Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Liên trong buổi chiểu tàn nơi phố huyện

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Trong nền văn học Việt Nam thế kỉ 20, Thạch Lam thực sự đã thực hiện một cuộc hành trình đơn độc trong thế giới văn chương. Khác với các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn với phong cách nồng nhiệt và mạnh mẽ đổi mới, Thạch Lam âm thầm trở về với sự hồn hậu của làng quê và những xức cảm tinh vi, nhỏ bé. Ông trân trọng từng cảm xúc nảy nở và cố gắng diễn đạt nó bằng tất cả sức mạnh của ngôn ngữ. Bởi thế, cái thế giới vốn không ai để ý đến đã được Thạch Lam khám phá một cách trọn vẹn, tinh tế và tài hoa. Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một thành công đặc sắc của lối văn chương ấy. Tâm trạng của nhân vật Liên trong buổi chiểu tàn nơi phố huyện đã được nhà văn đặc tả bằng một lối văn chương mềm mại, nâng niu và trân trọng.
    • Thân bài:
    Thạch Lam đã rất chú tâm khi miêu tả tâm trạng của chị em Liên trước bức tranh chân thực về đời sống phố huyện nghèo lúc chiều tối. Ngoài việc mở ra bức tranh thiên nhiên, còn đi sâu vào tái hiện bức tranh chân thực về đời sống phố huyện nghèo. Qua bức tranh đó, ngòi bút nhân đạo, cái nhìn tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của Thạch Lam mới có dịp phát huy đầy đủ nhất.

    Khác với các nhà văn khác, Thạch Lam không hướng ngòi bút vào cái hiện thực khắc nghiệt đương thời. Có lẽ, ông đã cảm thấy nó quá đủ làm con người đau khổ. Ông cũng không lảng tránh hiện thực ấy mà phản ánh mặt bề sâu của nó: tìm kiếm những rung động tinh tế còn sót lại trong tâm hồn đầy khổ nhục của con người.

    Hiện thực cuộc sống trong tác phẩm của Thạch Lam không phải là sự cày xới ngổn ngang những mảnh đời đau thương, bi đát, quằn quại như cuộc đời nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Trọng Phụng,… Hiện thực trong tác phẩm của Thạch Lam được thể hiện qua những chi tiết bình thường, giản dị như trên nhưng lại có sức ám ảnh đặc biệt cho tâm hồn người đọc. Chính số phận quẩn quanh, bế tắc của những kiếp người tàn, bức tranh của ngày tàn đã như thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của Liên, gây cho Liên một nỗi buồn man mác.

    Thạch Lam đi sâu vào khai thác bức tranh tâm trạng nhân vật trước hoàn cảnh. Nhìn bề ngoài, nó tĩnh lặng như không có gì nhưng kì thực đang vận động mạnh mẽ ở bên trong. Và bước cuối cùng đạt đến sự chuyển hóa và thăng hoa mãnh liệt.

    Mở đầu tác phẩm là bức tranh bầu trời chiều muôn thuở của làng quê Việt Nam. Buổi chiều trôi đi như những tiếng chuông đồng hồ điểm từng tiếng chuông thảng thốt: “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran từ ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Liên như cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian và ánh sáng chiều tàn buông trên không gian phố huyện. Bởi cô đã sống với nơi đây bằng tất cả trái tim mình.

    Cuộc sống con người phố huyện trong thế giới “chìm chìm, nhạt nhạt” và vắng lặng của buổi chiều tối được dựng lên bằng những nét kí hoạ rất chân thực, được nhà văn gửi gắm qua cái nhìn ngây thơ của chị em Liên. Trong con mắt của hai đứa trẻ, từ cảnh vật cho đến cảnh sinh hoạt nơi phố huyện, đâu đâu cũng gợi lên sự tàn tạ, quẩn quanh, bế tắc. Bóng tối chiếm ngự cả không gian lẫn tâm hồn. Những cái nhìn ngẩn ngơ, mờ mịt, buồn rười rượi đến tê lòng.

    Cái cảm giác buồn man mác: “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi của cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi của đất, của quê hương này” thực sự được thăng hoa từ một tâm hồn đầy tinh tế.

    Đi liền với hình ảnh chiều tàn, chợ tàn là hình ảnh những kiếp người tàn như là linh hồn ủ rủ. Đây chính là đỉnh cao trong miêu tả cảnh quan bức tranh chân thực về đời sống ở phố huyện nghèo. Trong khung cảnh chiều tàn, phố huyện tiêu điều sau phiên chợ vãn người, cuộc sống sinh hoạt vất vả, đơn điệu của những người dân nghèo khổ lam lũ hiện lên đáng thương biết bao.

