Xã Hội Học Đại Cương - Chương 8 - Bài 2: Hôn nhân và ly hôn

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết

    1. Khái niệm hôn nhân và các kiểu hôn nhân trong lịch sử


    1.1 Khái niệm

    Hôn nhân và gia đình luôn là vấn đề được nhiều tổ chức và xã hội rất quan tâm. Vậy hôn nhân là gì? Khái niệm này đã được các nhà nghiên cứu luật học, các nhà làm luật của Việt Nam và nước ngoài tìm hiểu, xem xét đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Ở Việt Nam thì hôn nhân được hiểu là “quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”. Quan hệ vợ chồng là quan hệ giữa những người khác giới và hôn nhân là kết quả của tình yêu giữa nam và nữ, đó là một tình yêu chân chính không vụ lợi. Khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, đôi bạn nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước.
    Hôn nhân theo nghĩa truyền thống là khi người đàn ông và người đàn bà cam kết sống chung với nhau cùng với những quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Đó là quan hệ xã hội mang tính văn hóa biểu thị sự tán đồng của xã hội cho một quan hệ tình dục và sản sinh giữa một người nam và một người nữ.
    Còn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn và mang những đặc điểm sau:
    • Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ.
    • Hôn nhân là sự liên kết hoàn toàn tự nguyện của nam và nữ.
    • Hôn nhân là sự liên kết bình đẳng giữa vợ và chồng.
    • Hôn nhân là sự liên kết theo quy định của pháp luật.
    Trong khi đó khoa học xã hội học thì cách hiểu cũng tương tự như trên, đó là mối quan hệ đặc biệt giữa hai người dựa trên sự thống nhất giữa một người đàn ông và một người đàn bà và mang những đặc điểm sau:
    • Hôn nhân cũng là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ.
    • Mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà phải nằm trong sự thống nhất với các mối quan hệ khác ngoài xã hội.
    1.2 Sự phát triển các hình thái gia đình trong lịch sử

    Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, quá trình phát triển của các hình thái hôn nhân trong lịch sử gắn liền với ba thời đại, mỗi thời đại có các hình thái hôn nhân tương ứng. Đó là thời đại Mông muội ứng với hình thái hôn nhân huyết tộc và Punalua; thời đại Dã man ứng với hình thái hôn nhân cặp đôi và thời đại Văn minh ngày nay ứng với hình thái hôn nhân một vợ một chồng
    So sánh các hình thái hôn nhân trong lịch sử:
    Các tiêu chí phân biệtHôn nhân Huyết tộcHôn nhân PunaluaHôn nhân cặp đôi (đối ngẫu)Hôn nhân một vợ, một chồng
    Thời đại xuất hiệnThời kì giữa của thời đại Mông muộiGiai đoạn cao của thời đại Mông muội.Thời đại Dã man (thời đại chuyển từ xã hội thị tộc sang xã hội có giai cấp).Ra đời và tồn tại trong thời đại Văn minh.
    Chế độ hôn nhânChế độ quân hôn (hôn nhân theo trực hệ).vẫn là chế độ quần hôn nhưng loại bỏ quan hệ tính giao theo trực hệ và bàng hệ.Chế độ hôn nhân theo cặp đôi nhưng vẫn còn tập quán hôn nhân theo nhóm.Chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
    Khả năng nhận biết cha, conCon không thể biết cha ruột.Vẫn không thể nhận biết cha ruột.Con sinh ra đã biết cha ruột.Quan hệ cha con được các định rõ.
    Người làm chủ trong gia đìnhNgười đàn bà (chế độ thị tộc mẫu hệ).Người đàn bà theo chế độ thị tộc mẫu hệ.Người đàn ông trong gia đình.Vợ, chồng bình đẳng trong hôn nhân.
    Mục đích của hôn nhânThực hiện quan hệ tính giao nhằm duy trì nòi giống.Thực hiện quan hệ tính giao nhằm duy trì nòi giống.Thực hiện quan hệ tính giao và cần sự gắn bó giữa người đàn ông và người đàn bà.Thảo mãn nhu cầu vật chất, thể chất và tinh thần cho vợ chồng.
    Tính bền vững của hôn nhânHôn nhân không bền vững.Hôn nhân vẫn không bền vững.Sự bền vững đã có nhưng mang tính tương đối, dễ thay đổi.Hôn nhân khá bền vững, khó thay đổi.

