Mở bài: Chính Hữu viết bài thơ Đồng chí năm 1947. Lúc ấy, lực lượng kháng chiến của ta mới hình thành và chiến đấu trong thời gian ngắn. Không những các chiến sĩ giải phóng phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng thiếu thốn mà lực lượng cũng chưa lớn mạnh. Bài thơ Đồng chí ra đời kịp thời, đúng lúc củng cố và khẳng định sự gắn kết bền chặt trong nhiệm vụ chiến đấu, chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Đoạn thơ đầu, tác giả lí giải những cơ sở hình thành nên tình đồng chí của người lính. Thân bài: Mở đầu bài thơ, tác giả đi vào giới thiệu cảnh ngộ xuất thân của những người chiến sĩ: Quê hương anh nước mặt đồng chua Làng tôi nghèo cày lên sỏi đá Anh với tôi đôi người xa lạ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” đã gợi lên hình ảnh làng quê lam lũ, cực nhọc của những miền quê nghèo khó. Họ xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, tần tảo với đồng ruộng. Chính sự đồng cảm về giai cấp đã khiến cho họ từ mọi miền đất nước: từ đồng bằng tới miền núi trung du, từ những phương trời xa lạ đã nhanh chóng trở nên thân quen. Chính tình yêu nước, ý chí chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù giải phóng đất nước là điều kiện để họ gặp gỡ nhau nơi chiến tuyến. Từ xa hóa gần, từ lạ thành quen. Đó là một sự vận động kì diệu. Không sức mạnh nào khác tạo nên sự kì diệu ấy ngoài tình yêu tổ quốc, lí tưởng cách mạng và nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù. Vì lí tưởng cao đẹp, mục đích lớn lao, người lính cảm thấy bản thân mình hòa hợp trong một tập thể lớn, cùng kề vai sát cánh trong chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, tương trợ, gắn kết với nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ với đất nước. Ngay từ những ngày đầu ở thao trường, họ đã gắp bó với nhau: Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ Đồng chí! Với cấu trúc sóng đôi của câu thơ, ta như hiểu được điều tác giả muốn nói: họ không chỉ cùng một mục đích chiến đấu “súng bên súng” mà còn sống chung lí tưởng “đầu sát bên đầu”. Những người chiến sĩ ấy còn biết san sẻ cho nhau hơi ấm đồng động. “Đêm rét chung chăn” gợi cho người đọc cảm giác ấm cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào, chứ không đơn thuần kể lể cái nghèo cái rét. Cái tấm chăn mỏng ấm áp tình tri kỉ, tình đồng chí ấy mãi mãi là một kỉ niệm đẹp đối với người lính thời chinh chiến không bao giờ có thể quên được: Ôi núi thẳm rừng sâu Trung đội cũ về đâu Nơi đây chăn giá ngắt Nhớ cái rét ban đầu Thắm mối tình Việt Bắc. (Thâm Tâm – Chiều mưa đường số 5) Câu thơ “Đồng chí!” khép lại đoạn mở đầu thật lạ, thật ngắn gọn. Đó không chỉ là tiếng xưng hô thiêng liêng, trang nghiêm; đó còn là tiếng lòng của những người nông dân mặc áo lính vừa được gắn bó với nhau trong chiến tranh vệ quốc. Tình đồng chí là kết tinh độ cao của tình người, tình bạn…. Tác giả đã xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối xứng nhau để diễn tả sự gắn bó, sẻ chia; tương đồng về cảnh ngộ: “quê hương anh – làng tôi”; “anh với tôi”; “súng bên súng, đầu sát bên đầu” là cơ sở để hình thành nên tình đồng chí cao đẹp, thiêng liêng. Cơ sở hình thành tình đồng chí bắt nguồn từ việc chung hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh chiến đấu, sự sẻ chia, đồng cảm thiếu thốn vật chất trong chiến đấu. Giọng điệu sâu lắng, trữ tình, lời thơ, hình ảnh giản dị, như không hề có sự trau chuốt về ngôn ngữ, không tìm thấy ở đây những từ ngữ sáo rỗng. Ta lại bắt gặp hình ảnh người vệ quốc năm nào qua nỗi “Nhớ” của người thi sĩ Hồng Nguyên. Lũ chúng tôi Bọn người bản xứ Gặp nhau hồi chưa biết chữ Quen nhau từ buổi “một – hai” Súng bắn chưa quen Quân sự mươi bài… Kết bài: “Đồng chí” là một trong số những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Chính Hữu và cũng là của nền thơ kháng chiến. Bài thơ lí giải cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng thời ngợi ca sức mạnh của tình đồng chí, làm sống lại một thời khổ cực của cha anh ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.