôn nao”​
    Lưng mẹ mỗi ngày một còng đi để cho con được khôn lớn, chấp cánh bay cao bay xa:
    “Lưng mẹ cứ còng dần xuống
    Cho con ngày một thêm cao”​
    Có thể nói, mẹ đã hi sinh trọn đời mình để cho con lớn khôn và vững bước vào đời .