Truyện ngắn: Một nam nhi thực sự

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    02.jpg

    (Truyện ngắn của Hà Thị Mai Trinh)
    Chẳng hiểu tại sao cô lại xếp nó ngồi chung bàn với Quân, một đứa mà theo như đánh giá của nó là ... “cà chớn hết chỗ nói”. “Kệ, cứ xem như hắn tàng hình trong con mắt mình là được!”, nó tự nhủ và quyết tâm thực hiện. Nhưng... “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, giải xong bài Toán hình cực khó, nó mừng như bắt được vàng. Vậy mà...
    - Chứng minh được câu cuối rồi hả? Hắn vẫn cắm cúi vào quyển sách Toán, hỏi trống không.
    - Chứ sao! Nó vênh mặt.
    - Có thể cho xem một chút được không?
    - Xem??? - Nó tròn mắt nhưng vẫn chìa cuốn tập - Ừ! Xem đi mà học hỏi!
    Chưa đầy 30 giây, hắn đã đưa trả lại cuốn tập, bốp chát:
    - Cách giải gì mà... kinh khủng!
    - Hả! - Nó chưa kịp nói thêm gì thì tiếng thầy vang lên...
    - Quân, em lên bảng giải bài 3 đi!
    Ôi! Cách giải của hắn cực kì thông minh và ngắn gọn, không rườm rà hoa lá đến tận hai trang giấy như nó, hèn gì! Nhưng... cục tức vẫn nghẹn đến cổ. Khi hắn về chỗ ngồi, nó nói luôn:
    - Coi chừng tui đó!
    Hắn toét miệng:
    - Tui coi chừng tui còn chưa xong, làm sao coi chừng đằng đó được?
    *
    Nó học kém môn Toán! Thôi, đó cũng là lẽ thường tình tự nhiên của con gái. Và bài kiểm tra một tiết quả là hóc búa đối với nó. Nó khều nhỏ My bàn trên:
    - Ê My, câu 3 đi!
    - Chờ chút!
    - Ơ, sao không tự làm nhỉ? Tui... la lên cho bàn dân thiên hạ biết bây giờ!
    Thế là nhỏ My rút lui sau lời đe doạ thẳng thừng của hắn. Nộp bài xong, nó trừng mắt:
    - Nhớ mặt mấy người đó!
    - Mặt tui, tui không nhớ, chả lẽ đi nhớ mặt mấy người? - Hắn đối đáp tỉnh bơ - Không hiểu thì nhờ bạn bè giảng giúp cho. Ai lại đi copy. Ghê quá!
    - Xì, có gì đâu mà ghê! - Nó đáp bừa rồi ngúng nguẩy đeo cặp ra về.
    *
    Nó và hắn phải làm chung một bài thuyết trình về tệ nạn xã hội (ai biểu chung bàn làm chi!). Nó e ngại vì... đề tài quá ư tế nhị.
    - Để tui tìm thông tin, đằng đó thuyết trình, chịu hông?
    - Vậy đi! - Nó thản nhiên nhưng trong bụng mừng như mở cờ - Tìm không xong là chết với tui đó!
    - Nè! Nếu muốn, đằng đó chết một mình đi! Tự nhiên rủ người ta chết chung với mình là sao?
    - Ơ... - Nó mặt đỏ lừ vì bị hớ một cú quá nặng. Nhìn hắn tỉnh bơ bước ra khỏi chỗ mà nó tím cả ruột gan.
    Giờ ra chơi, hắn ngồi ở một góc khuất sau hành lang, hí hoáy cắt những cánh hoa bằng vải màu đỏ thẫm.
    - Cắt hoa cơ đấy, con trai gì mà... - Nó dựa hẳn người vào cột, ngó đầu ra... gây sự.
    - Hê! - Hắn vẫn cắm cúi với những nhát kéo - Bộ con trai không có quyền yêu cái đẹp hả? Mà cái đẹp là gì nếu không phải là hoa?
    - Bó tay! - Nó nhún vai bỏ đi.
    Giờ ra về, bọn con gái đều nghênh ngang “ngựa sắt” hoặc là có người đến đón chỉ có nó là cuốc bộ, vì... nhà gần trường quá mà! Chẳng biết nó hấp tấp thế nào, chắc là do đói bụng, lại vấp vào lề đường té bổ nhào. Trong khi những đứa đi cùng chiều hoặc là bụm miệng cười, hoặc là ngó lơ bỏ đi, thì... có một bàn tay ai đó nhẹ nhàng đỡ nó đứng lên:
    - Sao hậu đậu quá vậy, cô bạn cùng bàn?
    Nó cúi đầu, bặm môi im lặng, hai má đỏ bừng.
    - Ủa? Có bị ... bong gân, sai khớp gì không? - Giọng Quân hoàn toàn có vẻ lo lắng thật lòng, không chút bỡn cợt. Nó lí nhí:
    - Không...
    - Đi được không?
    - Được mà! - Để chứng minh, nó vội vã ôm chặt cặp, rảo bước. Thấy nó có vẻ ổn. Quân quay người đi về hướng ngược lại. Chợt nó quay phắt lại, lớn giọng:
    - Cảm ơn nha!
    Hắn không trả lời, chỉ phẩy tay, ý nói không có gì. Nghĩ một lúc, nó chạy theo hắn:
    - Tụi mình huề nha!
    - Ủa, chứ từ trước tới giờ có chiến tranh hả? Tui đâu biết! - Hắn nhìn nó bằng đôi mắt đầy ẩn ý, khiến nó đỏ mặt một lần nữa...
    - Mà... đằng đó cắt hoa làm chi vậy?
    - Tui làm phụ chị Hai tui đó chứ? Làm hoa vải kiếm tiền mà!
    - Ờ... mà này, bữa nào qua nhà tui chơi, sẵn tiện bày tui cách học tốt môn Toán với nha! - Nó cười thân thiện.
    - Lợi dụng dữ vậy?
    - Thì... đằng đó là nam nhi mà!
    Bây giờ, nó chẳng thấy hắn “cà chớn” tẹo nào, mà đúng là một nam nhi thực sự!

    (Nguồn VH&TT số tháng 5 (358+ 359) năm 2016)