    Chợ vãn, chiều buông là một thời gian buồn thảm của một ngày. Nhưng với Liên không thế. Cô bé ấy không nghĩ nhiều về sự tàn lụi. Liên chỉ lặng lẽ sống với buổi chiều phố huyện bằng cả tâm hồn mình: lặng lẽ ngắm nhìn cuộc mưu sinh của lũ trẻ con nhà nghèo bằng cả trái tim trắc ẩn. Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi “chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì có thể dùng được của người bán hàng để lại”.

    Dường như gánh nặng cuộc đời cũng đang đè nặng lên đôi vai chúng. Cái vô tư, hồn nhiên, tinh nghịch vốn có ở những đứa trẻ đã sớm mất đi bởi đời sống khốn khổ, tàn tạ nơi phố huyện. Những kiếp đời hắt hiu, nhỏ bé và cô độc đến đáng thương không khỏi khiến Liên thấy chạnh lòng lo lắng vẩn vơ.

    Rồi đến gia đình chị Tý, một gia đình nhỏ bé lẩn chìm trong cuộc đơi. Những chén trà bán được bồi đắp cho niềm vui. Sự chắt chiu vụn vặt làm nên cuộc sống mẹ con chị. Tuy khó khăn vất vả nhưng cũng có nơi để đi về và làm những công việc đều đặn và quen thuộc.

    Cùng với số phận của chị Tý là số phận của bác phở Siêu với gánh hàng phở leo lét ánh lửa. Đó là thứ hàng dù ngon nhưng “là một thứ quà xa xỉ” với người dân phố huyện nhưng vẫn không mấy được hào hứng đón nhận.

    Và cả gia đình bác Xẩm nữa. Dù không nhìn thấy bóng tối của bầu trời nhưng bóng tói của cuộc đời đã luồn sâu vào số kiếp ấy. Nó kết đọng lại trong tiếng dàn bầu róe rắt gợi lên cảm giác đơn điệu, hiu hắt của một cuộc đời tàn lụi.

    Cả phố huyện giờ chỉ thu nhỏ vào cái ngọn đèn con leo lắt ấy, còn xung quanh, bóng tối làm chủ tất cả “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Tất cả mấy đốm sáng, hột sáng thưa thớt tù mù. Những hột sáng nhỏ nhoi ấy chẳng thể làm cho đêm sáng ra, mà trái lại càng khiến cho đêm tối thêm mịt mùng dày đặc.

    Đi vào những số phận nhỏ bé, những cuộc đời thường của người dân trên phố huyện, Thạch Lam đã nhóm lên ở đó chất thơ của đời thường, chất thơ của lòng trắc ẩn, của sự đồng cảm, chia sẻ nhân đạo. Tất cả những nghịch cảnh ấy trải dài trước mắt Liên bao ngày. Nó cứ lặp đi lặp lại một cách quen thuộc và buồn chán. Và mỗi ngày một buồn hơn.

    Thế nhưng, Liên đã kịp thanh lọc tất cả qua tầm hồn đầy rung cảm và mơ mộng của mình. Phố huyện dẫu nghèo nhưng dưới mắt Liên vẫn rất đẹp, vẫn nên thơ. Bởi cô đã dành cho nó một tình yêu máu thịt. Cái mùi âm ẩm của đất đai, của cát bụi vẫn gieo lại ở Liên ấn tượng sâu đậm về mùi riêng của đất, của quê hương, xứ sở. Bởi nó là tình yêu thương, sự gắn bó, là chốn đi về của tâm hồn cô.

    Khi màn đêm dần buông trên phố huyện, ánh mắt của Liên vẫn âm thầm dõi theo cuộc mưu sinh của những con người nhỏ bé trong đêm tối đầy cảm thông và chia sẻ. Nỗi thương ấy vừa dáng quý, đáng thương và thật đáng trân trọng. Bởi cô cũng chẳng khác gì họ, đang vật lộn với cuộc đời đầy vất vả, cơ cực, mỏi mòn, tù động và trống vắng những niềm vui.

