Vì sao không thể tùy tiện xây dựng công trình thủy lợi?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Từ xưa đến nay, các công trình thuỷ lợi đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của con người. Về mặt phòng lũ, vận chuyển đường sông, công nghiệp đô thị, cung cấp nước sạch và tưới tiêu nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi đều có tác dụng rất lớn, nhưng đồng thời nó cũng làm thay đổi môi trường sinh thái xung quanh. Ví dụ trong quá trình xây dựng công trình thuỷ lợi, nếu chúng ta không chú ý nghiên cứu ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với môi trường sinh thái xung quanh thì “thuỷ lợi” có thể sẽ biến thành “thuỷ hại”. Tác dụng tiêu cực của công trình thuỷ lợi đối với môi trường biểu hiện ở các mặt sau: Thứ nhất, sau khi xây dựng công trình sẽ làm thay đổi sự phân bố nước bề mặt của vùng đó, có thể dẫn đến phá hoại sự cân bằng sinh thái vốn có, làm sản sinh hàng loạt vấn đề về môi trường. Ví dụ ở Canađa sau khi xây dựng đập Pixơ, mực nước phía dưới đập hạ thấp ảnh hưởng đến khu vực tam giác châu ở hạ lưu, khiến cho động, thực vật vì thiếu nước mà chết nhiều. Thứ hai, hồ chứa nước thường trở thành trung tâm động đất. Xây dựng những hồ chứa nước lớn có thể dẫn đến sự xô lệch đột nhiên của các tầng địa chất. Vị trí xô lệch thường là những trung tâm động đất. Ví dụ, năm 1967 hồ chứa nước Caona của ấn Độ xảy ra động đất, trung tâm động đất vừa đúng ở phía dưới đập nước. Thứ ba, hồ chứa nước và hệ thống kênh tưới thường gây ra đất bị xói mòn, hoặc đất bị kiềm hoá. Trong thời gian xây dựng hồ chứa nước, vùng rừng thường bị phá hoại. Sau khi hồ tích nước thì xung quanh hồ ẩm ướt, một số loài thực vật có thể vì không thích hợp mà chết, thay vào đó là những quần thể thực vật háo nước, dễ dẫn đến nước xói mòn đất. Ngoài ra theo thống kê, trên thế giới hàng năm có khoảng 25 vạn ha đất vì tưới nước mà bị kiềm hoá. Thứ tư, sau khi hồ tích nước, diện tích mặt nước tăng lên, cây cỏ mọc lên um tùm, thích nghi cho muỗi sốt rét và loài ốc phát triển, dễ khiến cho bệnh sốt rét và bệnh trùng hút máu phát triển và truyền nhiễm. Ví dụ ở Ai Cập sau khi xây đập sông Nin, vùng hạ lưu phát triển lan tràn bệnh trùng hút máu. Do đó cần phải xem xét thận trọng đối với công trình thuỷ lợi, không thể không thông qua luận chứng khoa học nghiêm túc mà xây dựng tuỳ ý. Để tránh hoặc giảm thấp những ảnh hưởng tiêu cực của công trình thuỷ lợi đối với môi trường thì khi thiết kế, người thiết kế không những phải xét đến các vấn đề kinh tế kĩ thuật, mà còn phải xét đến vấn đề môi trường. Khi thiết kế và chọn địa điểm những công trình thuỷ lợi lớn, cần có các chuyên gia bảo vệ môi trường tham gia.