    1.3 Các kiểu hôn nhân theo dòng lịch sử
    • Hôn nhân đồng huyết. Nó được xem như là hình thái hôn nhân đầu tiên trong lịch sử, xuất hiện vào giai đoạn giữa của thời đại Mông muội (giai đoạn mà con người mới phát hiện ra lửa). Đây là kiểu hôn nhân đồng huyết thống anh chị em ruột, anh chị em có thể quan hệ tình dục với nhau (trừ cha, mẹ với con cái).
    Trong nền văn minh phương Tây kiểu hôn nhân đồng huyết được tán thành bởi xã hội trong một thời gian dài, phổ biến nhất trong lịch sử của nhiều gia đình hoàng gia, nhiều dòng tộc giàu có và lâu đời. Nghiên cứu kỹ lịch sử chúng ta có thể tìm thấy ở Ai Cập cổ đại, Hawaii và nhiều gia đình hoàng gia ở Châu Âu. Chúng ta có thể nhận thấy hôn nhân đồng huyết xảy ra nhiều trong các gia đình quý tộc, hoàng gia bởi lẽ đơn giản họ muốn giữ sạch dòng máu, duy trì quyền lực của mình đến suốt đời. Họ có thể nắm giữ tài sản, của cải... kể cả ngai vàng từ đời nay sang đời khác để không bị những người mang dòng máu khác cướp mất.
    • Quần hôn. Nếu bước tiến đầu tiên trong tổ chức gia đình là xóa bỏ quan hệ tính giao giữa cha mẹ và con cái, thì bước tiến thứ hai là hủy bỏ quan hệ tính giao giữa anh chị em với nhau. Vì anh chị em có độ tuổi gần nhau hơn, nên bước thứ hai này là vô cùng quan trọng hơn nhưng cũng khó khăn hơn bước thứ nhất. Điều này được thực hiện dần dần, đầu tiên là bắt đầu với việc hủy bỏ quan hệ tính giao giữa anh chị em cùng mẹ và cuối cùng là cấm kết hôn giữa các anh chị em họ đời thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Hình thái hôn nhân này xuất hiện vào giai đoạn cao của thời đại Mông muội, giai đoạn mà con người đã biết chế tạo ra phương tiện đi lại, phương tiện vận chuyển... Mặc dù hạn chế về tính giao, tuy nhiên trong thời kì này con sinh ra chỉ xác định được mẹ đẻ của mình mà không xác định được ai là người cha ruột của mình, vì thế dòng dõi chỉ được xác định dựa vào phía người mẹ.
    Vì thế, các bộ lạc theo bước tiến này ắt phải phát triển nhanh hơn những bộ lạc mà kết hôn giữa anh chị em vẫn là một tục lệ. Bước tiến đó có ảnh hưởng lớn đến thế nào, điều đó có thể thấy được từ việc thành lập thị tộc - một tổ chức do bước tiến ấy trực tiếp tạo ra, và đã vượt xa cái mục đích ban đầu của chính nó. Hôn nhân diễn ra ngẫu nhiên giữa tập thể con gái của thị tộc này với tập thể con trai của thị tộc kia trở nên phổ biến
    • Hôn nhân đối ngẫu. Đây là kiểu hôn nhân dựa trên cơ sở quần hôn. Đây là kiểu hôn nhân mà người đàn ông có một người vợ chính, trong số rất nhiều người vợ của mình. Hôn nhân đối ngẫu phát sinh vào buổi chuyển giao giữa thời Mông muội và thời Dã man, chủ yếu là ở giai đoạn cao của thời Mông muội, nhưng đôi khi là ở giai đoạn thấp của thời Dã man. Nó là hình thức tiêu biểu của thời Dã man, cũng như chế độ quần hôn của thời Mông muội, và chế độ hôn nhân cá thể của thời Văn minh.
