Ý thức tự giác trong học tập là động lực của mọi thành công

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Ý thức tự giác trong học tập là động lực của mọi thành công


    [​IMG]
    • Mở bài:
    Cái ta biết chỉ là giọt nước. Cái ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông. Tri thức là vô tận. Sự học sẽ không bao giờ kết thúc. Bởi thế mà nhà bác học học Charles Robert Darwin từng mạnh mẽ khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Muốn thành công trong học tập không có cách nào tốt hơn là tự giác học tập, tự giác tìm tòi, khám phá và tiếp nhận. Tự giác trong học tập là cơ sở của mọi thành công sau này.
    • Thân bài:
    Tự giác trong học tập là gì ?

    Tự giác trong học tập là tự mình thực hiện tốt công việc học tập mà không đợi ai nhắc nhở, khuyên bảo. Tự giác trong học tập còn là luôn chủ động và sáng tạo trong học tập, tự mình tiếp nhận, nghiên cứu và hoàn thiện tri thức mà mình đã được học tập ở trường theo kế hoạch mà mình đã đặt ra.​
    Tại sao học sinh phải biết tự giác trong học tập?

    Không có gì quan trọng bằng việc học đối với con người. Học tập là một nhiệm vụ gian khó và dài lâu. Nó bắt đầu từ lúc chúng ta được sinh ra và chỉ kết thúc khi chúng ta rời khỏi cuộc sống này.
    Học tập mang lại cho học sinh rất nhiều lợi ích to lớn. Trước hết là nó cung cấp nguồn tri thức vô tận, kết nối bản thân và thế giới, giúp con người thành công trong cuộc sống. Không học tập thì không thể làm dược điều gì lớn lao. Nhờ tự giác học tập mà con người có thể vượt xa những gì bắt buộc phải học. Con người vươn lên hiểu biết và kết nối mình với thế giới rộng lớn, tìm kiếm nhiều hơn những cơ hội để thành công.
    Muốn chiếm lĩnh được tri thức, tự rèn luyện, tự trưởng thành thì con người phải học tập. Tri thức thì vô tận còn sự tồn tại của con người thì ngắn ngủi. Chúng ta không bao giờ có thể học hết được những gì có trong cuộc sống này. Trong khi, mỗi con người đều cần có rất nhiều kiến thức để sống và làm việc thành công còn những gì được giảng dạy ở trường học là quá ít ỏi. Nếu không biết tự giác học tập, tự bồi dưỡng những kiến thức mình cần có thì không thể tiến bộ và thành công hơn người khác được.
    Người tự giác học tập sẽ luôn chủ động, tích cực trong mọi nhiệm vụ học tập. Chủ động vượt qua khó khăn, đạt kết quả học tập tốt và luôn tràn đầy niềm tin tưởng. Bởi khi tự giác trong học tập ta sẽ chủ động tiếp cận và lựa chọn những tri thức cần thiết và phù hợp với bản thân. Cái gì phù hợp đều khiến ta thích thú. Việc tiếp nhận tri thức ấy cũng trở nên dễ dàng hơn. Càng có nhiều tri thức, con người càng tự tin và mạnh mẽ. Đúng như Lenin đã nói: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức, người đó có sức mạnh”.
    Học sinh có ý thức tự giác trong học tập sẽ luôn không ngừng tiến bộ. Người xưa từng nói rằng việc học cũng giống như con thuyền đi trên nước, không tiến lên tất sẽ lùi lại. Học tập mọi lúc, mọi nơi giúp ta không ngừng tích lũy tri thức. Như đại dương luôn được tiếp nước từ trăm nghìn dòng sông không bao giờ vơi cạn. tri thức con người cũng cần bồi đắp từng ngày để không ngừng nhiều thêm. Nếu quá trình ấy dùng lại, con người sẽ lạc hậu và bị phủ nhận trong cuộc sống này.
    Người Nga thường nói: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”. Người có ý thức tự giác trong học tập luôn được bạn bè tin tưởng, thầy cô yêu mến, ba mẹ vui lòng. Bởi tự giác trong học tập ta sẽ luôn đạt được thành tích tốt đẹp. Bản thân ta trở thành tấm gương sáng cho bạn bè noi theo. Mỗi thành tích của học sinh là kết quả giáo dục từ thầy cô và cha mẹ. Và đó cũng là kết tinh những giá trị tích cực, vững bền của cả xã hội.

