Ý nghĩa hình tượng “chiếc bóng” trên tường của Vũ Nương

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Ý nghĩa hình tượng “chiếc bóng” trên tường của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

    Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nguồn gốc của truyện bắt nguồn từ một truyện cổ tích dân gian tên là Vợ chàng Trương. Câu chuyện được xây dựng theo lối truyền kì. Tình huống dựa trên truyện cổ dân gian. Thế nên tính hoang đường trở thành yếu tố mang nhiều hàm nghĩa sâu sắc.

    Hình ảnh “chiếc bóng” trên tường của Vũ Nương là một yếu tố độc đáo. Chi tiết có vai trò thắt nút và mở nút câu chuyện tình đầy trái ngang, oan khuất.

    Trước hết, chi tiết “cái bóng” có ý nghĩa thắt nút. Nó gây ra mối hoài nghi trong lòng Trương Sinh. Đối với Vũ Nương – một người vợ thủy chung – thì “cái bóng” chỉ là “cái bóng”. Trong những ngày chồng xa nhà, Vũ Nương một mình tảo tần nuôi con, chăm mẹ. Vì thương nhớ chồng và khát khao sum họp, Vũ Nương ngày nào cũng nhớ mong. Lúc vui đùa với con, Vũ Nương thường chỉ vào “bóng” mình trên vách và nói đùa đó là cha Đản. Đứa con hồn nhiên tin đó là sự thật. Mục đích lời nói đó của Vũ Nương là hoàn toàn tốt đẹp.

    Đối với bé Đản, mới chỉ 3 tuổi còn thơ ngây, chưa thể nào hiểu hết những điều phức tạp ấy. Cho nên Đản đã tin có một người cha đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng nín thin thít và không bao giờ bế Đản cả.

    “Chiếc bóng” mang đến cho Đản một niềm tin sâu sắc rằng cha luôn bên cạnh mình. Cha rất hiền lành và thường đến mỗi đêm. Khi Đản cảm thấy sợ hãi thì “cha” là một dựa vững chắc của tinh thần. Cha cũng rất nghiêm khắc chỉ ngồi lặng thình và không bao giờ nói. Đó là tất cả những gì mà một đứa trẻ ngây thơ nghĩ được. Đản hồn nhiên, ngây thơ và thành thực như bản tính vốn có của trẻ thơ.

    Còn đối với Trương Sinh lại hoàn toàn khác. Một người ít học, đa nghi lại rất hồ đồ khi nghe câu chuyện đã suy diễn đa chiều. Khi nghe bé Đản nói về một người cha của mình (chính là “cái bóng”) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ về sự không chung thủy của người vợ. Bởi lòng tự phụ quá cao chàng đã trở nên lỗ mãn, cuồng bạo. Trương Sinh nhẫn tâm buông lời sỉ nhục, mắng nhiếc và đánh đập tàn bạo người vợ vốn hiền thảo, thủy chung, đã tân tình, tận nghĩa một lòng dốc sức vun đắp hạnh phúc gia đình mà không cho nàng biết nguyên cớ. Quá phẫn uất và tuyệt vọng, Vũ Nương đã tìm đến cái chết. Đến đây, tình huống truyện được đẩy lên đến cao trào tột đỉnh.

    Chi tiết “cái bóng” có ý nghĩa mở nút cho câu chuyện. Nó tháo gỡ nỗi hoài nghi trong Trương Sinh và minh chứng cho sự trong sạch của Vũ Nương. Chính nhờ cái bóng ở trên tường được bé Đản gọi là “cha” mà sau này, chàng mới nhận ra nỗi oan của vợ. Bao nghi ngờ, oan ức đều được hóa giải nhờ vào chiếc bóng. Trương Sinh đã hiểu ra tất cả nhờ chi tiết cái bóng.

    Chỉ bằng một tình tiết hết sức đơn giản, thế mà Nguyễn Dữ đã tạo nên một thiên truyện làm cảm động lòng người. Chính cách thắt nút và mở nút của câu chuyện qua chi tiết “cái bóng” này đã làm cho cái chết của Vũ Nương càng thêm oan khuất, có giá trị tố cáo đối với xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công đối với người phụ nữ, đã đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát.