Tuổi trẻ chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là chuẩn bị những gì?

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Trong bài viết “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, phó thủ tướng Vũ Khoan khẳng định muốn thành công khi hội nhập thế giới, tuổi trẻ cần chuẩn bị cho mình nhiều yếu tố. Và “trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị con người là quan trọng nhất”. Sự chuẩn bị con người không gì quan trọng hơn là sự chuẩn bị tri thức.
    • Thân bài:
    Tại sao tuổi trẻ cần phải chuẩn bị hành trang tri thức để bước vào thế kỉ mới?

    Bước vào thế kỉ mới, không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ chuẩn bị hành trang tri thức, sẵn sàng các điều kiện để hội nhập với nền kinh tế thế giới là bởi:

    Hội nhập kinh tế thế giới là xu thế tất yếu của thời đại mới. Sự hợp tác giao thương giữa các nước không phải đến ngày nay mới diễn ra mà đã có từ lâu đời. Trong lịch sử, các nước đã biết liên kết lại với nhau vì mục đích hay lợi ích chúng nào đó. Các cuộc chiến tranh thâu tóm lãnh thổ cũng chỉ vì mục đích có được thị trường và của cải mà thôi.

    Sự phát triển của nền khoa học kĩ thuật, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến các nước phải hợp tác cùng giải quyết. Khoa học ngày càng đi sâu vào đời sống và chi phối hoặc thay thế nhiều hoạt động sản xuất. Lực lượng lao động chân tay giảm dần trong các khâu sản xuất. Thay vào đó là quá trình cơ giới hóa, tự động hóa. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ngày dần cạn kiệt và không thể phục hồi. Nếu không biết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hoặc tìm ra chất liệu mới thay thế đời sống con người sẽ đứng trước những rủi ro rất lớn.

    Các vấn đề toàn cầu nảy sinh bắt buộc các nước phải hợp tác sâu rộng. Hiện tượng nóng lên toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường,… đang đặt ra cho toàn nhân loại những thách thức lớn. Không một quốc gia nào có thể tự một mình xử lí được tất cả các vấn đề đó mà không hợp tác với nước khác.

    Không gian sản xuất được rút gọn lại, động tri thức trở thành lực lượng lao đọng chính. Quá trình tự động hóa tăng nhanh. Nguồn nhân lực hoán đổi, thị trường cần phải mở rộng. Nhu cầu chia sẻ công nghệ kĩ thuật giữa các nước khiến cho xu thế toàn cầu hóa không thể không diễn ra. Để nắm bắt lấy thời cơ, tận dụng được cơ hội, tránh bị chèn ép, giới trẻ phải chuẩn bị kĩ lưỡng hành trang tri thức vững mạnh để tự tin bước vào sân chơi toàn cầu.

    Mỗi quốc gia phải tự nâng cao tri thức cho người dân để phát triển đất nước. Phải có tri thức và kinh nghiệm để tránh được những rủi ro trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nguồn nhân lực nước ta sẽ phải trực tiếp cạnh tranh về cơ hội việc làm, khả năng hợp tác với nguồn nhân lực trên khắp thế giới. trong khi, ở các nước phát triển, nguồn nhân lực vốn có sức cạnh tranh cao, chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả. Để có được cơ hội, bắt buộc lớp trẻ phải hoàn thiện mình hơn nữa.

    Trong thời đại công nghệ, phải có nền tri thức vững mạnh mới đảm bảo được công bằng, hợp tác bình đẳng, lợi ích như nhau. Đồng thời còn phải chống lại thu thế thâu tóm, chống bị chèn ép hoặc lợi ích nhóm do các nước phát triển có thể gây ra. Mỗi sản phẩm muốn bán ra thị trường thế giới và thu lợi về mình đòi hỏi phải có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại. Để làm nên điều đó không có cách nào khác là sản phẩm phải là kết tinh sâu sắc trí tuệ con người. Sự sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức là rất quan trọng trong thời đại ngày nay.

    Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho nước ta đồng thời giải quyết 3 nhiệm vụ khi tiến vào hội nhập: Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhanh chóng tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

    Chúng ta đang thấy rất rõ nền kinh tế tri thức đang hình thành và ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến quy trình sản xuất. Nền kinh tế tri thức có thể hiểu là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Đối với các nền kinh tế tiên phong trong nền kinh tế Thế giới, cán cân giữa hai yếu tố tri thức và các nguồn lực đang nghiêng về tri thức. Tri thức thực sự đã trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định mức sống – hơn cả yếu tố đất đai, hơn cả yếu tố tư liệu sản xuất, hơn cả yếu tố lao động. Các nền kinh tế phát triển nhất về công nghệ ngày nay thực sự đã dựa vào tri thức.

    Xuất phát từ một nền kinh tế nhèo nàn, lạc hậu, bị ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nông nghiệp cố hữu, nước ta đối diện với nhiều khó khăn hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Lại thêm nền kinh tế non trẻ, bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra tuy đã đạt được những thành quả nhất định nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để tạo động lực cho hội nhập quốc tế. Nền kinh tế lại phát triển không đồng bộ, cán cân kinh tế vẫn chưa hợp lí, phân bổ các nguồn lực còn nhiều bất cập gây trở ngại rất lớn đối với quá trình hội nhập.

    Tuổi trẻ chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là chuẩn bị những gì?

    Chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bước vào thế kỉ mới, sẵn sàng cho công cuộc hội nhập là một nhiệm vụ cấp bách. Theo Vũ Khoan, không có sự chuẩn bị nào quan trọng bằng sự chuẩn bị của bản thân con người. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển lịch sử. Trong thời kì kinh tế tri thức thì vai trò của con người lại càng nổi trội. Chuẩn bị con người cần phải toàn diện, chắc chắn và cần thiết.

    Trước hết là chuẩn bị nhận thức. Con người phải nhận thức rõ bản thân, dân tộc và thời đại. Tuổi trẻ Việt Nam cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò lịch sử của mình đối với đất nước để không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Bằng niềm tin và sức mạnh dân tộc làm nên những thành tích vẻ vang, góp phần phát triển đất nước.

    Tiếp đến là chuẩn bị tri thức. Trong thời đại mới, tri thức chính là tài sản quý báu của con người. “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh” (Lenin). Không có tri thức không thể tiếp cận và tiếp nhận các thành tựu khoa học kĩ thuật và vận dụng trong đời sống, sản xuất và kinh doanh. Không có tri thức cũng không thể nhận ra cơ hội, hợp tác quốc tế.

    Điều quan trọng là phải chuẩn bị ki năng làm việc quốc tế, kỹ năng hội nhập và bản lĩnh hội nhập. Con người Việt Nam vốn còn ảnh hưởng nặng nề bởi phương thức sản xuất nông nghiệp vốn thanh nhàn và yên ả. Tuổi trẻ Việt Nam khi làm việc trong môi trường thế giới thường tỏ ra lúng túng, không tuân thủ quy trình công nghệ kĩ thuật. Ngôn ngữ giao tiếp cũng là một trở ngại lớn khi phải làm việc trong môi trường quốc tế. Bởi thế, rèn luyện phong cách làm việc, nâng cao năng lực ngôn ngữ là một việc làm hết sức cần thiết.

    Cũng cần chuẩn bị năng lực tài chính cho công cuộc hội nhập. Việc liên kết và làm việc với các nước đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế ổn định và vững mạnh. Nguồn lực kinh tế vừa để tiến hành công việc vừa để duy trì công việc, phòng tránh những rủi ro, đảm bảo công việc được tiến hành hiệu quả.

    Và quan trọng hơn hết, tuổi trẻ cần phải xây dựng nền tảng đạo đức trong sáng, lành mạnh, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Tôn trọng văn hóa các nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đảm bảo hòa nhập chứ không hòa tan. Có làm được như vậy, mới tin chắc rằng tuổi trẻ Việt nam mới làm nên những kì tích trong thời kì hội nhập khốc liệt và không ngừng biến đổi này.
    • Kết bài:
    Xây dựng tầm nhìn và khát vọng vươn xa. Nhìn nhận đúng đắn và gắn kết bản thân, dân tộc và thời đại. Tuổi trẻ không thể bước ra thế giới nếu không có một tầm nhìn xa rộng đủ để tự tin bước tới. Bước ra thế giới không những tìm kiếm cơ hội cho bản thân mà còn đem về lợi ích cho đất nước. Mỗi một thành công của cá nhân khẳng định thành công của đất nước trên trường quốc tế.