Vật lý 8 Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1. Thí nghiệm Bơ-rao (Brown)
    a. Thí nghiệm:
    • Năm 1827 – nhà thực vật học (người Anh) Bơ-rao quan sát các hạt phấn hoa trong nước bằng kính hiển vi đã phát hiện thấy chúng có chuyển động không ngừng về mọi phía.

    • Khi bị giã nhỏ hoặc luộc chín, các hạt phấn hoa vẫn chuyển động hỗn độn không ngừng.

    • Thí nghiệm đó gọi là thí nghiệm Bơ-rao.
    b. Nhận xét:
    • Quan sát các hạt phấn hoa chuyển động trong nước bằng kính hiển vi thấy chúng chuyển động hỗn độn không ngừng về mọi phía.
    2. Các nguyên tử, phân tử chuyển động không ngừng
    • Giải thích chuyển động của các hạt phấn hoa trong thí nghiệm của Bơ-rao. ?
    C1: Quả bóng trên sân tương tự như hạt nào trong thí nghiệm của Bơ-rao. ?

    ⇒ Quả bóng tương tự với hạt phấn hoa.

    C2: Các học sinh tương tự như hạt nào trong thí nghiệm Bơ-rao. ?

    ⇒ Các học sinh tương tự như hạt phân tử nước trong thí nghiệm Bơ-rao.

    C3: Tại sao các phân tử nước có thể làm cho các hạt phấn hoa chuyển động ?

    ⇒ Các phân tử nước chuyển động không ngừng, trong khi chuyển động nó va chạm vào các hạt phấn hoa từ nhiều phía, các va chạm này không cân bằng nhau làm cho các hạt phấn hoa chuyển động hỗn độn không ngừng.

    • Nguyên nhân gây ra chuyển động của các hạt phấn hoa trong trong thí nghiệm Bơ-rao là do các phân tử nước không ngừng đứng yên mà chuyển động không ngừng.

    • Kết luận: Các nguyên tử, phân tử chuyển động hỗn độn không ngừng.
    3. Chuyển động phân tử và nhiệt độ.
    • Khi tăng nhiệt độ của nước thì các hạt phấn hoa sẽ chuyển động như thế nào?
      • Các phân tử nước chuyển động càng nhanh, va đập vào các hạt phấn hoa càng mạnh làm cho các hạt phấn hoa chuyển động càng mạnh.

      • Chuyển động của các nguyên tử, phân tử liên quan chặt chẽ với nhiệt độ nên chuyển động này được gọi là chuyển động nhiệt.
    • Kết luận: Nhiệt độ càng cao thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh.

    Bài tập minh họa
    Bài 1:
    Hiện tượng khuếch tán có xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng không ? Tại sao?

    Hướng dẫn giải:
    Hiện tượng khuyếch tán xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng vì khi nhiệt độ tăng các phân tử chuyển động nhanh hơn

    ⇒ Các chất tự hoà lẫn vào nhau nhanh hơn.

    Bài 2:
    Tại sao trong nước ao, hồ, sông, biển lại có không khí mặc dù không khí nhẹ hơn nước rất nhiều?

    Hướng dẫn giải:
    Vì các phân tử không khí chuyển động không ngừng về mọi phía ⇒ các phân tử không khí có thể chuyển động xuống phía dưới nước và chuyển động trong nước

    ⇒ Trong nước ao, hồ, sông, biển lại có không khí