Việt Nam Thời Tây Sơn - Lịch Sử Nội Chiến 1771 - 1802 - Tạ Chí Đại Tường Ngược dòng lịch sử, có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng: dường như trong từ điển Việt Nam không có thuật ngữ "nội chiến", khi mà các nhà viết sử đều sử dụng những thuật ngữ như "loạn 12 sứ quân", "chiến tranh Nam - Bắc triều", phân tranh "Trịnh - Nguyễn" để chỉ những cuộc chiến của những người Việt có cùng dòng máu, cùng ngôn ngữ, cùng một nền văn hoá khai sinh. Nhưng chúng ta lại rất thích thú khi sử dụng thuật ngữ "nội chiến" cho những cuộc xung đột ở các quốc gia khác cũng mang những đặc điểm không khác gì những cuộc chiến ở Việt Nam, như ở Nam Tư hay Rwanda chẳng hạn. Phải chăng đó là một sự lẩn tránh sự thật lịch sử? Nhưng nói như vậy không phải là sự đánh đồng tất cả, vẫn có những người mang tâm huyết thật sự đối với lịch sử nước nhà, trong số những người đó có Tạ Chí Đại Trường với cuốn sách "Việt Nam thời Tây Sơn. Lịch sử nội chiến 1771 – 1802" của ông. Người đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách giá trị của một công trình khoa học thật sự với những biến cố, những nhân vật trong một thời kỳ bi thương của lịch sử nước nhà. Trong đó có cả những trận chiến chống quân xâm lược oai hùng nhất như: Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa,... nhưng bên cạnh đó còn là nỗi đau của cảnh nồi da, xáo thịt giữa những người có cùng một gốc gác mẹ cha. Mặc dù chưa có một nhà nghiên cứu nào kiểm chứng về tính xác thực của những tài liệu mà Tạ Chí Đại Trường dẫn ra trong cuốn sách của ông, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều là cách sử dụng tài liệu và cách thức dẫn dắt của Tạ Chí Đại Trường là rất đáng khâm phục. Ông không hề ngại ngần khi đưa ra những hạn chế trong các tài liệu mà mình thu nhặt được (một điều khá hiếm thấy trong những công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam), điều đó làm người đọc thêm phần nào đó tin tưởng vào tính chân thực của cuốn sách. Tạ Chí Đại Trường đã dựng lên trong cuốn sách của mình một hình tượng Nguyễn Huệ với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đẹp, nhưng không hoàn hảo. Chúng ta vẫn thấy ở đâu đó những hành động không lấy gì làm ưa mắt của người lính nông dân Tây Sơn và cả những chỉ huy của họ. Một Nguyễn Ánh không phải là đáng khinh như những gì chúng ta vẫn được biết, một ông vua tuy đã làm nhiều việc để đời sau kết tội, nhưng đó là một người có chí hướng và kiên định hiếm thấy. Thiết nghĩ, với giá trị mà "Việt Nam thời Tây Sơn. Lịch sử nội chiến 1771 – 1802" mang lại, đó là một cuốn sách đáng để chúng ta quan tâm, những việc làm đó như một lời tri ân đối với những người có "tâm" với quá khứ của dân tộc vậy! ✪ ✪ ✪ ✪ ✪ Theo LTTK Education