Về cách hiểu bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du Bài làm: Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn là Nguyễn Du mở ra ôm thế giới bên ngoài, còn nơi soi thấu nỗi bên trong cõi lòng Nguyễn Du thì phải tìm đọc thơ chữ Hán của ông. Bắc hành tạp lục là một trong bộ ba thơ chữ Hán Nguyễn Du. Tập này như nhật ký trên đường Nguyễn Du đi sứ phương Bắc từ đầu năm 1813 đến đầu năm 1814. Thấy cảnh, nhớ người xưa, luận tích cũ. Thơ giàu chiêm nghiệm việc đời, luận bình sự kiện, nhân vật sâu sắc, độc đáo. Nguyễn Du bình nhân vật, sự kiện xứ người bằng kinh nghiệm trầm luân thế sự của chính mình. Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn là trữ tình của tự sự. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là trữ tình của trữ tình. Trữ tình kép, nhân vật và tác giả lẫn vào nhau, chuyển đổi với nhau. Độc Tiểu Thanh ký là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp này. Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh ba trăm năm trước và tự hỏi vậy ba trăm năm sau có ai khóc ta chăng: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như (Ba trăm năm nữa nào biết được Thiên hạ ai người khóc Tố Như) Bài thơ này hay nhất ở hai câu kết và cái cốt truyện nhân vật tạo nên chất thơ của toàn bài. Về hai câu kết, nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) có kể lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, khi thơ chữ Hán Nguyễn Du chưa được dịch và giới thiệu thành tập, ông chỉ cầm trên tay hai câu thơ này như nén nhang, nương theo hương khói mà viết được bài Chiêu hồn Nguyễn Du. Còn bài thơ thì giờ đây được dạy phổ cập cho học sinh trung học. Toàn bài, tôi chắc mọi người đều cảm thụ được. Nhưng đi vào từng câu thơ cụ thể thì cách hiểu của các bản dịch nghĩa lại khác nhau. Ngay bản chọn dạy cho học trò cũng rối ý rối lời, chưa thoả đáng. ĐỘC TIỂU THANH KÝ Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. Chi phấn hữu thần liên tử hậu, Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. Cổ kim hận sự thiên nan vấn, Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Đây là bản dịch nghĩa dùng trong sách giáo khoa Trung học: ĐỌC TIỂU THANH KÝ Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi, Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ. Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết, Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở. Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được, Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai người khóc Tố Như? Dịch thơ (Vũ Tam Tập): Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang, Thổn thức bên song mảnh giấy tàn. Son phấn có thần chôn vẫn hận, Văn chương không mệnh đốt còn vương. Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, Cái án phong lưu khách tự mang. Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng? Tượng đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Các bản dịch thành thơ do đòi hỏi của vần điệu, thường ít tải hết nội dung nguyên bản. Bản dịch nghĩa mới là căn cứ để người đọc nhận ra đầy đủ phẩm chất của nguyên tác. Nên tôi xin được so nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Du với bản dịch nghĩa này để nắm ý thơ đích thực của Nguyễn Du: Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư Độc điếu song tiền nhất chỉ thư “Vườn hoa đẹp Tây Hồ đã thành bãi hoang” - Đây là Tây Hồ của Hàng Châu, Trung Quốc. Câu thơ mở bài nói một đổi thay tàn tạ, nhưng không phải chỉ để gợi cảm khái chung chung, mà gắn với một địa danh cụ thể, Tây Hồ. Tiểu Thanh, đời nhà Minh tài sắc, nhưng phải làm lẽ, bị vợ cả hành hạ. Tây hồ là nơi nàng bị người vợ cả ép sống đơn lẻ ở đây đến phải chết trong buồn tủi, năm 18 tuổi. Bài thơ mang giọng Nguyễn Du tâm sự với Tiểu Thanh: Trước cửa sổ, ta một mình viếng nàng (bằng) một cuốn sách. Cuốn sách ấy là cuốn Tiểu Thanh ký (Ghi chép về Tiểu Thanh). Trong đó tôi đoán có chép 12 bài thơ còn sót lại khi tập thơ của Tiểu Thanh bị người vợ cả đem đốt. Nguyễn Du xem sách mà xót thương thân phận nàng, chính là một hành động tự riêng mình phúng điếu. Hai câu phá đề, thừa đề coi như đã nói xong tiểu sử Tiểu Thanh và nỗi lòng thương cảm của tác giả với nàng. Phần còn lại của bài thơ, tới sáu câu, chỉ còn là những chiêm nghiệm của Nguyễn Du về cuộc đời. Thân phận Tiểu Thanh làm ông chạnh nghĩ tới thân phận mình. Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. Đây là hai câu đáng bàn nhất về cách dịch. Bản dịch nghĩa in trong sách giáo khoa: Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết. Văn chương không mệnh mà mang luỵ cả lúc đã thành tro. Thơ chữ Hán thường nén chữ lại, phá vỡ kết cấu văn phạm thông thường, nên người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Riêng trong câu này ba chữ “liên tử hậu” (liên: thương; tử hậu: sau khi chết). Bản dịch in trong sách giáo khoa chắc đã căn cứ theo tiểu sử Tiểu Thanh mà luận ra, bằng cách coi chủ từ của động từ “thương” là Tiểu Thanh: Tiểu Thanh xót xa. Và “Sau khi chết” (tử hậu) thì phải hiểu là “mọi việc xảy ra sau khi Tiểu Thanh chết”, ám chỉ việc người vợ cả đốt những bài thơ của nàng. Cách hiểu này rất văn xuôi, và lập luận lấn hơi nhiều ra ngoài chữ nghĩa của câu thơ. Nhưng điều đáng nói là hiểu như thế (Tiểu Thanh xót xa về việc người vợ cả của chồng đốt thơ mình sau khi chết) thì ý thơ bị hẹp lại, tình cảm cũng mất đi vẻ trữ tình thế sự có tính khái quát, để chuyển thành một thứ ước đoán tâm lý Tiểu Thanh bằng phẳng, chật hẹp và bị rời khỏi tư thế trí tuệ của bài thơ. Tôi xin được hiểu sát vào từng chữ của câu thơ “Son phấn có thần - tức nhan sắc vốn có thần - (nên vẫn gây tiếc) thương cả sau (khi nàng đã) chết”. Câu thơ ấy như Nguyễn Du đang tự đọc giữa lòng mình: Ông đang xót thương Tiểu Thanh của ba trăm năm trước. Động từ ở thì hiện tại tác động tới đối tượng của quá khứ. Một chiêm nghiệm thế sự sâu sắc với thân phận người phụ nữ (trong Truyện Kiều: Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa). Câu sau, tức câu thứ tư của bài. Bản dịch nghĩa: Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở. Dịch thế này e mất ý. Mất ý chữ “luỵ”, vốn là nhãn tự của câu - “Văn chương vô mệnh luỵ phần dư” - nó ăn với chữ “liên” ở câu trên - “Chi phấn hữu thần liên tử hậu”. Cứ trong nghĩa câu dịch này mà hiểu thì hơi văn lại hoá ngô nghê: “Văn chương không có số mệnh... mà cũng bị đốt dở!”. Thế nghĩa là nó đáng phải được đốt cháy cho bằng hết ư (!) Câu thơ này gây hiểu lầm cũng ở ba chữ cuối “luỵ” (gây xúc động) “phần” (đốt) “dư” (còn lại). “Luỵ” dù chỉ là phần “còn lại sau khi đốt”. Nghĩa là “phần còn lại sau khi đốt” còn đủ sức gây xúc động cho người đọc. Người sau khi chết vẫn gây thương và thơ còn sót sau khi cháy vẫn gây khắc khoải (luỵ) cho người đời. Chính Nguyễn Du đang trải nghiệm cái mối luỵ ấy khi đọc bài ký về Tiểu Thanh. Văn chương vô mệnh, nó không như người (ở câu trên), không là sinh linh, chỉ là chữ trên giấy, mà đã mang đốt đi, thành tro rồi, vẫn còn để bi luỵ cho người đọc (hay phiền luỵ cho người viết). Cái luỵ ấy đủ mạnh để cân với sức nặng của chữ thương ở câu trên. Thương người thương sang cả cõi ma. Mà luỵ thơ thì thành tàn tro còn gây luỵ. Ý thơ này thoát ra khỏi chuyện Tiểu Thanh, cũng là một chiêm nghiệm về tính bất tử của văn chương. Câu trên là bất tử của cái đẹp thể chất (nhan sắc). Câu dưới là bất tử của cái đẹp tinh thần (văn chương). Phải hiểu như thế, sự đối ý của hai câu mới làm hiện rõ cái lý thú của mạch thơ. Hơn nữa, ý thơ này còn là tiền đề cho ý thơ kết: “Ta, sau ba trăm năm nàng mất, nhỏ lệ thương nàng, thì không biết ba trăm năm nữa (tử hậu của ta) có ai còn nhỏ lệ khóc ta không!”. Chủ từ của “thương” không thể là Tiểu Thanh mà phải là ta, Nguyễn Du. “Tử hậu” chiếu xuống “dư niên hậu” cho thấy nỗi tủi thân thấm thía của người tài tử Nguyễn Du. Cũng không nên coi đây là tài tung hứng trên dưới của bút pháp mà nên hiểu đây là mạch cảm xúc chính của bài. Thấy người mà ngẫm đến ta, rất lôgic. Cái luỵ văn chương - Nguyễn Du hẳn biết nhiều những “ngục văn tự” của tiền nhân. Có bất ngờ chăng là cái luỵ ấy lại rơi vào thân phận một cô gái làm lẽ, văn chương rất nghiệp dư này. Cái nỗi hận ấy của Tiểu Thanh, mà nào có riêng Tiểu Thanh, Nguyễn Du từng chứng kiến bao liên và luỵ khi Gia Long trả thù Tây Sơn trong đó có việc đốt xoá đục đẽo bằng hết mọi văn tự có dính dáng đến Tây Sơn, và hành hạ tác giả...Oán hận ngút trời! “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”. Cái nỗi hận xưa có, nay cũng có ấy, có ngửa mặt kêu trời mà hỏi, trời cũng ú ớ, khó hỏi lắm: “thiên nan vấn”. Nguyễn Du ý thức được đấy là chỗ bế tắc của đời. Và ngay câu sau đó, ông ý thức phận mình: “phong vận kỳ oan ngã tự cư”: phận ta cũng đã ở sẵn trong khối oan khiên ấy. “Ngã tự cư”: ta đã ở đấy rồi. Đấy là niềm bi phẫn hay nỗi yếm thế của Nguyễn Du? Chắc cả hai. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cái chữ “tự” này sao nhiều phen bi thiết: “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (người tự buồn thương, cỏ tự xanh), xanh là bản tính của cỏ, bản tính của người lại là buồn thương ư! Cái chất tâm hồn Nguyễn Du như thế, nên mới vừa chạm đến thân phận Tiểu Thanh, ông đã trùng điệp nỗi mình (trữ tình kép là vậy), dẫn đến câu kết như một di chúc, một câu hỏi cực thân hỏi vào hậu thế: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Bốn câu cuối bài thơ, bản dịch, cả dịch thơ lẫn dịch nghĩa, đã hoàn hảo. Độc Tiểu Thanh ký quả là một chìa khoá giúp ta mở vào nỗi lòng Nguyễn Du.