Tổng Hợp Những Bài Cảm Thụ Văn Học Hay Đáng Đọc - Phần III

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    06.jpg
    Bài 1:

    Cuối bài thơ Tiếng vọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có đoạn:
    Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
    Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
    Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
    Tiếng lăn như đá vỡ trên ngàn
    Theo em, vì sao tác giả lại băn khoăn, day dứt về cái chết của chim sẻ.

    Bài làm:

    Những hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí em đó là: Tiếng đập cánh của con chim sẻ nhỏ như muốn kêu cứu sự giúp đỡ trong đêm bão tố mưa giông về gần sáng:
    “Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
    Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh”​
    Hình ảnh những quả trứng trong tổ không có chim mẹ ấp ủ sẽ mãi mãi không bao giờ nở thành chim con được:
    “Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
    Tiếng lăn như đá vỡ trên ngàn”​
    Tất cả những hình ảnh đó đã làm nên “Tiếng vọng” khủng khiếp trong giấc ngủ và trở thành nỗi băn khoăn, day dứt, ân hận khôn nguôi trong tâm hồn tác giả vì cái chết của chim sẻ.

    Bài 2:
    Về thăm nhà Bác, làng Sen
    Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
    Có con bướm trắng lượn vòng
    Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời.
    (Nguyễn Đức Mậu)
    Trong đoạn thơ trên, em hiểu nghĩ cụm từ “Thắp lên lửa hồng” như thế nào? Hình ảnh nhà Bác Hồ được miêu tả có gì đặc biệt?

    Bài làm:

    Nhà thơ đã đem đến những hình ảnh đẹp trong khu vườn nhà Bác thật là sinh động. Đó là “Hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”. Ở đây, tác giả muốn chỉ sắc đỏ của hoa râm bụt nở rộ như được thắp lửa lên. Đó là “Con bướm thắm lượn vòng, chùm ổi chín vàng ong. Với cách dùng từ hay và sáng tạo, tác giả làm cho khu vườn của Bác thật là nên thơ, khiến cho người đọc thấy thú vị và muốn được tận hưởng trước cảnh đẹp của khu vườn nhà Bác ở làng Sen.

    Bài 3:
    Trong bài “Rừng mơ” của nhà thơ Trần Lê có đoạn:
    “Có người bạn xa nước
    Yêu sông núi chúng ta
    Mùa xuân cũng trẩy hội
    Gửi mơ về quê nhà”
    Theo em, từ ngữ nào trong đoạn thơ trên em cho là hay nhất? Vì sao?

    Bài làm:


    Đoạn thơ trên, tác giả giúp em cảm nhận được rừng mơ đẹp hoà quyện giữa khung cảnh của thiên nhiên kết thành một bức tranh tuyệt tác. Vẻ đẹp và hương thơm của mơ Hương Sơn đã khiến cho du khách thập phương về trẩy hội vào mùa xuân cũng say đắm lòng bởi sắc hoa quyến rũ. Vì thế, họ muốn gửi một chút quà mơ Hương Sơn thơm mát về làm quà cho người thân sau những chuyến du xuân dài ngày. Có thể nói , từ hay nhất trong đoạn thơ đó là “Gửi mơ về quê nhà”. Nhà thơ muốn thể hiện sự ngưỡng mộ của du khách trước vẻ đẹp quyến rũ của mơ Hương Sơn.

    Bài 4:
    Trong bài “Mẹ vắng nhà ngày bão” có đoạn:

    “Thế rồi cơn bão qua
    Bầu trời xanh trở lại
    Mẹ về như nắng mới
    Sáng ấm cả gian nhà"
    Em hãy nêu cảm xúc về người mẹ qua đọan thơ trên?

    Bài làm:


    Bằng biện pháp so sánh, tác giả cho ta cảm nhận được vai trò của người mẹ trong gia đình vô cùng quan trọng. Mẹ về quê mấy ngày cũng là lúc bão đến. Vắng mẹ, cả ba bố con thật là lúng túng vì cuộc sống bị đảo lộn. Nay mẹ về cũng là lúc bão đã tan, căn nhà trở nên ấm cúng bởi có bàn tay chăm sóc, yêu thương, lo lắng của mẹ đối với gia đình:
    “Thế rồi cơn bão qua
    Bầu trời xanh trở lại
    Mẹ về như nắng mới
    Sáng ấm cả gian nhà”​
    Qua đây, tác giả muốn đề cao vai trò của người mẹ thật lớn lao và cao cả tuyệt vời trong mỗi gia đình.

    Bài 5:
    Trong bài Mùa thu mới, nhà thơ Tố Hữu viết:
    "Yêu biết mấy, những dòng sông bát ngát
    Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non
    Yêu biết mấy, những con đường ca hát
    Qua công trường mới dựng mái nhà son!"
    Theo em, khổ thơ trên đã bộc lộ cảm xúc của tác giả trước những vẻ đẹp gì trên đất nước chúng ta?

    Bài làm:

    Khổ thơ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước những vẻ đẹp của đất nước. Đó là vẻ đẹp hứa hẹn một cuộc sống ấm no, đủ đầy của người dân trên đất nước ta:
    “Yêu biết mấy, những dòng sông bát ngát
    Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non”​
    Đó là sự vui tươi phấn khởi, hạnh phúc của nhân dân trước những con đường chạy qua công trường đang xây dựng những mái nhà ngói mới:
    “Yêu biết mấy, những con đường ca hát
    Qua công trường mới dựng mái nhà son!”​
    Có thể nói đó là cuộc sống vui tươi, hạnh phúc của người dân trước sự đổi thay của đất nước.