Vì sao thủy tinh phế thải cũng gây ô nhiễm môi trường?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Từ đời nhà Đường các chế phẩm bằng thủy tinh quí như ngọc, chỉ có vương công quí tộc mới có thể sử dụng. Ngày nay, các sản phẩm thủy tinh màu sắc sặc sỡ đã trở thành những vật dụng thường ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đồng thời với điều đó thì thủy tinh có hại cho môi trường và sức khỏe con người cũng đang trở thành một vấn đề không thể xem nhẹ. Ở nhà lỡ tay đánh vỡ cái cốc xem là việc nhỏ, chỉ cần hót các mảnh vụn đổ vào thùng rác là xong. Nhưng hàng ngàn hàng vạn mảnh vụn thủy tinh thải vào môi trường lại là một việc không nhỏ, bởi vì mảnh vụn thuỷ tinh rất khó bị vi sinh vật phân hủy, do đó sẽ gây nên ô nhiễm môi trường. Đối với những chất gây ô nhiễm môi trường, căn cứ vào tốc độ phân hủy của chúng trong môi trường chậm hay nhanh mà có thể phân thành hai loại lớn: tồn tại lâu dài và tồn tại thời gian ngắn. Mảnh vụn thủy tinh cũng giống như nhựa phế thải đều là những chất ô nhiễm tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trong môi trường. Một khi chúng bị lẫn vào trong môi trường sẽ không vì mưa gió hoặc tác dụng của vi sinh vật mà bị phân huỷ. Mảnh vụn thủy tinh đã trở thành một trong những chất có hại khó phân hủy nhất trên thế giới. Không ít khu vực vì một lượng lớn mảnh thủy tinh phân bố rải rác và tích trữ lại trong đất đã khiến cho nhiều người bị thương. Cùng với sự phát triển của công nghiệp thủy tinh và cuộc sống con người được nâng cao thì số rác thải thủy tinh ngày càng nhiều, đã trở thành một tác hại chung chỉ đứng sau “ô nhiễm màu trắng”. Trên thế giới đã có nhiều nước đặt ra chính sách để hạn chế các chế phẩm thủy tinh, giảm ô nhiễm cho môi trường. Ví dụ ở Mỹ đã liệt mảnh vụn thủy tinh và các loại chai lọ là những vật ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Ở Italia, các chuyên gia đã đưa ra những qui định có tính pháp luật để thu hồi các chai lọ nước uống. Ở Thụy Sĩ, tỉ lệ thu hồi chai lọ thủy tinh cao đạt trên 80%. Để giảm thấp và xóa bỏ ô nhiễm thủy tinh, chúng ta phải tập thành thói quen thu gom mảnh vụn thủy tinh và chai lọ. Nhà nước phải có cơ quan thu mua phế phẩm để có thể thu hồi và lợi dụng thủy tinh và chai lọ, chỉ có như thế mới bảo vệ được môi trường và tiết kiệm tài nguyên.