Cảm nhận bức tranh phố huyện và hình ảnh con người qua cảm nhận của nhân vật Liên

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Khác với các nhà văn đương thời cố đi tìm những điều mới mẻ hoặc lớn lao, khác thường, Thạch Lam một mình lặng lẽ tìm về với những giá trị nguyên sơ vốn bị chìm khuất trong cuộc đời tàn lụi. Ông cũng không cố công kết cấu những câu chuyện hoàn chỉnh, bởi với Thạch Lam, cuộc đời chưa bao giờ là hoàn chỉnh. Truyện của ông thường không có cốt truyện đặc biệt. Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Phong cách ấy thể hiện rõ nét trong tác phẩm Hai đứa trẻ. Bức tranh phố huyện u buồn, cô tịch và hình ảnh con người hiu hắt, mòn mỏi được gợi lên thật cảm động qua cái nhìn của nhân vật Liên.
    • Thân bài:
    Thạch Lam thường đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh nhưng rất tinh tế. Ông rất chậm rãi và nhẹ nhàng đi vào thế giới nội tâm sâu thẳm của nhân vật như sợ gây ra tiếng động làm đổ vỡ thế giới ấy. Ông chắt chiu từng chút một, đứng ngắm nhìn thật lâu một trạng thái, một chuyển biến cho đến khi nó dứt hẳn mới thôi. Bởi thế, đọc truyện Thạch Lam, người ta chỉ cảm nhận bằng tâm hồn, bằng tất cả các giác quan, chứ ít khi có thể tóm tắt mạch lạc toàn bộ diễn biến của cốt chuyện.

    Hai đứa trẻ có kết cấu thật đơn giản. Đơn giản ở chi tiết và kết cấu nhưng lại phức tạp ở chiều sâu suy nghĩ. Truyện chỉ kể lại hình ảnh hai đứa trẻ ngồi trên chiếc chõng nát ngắm nhìn phố xá chìm dần vào đêm tối, tuy “đã buồn ngủ ríu cả mắt” nhưng vẫn cố thức để đợi chuyến tàu đêm đấy ánh sáng vụt qua rồi mới khép cửa hàng đi ngủ. Ai có tâm hồn hời hợt hẳn sẽ không thích cái kiểu kể chuyện lòng vòng, nhạt nhẽo ấy. Thế nhưng, tác phẩm đã gây được sự chú ý và làm rung động biết bao tâm hồn. Điểm cốt yếu đó là, Thạch Lam đã khéo léo nắm bắt tâm hồn người đọc ngay khi họ mới chạm bước chân đầu tiên vào thế giới trong truyện.

    Dưới ngòi bút Thạch Lam, Hai đứa trẻ không hề nhạt nhẽo, trái lại rất ám ảnh, thấm thía, đầy dư vị với cảm xúc buồn thương và giọng thủ thỉ trầm lắng, thiết tha.

    Tác phẩm mở đầu bằng một bức tranh buổi chiều tàn nơi phố huyện sinh động như một bài thơ về quê hương quen thuộc mà rất thi vị. Buổi chiều không tàn đi vô nghĩa mà động lại trong từng chữ, từng câu, bám chặt lấy mặt đấy, dẫn bước con người vào thế giới thanh bình của cảnh vật. Ngòi bút tinh tế và tạo hình của Thạch Lam chỉ chấm phá vài nét mà đã vẽ được một bức tranh rất sinh động với đủ đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị, đưa độc giả trở về khung cảnh êm ả, thị vị mà đượm buồn, thân thiết của quê hương, làng mạc, của nông thôn Việt Nam muôn đời. Nó khơi gợi trong tâm hồn con người một tình cảm gắn bó thiết tha với miền quê lam lũ. Nơi ấy không chỉ có những cảnh sắc thanh bình, thơ mộng, êm đềm mà còn có cả những mảng đời cơ cực, tăm tối.

    Sức dồn nén của một tác phẩm truyện ngắn là ở những chi tiết nghệ thuật đầy sức nặng. Thạch Lam lại làm một cuộc đảo ngược đầy thú vị. Ông lặng lẽ tìm tòi trong ngổn ngang chất liệu mà người ta không màn để tâm đến. Nhà văn ấy đã lặng lẽ mỉm cười khi phát hiện ra những hạt bụi vàng trong ngổn ngang đất đá. Hai đứa trẻ không có những tình tiết ly kỳ, gây cấn nhưng ít có những người dám cam đoan thấy tâm hồn nhẹ tênh, vô hồn, không cảm xúc khi một lần bước qua thế của cái phố huyện nghèo và lặng lẽ ấy.

