Ước nguyện dâng hiến của Thanh Hải qua khổ thơ 4 và 5 trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hoà ca Một nốt trầm xao xuyến Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù la khi tóc bạc. Đọc xong hai khổ thơ đó mà lòng ta vẫn còn bồi hồi, xao xuyến về ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Với thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca nhẹ nhàng tha thiết, giàu hình ảnh, cấu trúc thơ chặt chẽ mang một nét đặc sắc riêng. Vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân được Thanh Hải thể hiện một cách chân thành, tha thiết, bằng giọng văn nhỏ nhẹ như lời tâm sự, lời gửi gắm của mình với cuộc đời: Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hoà ca Một nốt trầm xao xuyến Tác giả Thanh Hải suy nghĩ về mình, về trách nhiệm đóng góp của mình trong mùa xuân của đời. Nếu ở khổ thơ đầu mùa xuân thiên nhiên được báo hiệu bằng hình ảnh một bông hoa đang nở rộ, bằng âm thanh thanh thót của tiếng chim chiền chiênn thì giờ đây nhà thơ cũng muốn làm con chim hót, một cành hoa để góp phần làm nên một mùa xuân đẹp cho đời. Trong cái lớn lao của đất trời vào xuân, tổ quốc vào xuân, nhà thơ Thanh Hải chỉ muốn góp phần làm một tiếng chim trong giọng hót của muôn loài chim để âm thanh thêm rộn rã, tưng bừng, mang niềm vui đến cho mọi người. Làm một cành hoa trong hương sắc của muôn hoa để góp thêm vẻ đẹp tươi thắm rực rỡ cho đời. Đặc biệt hơn nữa là tác giả còn muốn làm một nốt trầm trong bản hoà tấu muôn lời muôn điệu của cuộc sống. Tác giả chỉ muốn làm một nốt trầm không vút cao, chỉ là một nốt trầm phụ bè của giàn hợp xướng làm nền cho bè vút lên nhưng là một nốt trầm xao xuyến lòng người, làm cho đời sinh động đáng yêu. Số từ “một” đặt trước “cành hoa”, “nốt trầm” thể hiện sự khiêm tốn của nhà thơ. Không làm được một vườn hoa thì hãy làm một bông hoa bé nhỏ. Không làm một giàn hợp xướng thì hãy làm một nốt trầm xao xuyến. Chỉ xin làm một bông hoa, một tiếng chim, một nốt trầm để tô điểm làm đẹp, làm vui cuộc sống. Ước nguyện hoá thân của nhà thơ không cao xa, vĩ đại mà gần gũi thân thương. Không những vậy, khát vọng cống hiến ấy rất khiêm tốn, thầm lặng không ngừng nghỉ. Khiêm tốn ở chỗ tất cả ước nguyện của nhà thơ đọng lại ở hai câu thơ: Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Hình ảnh thơ ở đây lập lại nhan đề “mùa xuân nho nhỏ” là điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ. Mùa xuân là một khái niệm về thời gian. Vậy mà nhà thơ đã cụ thể hoá thành hình khối nho nhỏ để thể hiện tấm lòng mình. Không phải là một mùa xuân xanh, một mùa xuân hồng mà là một mùa xuân nho nhỏ. Chính với khát vọng làm một tiếng chim hót , làm một cành hoa xinh, làm nốt nhạc trầm là Thanh Hải đã tạo ra một mùa xuân nho nhỏ để hoà mình vào mùa xuân lớn lao của đất nước. Nó dâng hạnh phúc, sự sống cho đời. Nhưng trong cái xuân đời riêng vào mùa xuân bao la bất tận của cuộc đời là khát vọng khiêm tốn đáng yêu của một người thiết tha muốn cống hiến cho tổ quốc và ý thức rất rõ giới hạn của cá nhân mỗi người trước cái vô hạn rộng lớn của cuộc đời . Điều đáng quý là nhà thơ không muốn cống hiến một cách phô trương mà cống hiến một cách âm thầm lặng lẽ .Điểm đáng nổi bật ở đây là tác giả Thanh Hải dẫu chỉ mong được đóng góp cho đời một mùa xuân nho nhỏ một cách thầm lặng nhưng lại miệt mài không dứt, hay là không ngừng nghỉ dù trẻ hay tuổi già . Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc. Mùa xuân nho nhỏ chính là tấm lòng đáng quý của nhà thơ Thanh Hải đối với cuộc đời. Điệp ngữ “dù là” được lặp lại như mang ý nhấn mạnh đã giúp tác giả thể hiện thành công khát vọng cống hiến, bất chấp thách thức thời gian, tuổi già bệnh tật khẳng định quyết tâm cống hiến không giới hạn. Khát vọng ấy đã trở thành tâm nguyện bất diệt thể hiện tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước .