Vật lý 6 Bài 9: Lực đàn hồi

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    I. Biến dạng đàn hồi. Độ biến dạng
    1. Biến dạng của một lò xo:
    [​IMG]

    • Treo lò xo lên giá, sau đó đo chiều dài \({l_0}\) của lò xo.

    • Móc lần lượt các quả nặng lên lò xo, và xác định độ dài của lò xo: đó là chiều dài của lò xo bị biến dạng.

    • Sau đó bỏ hết quả nặng ra khỏi lò xo, xác định lại độ dài của lò xo ( \({l_0}\)).
    [​IMG]

    • Kết luận:
      • Khi bị trọng lượng của các quả nặng kéo thì lò xo bị dãn ra, chiều dài của lò nó tăng lên. Khi bỏ các quả nặng đi, chiều dài của lò xo trở lại bằng chiều dài tự nhiên của nó. Lò xo có lại hình dạng ban đầu.

      • Biến dạng của lò xo có đặc điểm như trên gọi là biến dạng đàn hồi.

      • Lò xo là vật có tính đàn hồi.
    2. Độ biến dạng của lò xo
    • Tính độ biến dạng của lò xo tương ứng với các quả nặng.

    • Hiệu số giữa chiều dài lò xo bị biến dạng và chiều dài tự nhiên của nó gọi là độ biến dạng
    \(\Delta l = l - {l_0}\)

    II. Lực đàn hồi và đặc điểm của nó.
    1. Lực đàn hồi
    • Lực mà lò xo khi biến dạng tác dụng vào quả nặng gọi là lực đàn hồi.

    • Khi quả nặng đã đứng yên thì lực đàn hồi sẽ cân bằng với trọng lượng của quả nặng.
    2. Đặc điểm của lực đàn hồi:
    • Với cùng một lò xo và các quả gia trọng giống nhau, khi treo vào lò xo một quả gia trọng ta thấy lò xo giãn thêm một đoạn \({l_1}\), nếu treo vào lò xo 2 quả gia trọng thì ta thấy lò xo giãn thêm một đoạn \({l_2} = {\rm{ }}2{l_1}\) ; Điều đó chứng tỏ độ biến dạng của vật đàn hồi càng lớn thì lực đàn hồi càng lớn và ngược lại

    • Kết luận:
      • Khi độ biến dạng tăng thì lực đàn hồi cũng tăng.

      • Lò xo là một vật đàn hồi. Sau khi nén hoặc kéo dãn nó một cách vừa phải, nếu buông ra , thì chiều dài của nó trở lại bằng chiều dài tự nhiên.

      • Khi lò xo bị nén hay bị kéo dãn, thì nó sẽ tác dụng lực đàn hồi lên các vật tiếp xúc (hoặc gắn) với hai đầu của nó.

      • Độ biến dạng của lò xo càng lớn, thì lực đàn hồi càng lớn

    Bài tập minh họa
    Bài 1.
    Bằng cách nào em có thể nhận biết một vật có tính chất đàn hồi hay không đàn hồi? Hãy nêu một thí dụ minh họa.

    Hướng dẫn giải
    • Để nhận biết một vật có tính đàn hồi: làm cho vật bị biến dạng, khi ngừng tác dụng lực gây ra biến dạng thì xem vật có trở lại hình dạng ban đầu hay không.

    • Ví dụ: Ta dùng tay đè lên một dây cao su, thấy dây cao su bị biến dạng. không dùng tay tác động lên dây thì sau một thời gian dây trở lại hình dạng ban đầu.
    Bài 2.
    Hãy dùng những từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

    - lực đàn hồi

    - trọng lượng

    - lực cân bằng

    - biến dạng

    - vật có tính chất đàn hồi

    Quan sát một cái cung bằng tre treo trên tường, ta thấy dây cung làm cho cách cung bị cong đi :

    a) Cánh cung đã bị……. cánh cung là một……… khi nó bị biến dạng, nó sẽ tác dụng vào hai đầu dây cung hai…….. hai lực này cùng tác dụng vào dây cung, chúng nó cùng phương, ngược chiều và là hai……..

    b) Một người đứng yên trên một tấm ván mỏng. Tấm ván bị cong đi . Nó đã bị……. đó là do kết quả tác dụng của ………. của người. Tấm ván là……. khi bị cong, nó sẽ tác dụng vào người một …….. lực này và trọng lượng của người là hai ……..

    c) Một người ngồi trên một chiếc xe đạp. Dưới tác dụng của ……… của người, lò xo ở yên xe bị nén xuống. Nó đã bị …….. lò xo ở yên xe là …….. khi biến dạng, nó sẽ tác dụng vào người một …….. đẩy lên. Lực này và trọng lượng của hai người là hai ……..

    Hướng dẫn giải
    a) Biến dạng; vật có tính chất đàn hồi; lực đàn hồi; lực cân bằng

    b) Biến dạng; trọng lượng; vật có tính chất đàn hồi; lực đàn hồi; lực cân bằng

    c) Trọng lượng; biến dạng; vật có tính chât đàn hồi; lực đàn hồi; lực cân bằng