Ý nghĩa của việc chào hỏi trong cuộc sống Bài làm: Mở bài Dân tộc Việt Nam từ xưa vốn đã là một dân tộc trọng lễ nghi, nhiều quy tắc. Việc đối xử giữa người và người vừa ý nhị vừa tinh tế vô cùng. Một trong những vẻ đẹp ấy chính là văn hóa chào hỏi. Không những cần phải chào người thân, người quen mà cả người lạ mà nếu có dịp gặp gỡ, ta cũng phải chào hỏi cho đúng với lễ nghi giao tiếp. Bởi thế mà trong nhân gian còn mãi truyền tụng câu nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thân bài: Chào hỏi là gì? Chào hỏi là một hình thức khỏi đầu một cuộc trò chuyện trong giao tiếp xã hội. Nó bao gồm cả chào và hỏi. Chào hỏi là dùng lời nói hoặc cử chỉ để biểu thị thái độ trân trọng, cung kính và thân thiết của mình đối với người khác. Chào hỏi còn được dùng để tỏ thái độ kính cẩn trước cái cao quý, thiêng liêng. Trong đời sống, chào hỏi được dùng như một hình thức xã giao để bắt đầu một cuộc nói chuyện được tự nhiên, lịch sự, cởi mở. Người vai dưới gặp người vai trên mà không biết chào hỏi là bất kính. Người vai trên không đáp lại lời chào của người vai dưới là thiếu lịch sự, hách dịch, khinh người. Tại sao khi gặp người khác phải biết chào hỏi? Việc chào hỏi khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người. Chào hỏi thể hiện sự trân trọng của bản thân đối với người khác. Sự trân trọng người khác thể hiện ngay lời chào hỏi. Nó giúp ta xác định rõ ràng vị trí mỗi người trong giao tiếp. Từ đó, thực hiện các hoạt động giao tiếp một cách đúng đắn, hiệu quả và đúng mực. Kết bài: Ngày hôm nay có thể trở thành một ngày đầy sinh lực với bạn – và với người khác – nếu bạn bỏ thời gian để trao cho ai đó nụ cười… để thốt lên một lời tử tế… để chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ… để viết một lời cảm ơn… để cho đi một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua rắc rối… để chia sẻ một phần tài sản vật chất với những người xung quanh. Có nghĩa là, lời chào hỏi nhau quan trọng và cao quý hơn mọi vật chất. Trong lễ giáo dân tộc, lễ nghi đứng ở hàng đầu trong những phẩm chất tôn quý của con người. Bởi thế, biết chào hỏi nhau là sống đúng với đạo lí dân tộc, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người, cần phải hết sức giữ gìn.