    Hình thái hôn nhân này xuất hiện trong thời đại Dã man, thời đại chuyển từ xã hội thị tộc sang xã hội có giai cấp. Xét về mặt hình thức, trong hôn nhân này không còn tồn tại chế độ quần hôn. Kiểu hôn nhân này dễ tạo nên nhiều nhầm lẫn và rất phức tạp để xác định đâu là người chồng chính. Nhưng khi thị tộc ngày càng phát triển, khi mà các nhóm anh em trai và chị em gái không thể lấy nhau ngày càng nhiều thì hình thức này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
    Tuy nhiên, hình thái hôn nhân này lại không bền vững, dễ bị phá vỡ bởi người đàn ông hoặc đàn bà do không có cơ sở pháp lý và sự ràng buộc về mặt tình cảm chưa chặt chẽ, thói quen chung sống theo nhóm, bầy đàn vẫn còn sự chi phối, nên người vợ người chồng dễ dàng quay về lối sống như trước.
    • Hôn nhân nhóm là kiểu hôn nhân có từ hai người đàn ông trở lên cùng chung sống, quan hệ với hai người phụ nữ trở lên, nhưng quy mô nhỏ hơn quần hôn.
    • Hôn nhân đa phu và đa thê là hôn nhân mà có từ hai người trở lên, khi đó người đàn ông có thể có hai vợ hoặc hơn và người phụ nữ cũng có thể có hai chồng hoặc hơn. Theo quá trình tiến hóa của loài người và qua nhiều thời kì khác nhau, chế độ đa thê tồn tại dưới ba hình thức: Chế độ đa thê tức nhiều vợ, chế độ đa phu tức nhiều chồng và chế độ nhiều vợ đồng thời nhiều chồng.
    • Hôn nhân một vợ một chồng, hình thái hôn nhân này ra đời và tồn tại trong thời đại văn minh. Theo F.Engels, hôn nhân một vợ một chồng là hình thức hôn nhân đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế, vì thể sự đối lập giai cấp đầu tiên trong lịch sử là trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân.
    Hôn nhân một vợ một chồng ra đời vào buổi giao thời giữa lúc kết thúc thời đại Dã man và bắt đầu thời đại Văn minh, ra đời trên cơ sở gia đình đối ngẫu. Hình thái hôn nhân một vợ một chồng xuất hiện trong chế độ chiếm hữu nô lệ và còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
    Hình thái hôn nhân một vợ và một chồng càng được khẳng định rõ hơn trong chế độ Tư bản chủ nghĩa. Hôn nhân ở chế độ này thường được xây dựng trên sự tính toán về kinh tế, tiền bạc và tài sản đóng vai trò quan trọng trong rất lớn trong các cuộc hôn nhân. Trong thời kì này, sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình đã được công nhận, đề cao sự tự do trong hôn nhân, quyền con người đối với mỗi thành viên trong gia đình.
    Với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để chế độ hôn nhân một vợ một chồng được thực hiện một cách tốt nhất. Vị trí của phụ nữ đã được tôn trọng hơn, có được những quyền ngang với nam giới. Cơ sở để thiết lập một cuộc hôn nhân lâu dài đó là tình yêu giữa nam và nữ, cơ sở này được nhà nước và xã hội thừa nhận.
    • Hôn nhân mở là kiểu hôn nhân chỉ tồn tại về mặt hình thức, có sự chứng kiến của luật pháp nhưng đời sống thực tế không ràng buộc nhau về kinh tế, con cái, đặc biệt là về quan hệ tình dục.
    • Hôn nhân thử là một kiểu hôn nhân chưa có sự tham gia của pháp luật, nó đã và đang ngày càng nhiều trong xã hội. Hôn nhân thử là sự chung sống giữa một nam và một nữ trong khoảng một thời gian không xác định trước, nếu thấy phù hợp thì sẽ tiến tới hôn nhân, còn nếu không thì chia tay.
    2. Ly hôn

    2.1 Khái niệm ly hôn
    Ly hôn là quá trình đi ngược lại với kết hôn, là một hiện tượng phổ biến hiện nay khi mà vợ chồng không còn tìm thây hạnh phúc, gia đình không còn là một tổ ấm, cuộc sống chỉ là sự chịu đựng, tinh thần bị khủng hoảng thì ly hôn là một điều cần thiết, là sự giải thoát cho cả hai vợ chồng. Khi đó, quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt, đồng thời các trách nhiệm pháp lý và những ràng buộc dân sự đều bị hủy bỏ.
    Hôn nhân là nhằm chung sống suốt đời, cùng tạo lập một gia đình hạnh phúc. Song nếu thực tế có những điều kiện khách quan hay chủ quan chi phối, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì đại đa số dẫn đến một kết cục là ly hôn. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam 2000 thì “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc của cả hai vợ chồng".
    Ly hôn xét ở một góc độ nào đó là sự kiện bất bình thường của hôn nhân. Nếu kết hôn là sự kiện bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là một sự kiện bất bình thường nhằm kết thúc quan hệ vợ chồng trước pháp luật, là sự kiện mà bản thân các đương sự, gia đình và xã hội không mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận khi quan hệ hôn nhân tan vỡ.

    2.2 Nguyên nhân dẫn đến ly hôn


    Có nhiều lý do dẫn đến việc ly hôn, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan, chung qui lại thường có mấy nguyên nhân sau:
    • Do chưa nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng về hôn nhân và gia đình của các chủ thể kết hôn.
    • Ly hôn với nguyên nhân do vợ hoặc chồng ngoại tình (vấn đề tình dục trong hôn nhân).
    • Ly hôn do bạo lực gia đình.
    • Do sự tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
    • Ly hôn do xuất phát từ sự kém hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chính sách và quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bên cạnh đó là sự thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ trong việc tuyên truyền và thực hiện các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
    • Do các quy định của pháp luật ngày càng thoáng hơn.
    • Một số nguyên nhân khác như do khoảng cách ngày càng quá xa, nhu cầu cuộc sống khác nhau, dư luận xã hội công nhận ly hôn một cách cởi mở.
    3. Những nhân tố ảnh hưởng đến độ bền vững hạnh phúc của gia đình
    • Tình yêu trong hôn nhân.
    Hôn nhân chỉ thật sự bền vững và hạnh phúc thì đều phải xuất phát từ điểm mốc ban đầu đó chính là tình yêu chân chính. Tình yêu đó xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên nam và nữ: Đó là một tình yêu không tính toán, đơn thuần về kinh tế, không vụ lợi tình dục, ham mê thể xác... Tình yêu chân chính là sự hòa quyện, kết hợp của hai tâm hồn trên nhiều lĩnh vực: sở thích, hướng phấn đấu, lý tưởng, nguyện vọng, lối sống...
    Đảm bảo được những yếu tố trên sẽ hình thành nên được tình yêu mãnh liệt đi đến một hạnh phúc bền vững, khó tan vỡ. Cuối cùng, yếu tố then chốt, là nền tảng của hôn nhân hạnh phúc đó chính là tình yêu, sự tôn trọng, sự chia sẻ và sự gắn bó như “những viên gạch, vừa hồ đặt trên nền tảng đó”.
    • Hôn nhân và luật pháp.
    Dưới góc độ pháp lý, hôn nhân được coi như một bản hợp đồng hợp pháp ràng buộc hai con người, cùng với của cải, thu nhập, trách nhiệm và cuộc sống của họ. Hôn nhân được pháp luật công nhận và hợp đồng này chỉ bị hủy bỏ khi hai người ly dị. Việc phát sinh tồn tại và chấm dứt hôn nhân đều có những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến các quan hệ gia. Vì vậy, cũng như các thiết chế xã hội khác hôn nhân phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
    • Tự nguyện và tự do trong hôn nhân.
    Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn. Cho nên, sự tự nguyện trong hôn nhân trước hết được thể hiện thông qua việc tự nguyện kết hôn, hôn nhân chỉ có thể đạt được mục đích khi việc kết hôn là tự nguyện. Sự tự nguyện là yếu tố đảm bảo cho các thành viên trong gia đình chung sống với nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
    Bên cạnh đó, kết hôn tự nguyện xoá bỏ tàn tích của hôn nhân phong kiến lạc hậu. Hôn nhân tự nguyện đảm bảo sự tự do của con người trong việc kết hôn, lựa chọn người bạn đời nhằm chung sống lâu dài, hạnh phúc, kết hôn tự nguyện loại trừ những việc kết hôn không đảm bảo sự tự nguyện. Khi kết hôn, nam nữ có trách nhiệm thể hiện ý chí về việc xác lập quan hệ hôn nhân trước đại diện cơ quan hộ tịch về sự lựa chọn của mình.
    • Vấn đề tình dục trong hôn nhân.
    Trong xã hội truyền thống, tình dục được nhìn nhận ở góc độ khác, đó là vấn đề của phòng the, là điều kiện để duy trì nòi giống, nhưng trong xã hội hiện đại thì tình dục phẩn nào đó đã tách ra khỏi sự truyền chủng và được xem là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Trong gia đình luôn phải tồn tại tình cảm yêu thương, giáo dục con cái, sinh sản. Như vậy, đời sống hôn nhân và gia đình liên hệ tới giới tính, tính dục và tình dục. Cho nên, việc vợ chồng vận dụng các bản năng về giới tính để thực hiện trọn vẹn cho nhau, đem lại một cảm xúc sâu xa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe, sự quân bình trí não, làm cho vợ chồng ngày càng trưởng thành hơn trong tình yêu. Nghĩa là họ vừa biết trao, vừa biết đón nhận trong sự tôn trọng và yêu thương nhau. Điều này rất cần thiết cho sự chung thuỷ của vợ chồng và sự êm ấm của gia đình.
    Việc hoà hợp về tình dục là một yếu tố cực kì quan trọng trong hôn nhân hiện đại. Vợ chồng cần có kiến thức đúng về tình dục, quan hệ tình dục và phải biết tạo sự hoà hợp và thường xuyên đạt đến sự khoái cảm tinh thần và nhục thể một cách mỹ cảm.
    • Điều kiện và môi trường sống
    Để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, cần xây dựng một nền kinh tế vững chắc, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới các thành viên trong gia đình đồng thời tạo nên một môi trường sống thoải mái. Nếu có một môi trường sống tốt thì cơ hội đổ thành viên trong gia đình phát huy thế mạnh để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước giàu mạnh.
    Điều kiện sống là những vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của vợ chồng và các thành viên trong gia đình. Bao gồm: mức sống, thu nhập của gia đình; nhà ở, các tiện nghi liên quan đến sức khỏe, cân bằng tâm lí, giáo dục, nghỉ ngơi; tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại. Môi trường sống là sự đáp ứng về mặt tinh thần của vợ chồng. Họ cảm thấy có thoải mái khi sống trong môi trường đó hay không. Đó có thể là quỹ thời gian rãnh rỗi họ dành cho nhau, cách tổ chức đời sống gia đình, các điều kiện dành cho phụ nữ.