    Học sinh cần rèn luyện ý thức tự giác trong học tập như thế nào?

    Trước hết là có ý thức phấn đấu trong học tập và học tập tự giác. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Quyết liệt thực hiện ý thức tự giác trong học tập. Luôn đặt ra kế hoạch học tập cụ thể, đúng đắn và phù hợp với năng lực bản thân. Đồng thời kiên trì thực hiện kế hoạch học tập ấy đến cùng. Xác định rõ ràng mục đích trong học tập, năng động, sáng tạo hướng đến tương lai.
    Ở trên lớp, chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi bài đầy đủ. Tích cực suy nghĩ, thảo luận và phát biểu xây dựng bài. Phấn đấu hiểu và thuộc bài ngay trên lớp. Giúp đỡ bạn bè cùng nhau tiến bộ
    Khi ở nhà: tích cực làm bài luyện tập, đọc sách, tự làm các bài thực hành, thực tế quan sát cuộc sống

    Tuyên dương:

    Có nhiều học sinh có ý thức tự giác trong học tập. Không ngừng tiến bộ, đạt thành tích cao trở thành niềm tự hào của bạn bè, thầy cô và cha mẹ

    Phê phán:

    Có nhiều học sinh không có ý thức tự giác trong học tập. Họ lười biếng, trốn tránh việc học, kết quả học tập yếu kém khiến thầy cô lo lắng, cha mẹ buồn lòng. Những người như thế thật đáng chê trách.

    Bài học:

    Rèn luyện ý thức tự giác trong học tập là trách nhiệm của mỗi học sinh
    • Kết bài:
    Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Việc học tuy khó khăn nhưng nếu kiên trì, tự giác trong học tập, nhất định đạt đến thành công
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài làm 2:
    • Mở bài:
    Học tập đối với con người như ánh sáng đối với cây cỏ. Không có ánh sáng, cây cối không thể xanh tươi. không học tập, con người mãi mãi chìm đắm trong bóng tối đầy sợ hãi. Chỉ có con người mới có khả năng học tập một cách tự giác. Không tự giác trong học tập không thể tiến bộ được. Tự giác trong học tập là một phẩm chất quý báu cần có ở mỗi con người.
    • Thân bài:
    Tự giác trong học tập là tự mình thực hiện tốt các công việc học tập mà ko cần ai nhắc nhở. Học tập là 1 nhiệm vụ gian khó và dài lâu, muốn chiếm lĩnh tri thức con người phải biết tự học , tự rèn luyện bản thân trưởng thành. Học tập là một quá trình tự giác xuất phát từ nhu cầu ý muốn của mỗi người.
    Học tập mang lại cho học sinh rất nhiều lợi ích: cung cấp nguồn tri thức vô tận , kết nối bản thân và thế giới, giúp con người thành công trong cuộc sống. Người tự giác học tập sẽ luôn chủ động, tích cực trong mọi nhiệm vụ học tập. Chủ động vượt qua khó khăn, đạt kết quả học tập tốt và luôn tràn đầy niềm tin trong cuộc sống. Học sinh có ý thức học tập sẽ luôn tiến bộ, đuợc bạn bè tin tưởng, thầy cô yêu mến ba mẹ vui lòng. Tự giác trong học tập thể hiện tính tự lập của con người. Đó là nguồn gốc của ý chí nghị lực và niềm tin giúp con người vượt qua khó khăn trỗ ngại và chiến thắng sau này.
    • Kết bài:
    Khổng Tử, người thầy vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc từng nói: “Nhỏ không chăm lo học tập, lớn lên chẳng thể làm được gì”. Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc cũng nhắc nhở: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt lõi”. Bởi thế, rèn luyện ý thức tự giác trong học tập phải là trách nhiệm của học sinh. Học sinh không lo chăm học tập chẳng khác nào tự mình từ chối một món quà quý giá nhất của cuộc đời.