    Liên bâng khuâng nhớ về “Hà Nội nhiều đèn quá, tạo nên một vùng sáng rực và lấp lánh”. Nhưng giờ đây, ánh sáng ấy chỉ là bóng mờ kí ức trong đêm. Cô lặng lẽ lắng tâm hồn mình quay ngược thời gian trở về với phố thị phồn hoa, rực rỡ để cố tìm lại những kỉ niệm xa xam vời vợi.

    Hà Nội có đầy đủ âm thanh, sắc màu. Hà Nội có cuộc sống vui vẻ, nhộn nhịp. Hà Nội có những thứ sa sỉ mà ở cái phố huyện nghèo này không có. Liên và An ngửi thấy mùi phở thơm và nhớ lại khi ở Hà Nội “chị được hưởng những thứ quà ngon lạ như thế… được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”.

    Có lẽ cái cảnh chờ đợi chuyến tàu đến đi qua của những con người nơi phố huyện là đoạn miêu tả đặc sắc nhất trong tác phẩm. Liên cùng những người bán hàng rong xung quang gắng đợi đoàn tàu qua phố huyện. Một sự chờ đợi đầy chán chường bởi họ biết sẽ không có gì mới khi đoàn tàu chạy qua. Bóng tối sẽ trở về với bóng tối. Cuộc đời vẫn lầm lụi, hiu hắt và buồn thương. Thế nhưng, trong khoảnh khắc bừng sáng hiếm hoi ấy, họ đã kịp gửi tâm hồn mình theo những ước mơ xa xôi về một cuộc sống nhiều cung bậc, nhiều thanh âm và ánh sáng.

    Trong bối cảnh của bức tranh phố huyện tối tăm, tù túng, vốn là người có trái tim rất nhạy cảm nên Liên đã để lại cho tâm hồn mình vượt ra khỏi hiện thực ngột ngạt, vươn tới một giấc mơ, một khát vọng khác với cảnh sống nghèo nàn, tăm tối, bế tắc hiện tại. “Muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng trong đêm”.

    Liên khát khao, khắc khoải, háo hức chờ mong một sự đổi thay. Liên khao khát một cái gì khác thường khuấy động cái không khí đơn điệu, buồn tẻ, quẩn quanh, tù túng, lụi tắt dần trong đêm tối. Con tàu như đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn chị Tý và ánh lửa bác Siêu leo lắt giữa cái đêm tối mênh mông của đất trời phố huyện. Liên hân hoan, ngây ngất ngắm nhìn chuyến tàu đó.

    Chuyến tàu đi qua. Miền quê lặng lẽ lại đi vào cái tĩnh mịch vốn có. Nó lại trầm tư như chưa từng có gì xảy đến. “Sao trên trời vẫn lấp lánh, cả phố huyện bây giờ mới thật là hết náo động, chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn ma”.

    Có lẽ, bây giờ chỉ còn mình Liên thao thức với một tâm hồn mang nặng nỗi niềm u uẩn. Tâm hồn cô nán lại lay lắt cùng ánh đèn dầu của chị Tý. Ánh đèn nhỏ nhoi, mông lung, vô định trong tâm hồn thơ dại của Liên. Ánh sáng cùng tâm hồn cô bây vụt vào bóng tối khi đoàn tàu vội qua, để chìm vào giấc ngủ yên tĩnh. một giấc ngủ yên tĩnh như đêm phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối. Nó làm động lại trong ta biết bao suy nghĩ về thân phận con người trong một thời kì buồn thảm của lịch sử dân tộc. Nỗi bận bụi vô hạn mà nhà văn Nguyễn Tuân cảm nhận khi đọc hai đứa trẻ có lẽ cũng bắt nguồn từ chính những suy nghĩ về thân phận con người ấy chăng.
    • Kết bài:
    Tâm trạng của nhân vật Liên trong đêm tối và cuộc sống mòn mỏi nơi phố huyện nghèo nàn đã được nhà văn ghi nhận chân thực bằng tấm lòng yêu mến thiết tha. Người đọc vẫn sẽ tìm đọc Hai đứa trẻ để sống trọn vẹn một mảnh hồn của làng quê đất Việt. Quan trọng hơn, ta vẫn đọc Hai đứa trẻ để thêm trân quý cuộc sống xung quanh; để biết rằng cuộc sống có thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn tươi đẹp, vẫn nên thơ, vẫn mãi là một miền thương nhớ trong tâm tưởng. Bởi đơn giản, đó chính là tình quê hương chan chứa không bao giờ nguôi cạn.