Biểu cảm về loài cây em yêu: cây tre - Bài làm 1 Bài làm: Từ bao đời nay cây tre đã có mặt hầu hết các nẻo đường đất nước Việt và gắn bó chung thuỷ với cộng đồng dân Việt Nam. Đặc biệt trong tâm trí của người Việt, cây tre chiếm một vị trí quan trọng, sâu sắc hơn cả - được xem là biểu tượng của người Việt và đất Việt. Từ hồi còn bé, tôi còn nhớ bài thơ về cây tre Việt Nam. Nước Việt Nam xanh muôn vàng cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quí nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa, trúc. Tre xanh xanh tự bao giờ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh... Cây tre, nứa, trúc... và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ lúa. Tre có thân rễ ngâm, sống lâu hiện ra các chồi gọi là măng, thân ra hoá mộc có thể cao đến 10-18m, ít phân nhánh mỗi cây có khoảng 30 đốt... Cả đời tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre bật ra hoa. Cùng với cây đa bến nước sân đình – một hình ảnh quen thuộc thân thương của làng Việt cổ truyền thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm với người Việt. Tre hiến bóng mát cho đời và sẵn sàng hi sinh tất cả từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống. Cây tre gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đất nước lớn lên khi dân ta biết trồng tre đánh giặc không phải ngẫu nhiên sự tích cây tre thân vàng được người việt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - hình ảnh gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kì đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Mặt khác, hình tượng cậu bé Gióng vươn vai hoá thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan tới sự phát triển của cây tre. Trải qua nhiều thời ki lịch sử các luỹ tre đã trở thành pháo đài xanh vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai. Tre thật sự trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vong góp phần rất lớn đánh đuổi quân xâm lược để giành lại hoà bình cho dân tộc: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Đã không ít tác phẩm viết về cây tre như Cây tre Việt Nam của Thép Mới và bài thơ Tre Việt Nam của thi sĩ Nguyễn Duy... Tre còn góp mặt trong làn điệu dân ca, điệu múa hầu hết trên đất nước và là chất liệu cần thiết để làm các nhạc khí dân tộc như sáo kèn. Tre đi vào cuộc sống của mỗi người và đi sâu vào tâm hồn Việt. Mỗi khi xa quê lữ khách khó mà quên luỹ tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm... hình ảnh của tre gợi nhớ về làng quê mộc mạc, con người Việt Nam thanh tao, giản dị mà chí khí. Có thể thấy rằng bản chất, bản lĩnh của người Việt và văn hoá việt có nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre. Tre không mọc riêng rẽ mà tạo thành luỹ tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng ở người Việt. Tre gắn bó với người Việt như thế đấy. Trong đời sống cần quí trọng cây tre hơn. Ở Hà Nội, tre không còn nhiều. Giờ Hà Nội mở rộng lại bát ngát các vùng quê, chiều về khóm rơm không còn quấn quýt bên tre nhưng tôi lại thấy cây tre luôn vươn thẳng gắn bó với người dân.
Biểu cảm về loài cây em yêu: cây tre - Bài làm 2 Bài làm: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ reo”. Nơi tôi sống chẳng gọi là làng cũng không có tiếng chuông nhà thờ vào mỗi chiều, chỉ có bóng tre xanh mát rượi những trưa hè. Đó là một vùng quê rợp một màu xanh bát ngát của tre và du dương trong tiếng sáo diều vi vút. Nhớ ngày ấy, tôi là một đứa trẻ chạy theo những cánh bướm chập chờn trên đồng. Tôi thích thú được sống ở quê ngoại hơn là ở nhà mình nơi thành phố. Nhà ngoại tôi trồng rất nhiều tre, trúc. Những khóm tre cao vút thẳng đứng như những mũi tên nhọn đâm thẳng lên trời. Yêu làm sao cái dáng thẳng của tre dù chịu bao gió bão, cái dáng ấy làm tôi nhớ đến hình dáng cậu tôi, mợ tôi những người suốt đời lam lũ. Tôi thấy thương cho những chòi non vừa mới nhú, chúng cũng phải chịu gió mưa như cha mẹ mình. Nếu nói cây cũng có tình mẫu tử thì cây tre cũng không ngoại lệ. Chỉ duy chiếc áo cộc, tre cũng nhường hết cho con. Tôi hiểu tại sao những búp măng lại mọc thẳng, có lẽ vì nó được cha mẹ, ông bà truyền lại đức tính ngay thẳng của mình. Giữa trưa hè, tre xoè những chiếc lá thon dài như ngón tay xinh xinh của cô thiếu nữ để che mát cho người. Chẳng bao giờ chịu sống riêng lẽ, tre luôn mọc thành khóm, thành luỹ, hết lớp này đến lớp khác như một bức tường rào vững chắc. Người ta bảo tre là loài cây ra hoa chậm nhất trên thế giới. Nhưng với chúng tôi, những người dân làng quê chẳng cần quan tâm chuyện tre ra hoa bởi vì lợi ích mà loài cây này mang lại vốn đã rất nhiều. Chúng tôi lấy thân tre làm thành những bộ bàn ghế, tre làm phên vách, tre làm cột, kèo xây nhà. Các chị khéo tay chuốt từng thanh gỗ tre thành đũa. Các bà thì lấy tre đan thành rỗ, thúng... Nhờ tre mà nhiều gia đình quê ngoại tôi có thêm tiền trang trải sinh hoạt. Tre gắn bó với dân quê như thế, tre như người mẹ, người bạn, người thân của chúng tôi. Với lũ trẻ quê, tre là đồ chơi là cả một kho báu. Chúng tôi lấy tre làm lồng đèn trung thu, làm diều, làm nón... Tôi thích nhất là câu cá bằng cần câu tre, vừa dài vừa nhẹ lại không sợ chìm. Ôi những luỹ tre chạy dài khắp xóm, cây tre nào đã mang ước mơ tôi giấu trong cánh diều trắng. Cây tre nào dạy tôi bài học làm người với từng ngọn roi ba đánh. Cây tre nào chở tôi qua con sông để đến trường?Tôi nhớ có một lần trốn học, bà giận lắm mang roi ra đánh, tôi trốn trong bụi tre gai sau nhà. Bà tìm cả ngày trời không gặp đã gọi ba mẹ tôi từ thành phố về và nhờ hàng xóm tìm giúp. Trong bụi tre kín đáo ấy, tôi mải mê ngủ như một chú chim trong tổ. Đến chập tối tìm đường ra nhưng vướng phải gai tre không thể nào ra được. Tôi khóc và thét lên làm mọi người phải chặt bỏ tre để mang tôi ra. Sau lần ấy tôi chẳng bao giờ dám trốn học nữa vì thương bà lo lắng và thương cả những bụi tre chịu đau đớn vì tôi. Hôm nay tôi đã lên thành phố, thế nhưng tôi vẫn không muốn rời xa loài cây yêu quý của mình. Tôi xin ngoại một măng tre non và trồng nó trước nhà. Măng tre của tôi giờ đã lớn và mọc những chòi non bên cạnh. Rồi chúng sẽ làm thành khóm tre xanh mướt. Tre ơi! Tre phải sống thật khoẻ mạnh và xanh tươi nhé. Tôi sẽ cùng tre đi qua những tháng ngày tuổi trẻ tươi đẹp và cùng vươn lên ánh mặt trời.