    Hai đứa trẻ trong truyện ngắn của một ngày từ chiều tàn tới đêm khuya. Khung cảnh của câu chuyện chỉ vận động qua ba mảng màu sáng – tối: chiều tàn – chợ tan – đêm tối. Ấy vậy nó vẫn để lại trong lòng độc giả biết bao thế hệ những ám ảnh đến lạ lùng. Như thế, sức hấp dẫn của thiêng truyện này đâu phải được tạo ra từ những chi tiết nghệ thuật ly kỳ, lôi cuốn. Cái hấp lực vô cùng mạnh mẽ trong Hai đứa trẻ hóa ra lại thoát ra từ chính hơi ấm của tình người lan tỏa trong truyện.

    Ai có thể cầm lòng không cảm xúc khi đọc những dòng văn như thế: “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran từ ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn Buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.

    Hóa ra, tâm trạng của nhân vật Liên trong buổi chiêu tàn nơi phố huyện cũng chính là của chúng ta trước khoảnh khắc sự sống ban ngày bắt đầu tàn lụi, ánh sáng nhường chỗ cho bóng tối, chia ly nhường chỗ cho sum họp, tha hương nhường chỗ cho trở về.. Văn chương giúp níu giữ trong ta những xúc cảm của tình người; giúp Đánh thức phần sâu thẳm của tâm hồn mà bấy lâu ta không thể thốt lên. Hai đứa trẻ dù không có cốt truyện hấp dẫn nhưng vẫn đủ sức thu hút người đọc là bởi nó giúp níu giữ và đánh thức những phần hồn như thế.

    Như một vị khách bộ hành bền bỉ kiếm tiềm, gom nhặt và kế nối thành những vần thơ từ cuộc đời bình dị, Thạch Lam đã khẽ khàng nhắn nhủ tới tất cả chúng một thông điệp: Cái đẹp của cuộc sống có thể bắt gặp từ những cảnh vật, những con người rất đỗi bình thường mà chúng ta không hề để ý.

    Cảnh vật của buổi chiều tàn lụi làm đọng lại trong ta dư vị của nỗi u hoài thường trực. Nhưng quan trọng hơn, nhói lòng ta mãi bâng khuâng thương nhớ một miền quê có “tiếng trống thứ không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một văng ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây anh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và các hình rõ rệt trên nền trời.

    Quê hương nước Việt muôn đời nay vẫn đẹp dịu dàng êm ả và yên tĩnh như tâm hồn Liên, một cô gái mới lớn tinh tế và nhạy cảm đầy sự trân trọng và nâng niu một mảnh hồn của làng quê thân thuộc. Tiếng ếch nhái, tiếng muỗi kêu vo ve Như một dàn đồng ca hòa mình vào thinh không, nhắc nhở mỗi chúng ta về sự trân trọng và níu giữ tình yêu với quê hương, xứ sở.

    Làng quê trong hai đứa trẻ nghèo nàn, vắng người, vắng tiếng nhưng vẫn khơi dậy trong lòng ta những cảm xúc chân thành: “Trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm ru như nhung và thoảng qua gió mát. Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm, bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ , nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về vầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tý”.

    Thạch Lam đã làm thức dậy trong mỗi chúng ta về một miền kí ức xa xăm trong tuổi thơ diệu vợi. Ngắm bầu trời đêm, tìm sông Ngân Hà, dõi theo con vịt bước sau ông Thần Nông,… liệu có ai đã không từng có những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ như thế? Hai đứa trẻ đánh thức trong ta ấn tượng về cái đẹp thăng hoa từ những hình ảnh bình thường, nhỏ nhặt. Nó nhắn nhủ tất cả chúng ta hãy trân trọng và níu giữ hồn quê. Bởi đó cũng chính là hồn người, hồn nước, hồn của những con người mãi chung tình với quê hương, xứ sở.
    • Kết bài:
    Đọc Hai đứa trẻ, những tâm hồn đa sầu, đa cảm, nặng lòng với đất, với người, với quê hương sẽ không khỏi cảm thấy bồi hồi, thổn thức. Bức tranh phố huyện hắt hiu và hình ảnh con người với những kiếp người mỏi mòn như tiếng mọt kêu thổn thức trong buổi chiều tàn tạ, nhưng in đậm trong lòng người đọc bởi một trái tim nồng ấm yêu thương.