Đề bài : Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi trên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba. (Mở rộng "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ Bài làm: Tôi là một cây lau nhỏ. Tôi sinh trưởng và lớn lên ở đây- bờ sông Hoàng Giang cũng được một thời gian rồi. Một ngày cũng như mọi ngày, sau một đêm say giấc, khi trời mới tảng sảng, những đám mây màu xám đục đang chuyển mình sang sắc hồng phơn phớt, tôi bỗng nghe thấy có tiếng khóc nức nở, phẫn uất đâu đây. Nhìn kỹ lại, tôi thấy một bóng người, hình như là một người phụ nữ đang tiến đến gần bụi lau mọc sát bờ sông, gần chỗ của tôi. Người ấy tiến lại mỗi lúc một gần, khuôn mặt ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Người phụ nữ ấy không phải ai xa lạ, tôi liền nhận ra nàng, đó chính là Vũ Nương, người phụ nữ xinh đẹp, nết na ở trong làng. Nàng vẫn thường đưa cậu con trai ra bờ sông này mỗi ngày, khi thì giặt giũ, khi thì cho con trai dạo chơi, khi thì nàng ra đây ngồi một mình suy nghĩ điều gì đó, mà tôi nghĩ là nàng nhớ chồng, vì chồng nàng đang đi đánh giặc xa nhà. Vậy nhưng chưa bao giờ tôi thấy nàng như hôm nay. Sao nàng lại khóc lóc bi thương, nhìn có vẻ oan ức thế kia? Người nào nỡ làm điều gì không tốt với nàng hay sao? Nàng tiến đến, ngồi xuống trên đám cỏ vẫn còn ướt đẫm sương sớm, rồi nàng gục mặt vào hai bàn tay, khóc nức nở. Nhìn đôi vai gầy dịu dàng của nàng rung lên từng nhịp, tôi thấy thật tội nghiệp, đáng thương. Khóc lóc nức nở một lúc, nàng bỗng đứng bật dậy, nhìn lên trời cao mà khóc than: – Trời cao đất dày, xin hãy làm chứng cho tấm lòng thủy chung, son sắt của tôi, Vũ Nương. Tôi lấy chồng mà chưa kịp tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc thì chồng đã phải đi lính xa nhà. Tôi một lòng một dạ chờ chồng, chăm sóc cho mẹ già, con thơ, giữ gìn tiết hạnh, nào có dám làm điều sai trái. Ấy vậy mà hết chiến tranh, chẳng những chưa được một ngày vợ chồng sum họp, đẫ phải chịu nỗi ô nhục không chung thủy, giữ gìn tiết hạnh lúc chồng vắng nhà. Nào tôi có làm gì sai, chỉ vì lời dỗ dành đứa con thơ lúc nhớ cha, mẹ con cô quạnh mà chỉ lên bóng hình in trên vách nói rằng: “ Cha Đản về kìa” mà nên nỗi. Chồng tôi vốn sẵn tính đa nghi, nghe con nói mà hắt hủi, buộc tội tôi ăn ở hai lòng. Nay xin có thần linh chứng giám. Nếu tôi đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ. Nói đến đây, nàng vội vàng leo lên mỏm đá cao bên cạnh sông, rồi gieo mình xuống nước tự vẫn. Trời cao chứng giám cho tấm lòng thủy chung son sắt của nàng, vậy nên quyết định đưa nàng đến thủy cung, sống chung với Linh Phi. Tôi chứng kiến toàn bộ sự việc mà cảm thấy muôn phần bội phục, xúc động, thương cho người con gái ấy. Nghe nói rằng, sau khi nàng mất, chồng nàng và con trai ở với nhau, đến đêm khuya đứa trẻ chỉ lên bóng chàng trên vách mà nói : Cha Đản lại đến kìa. Lúc bấy giờ chàng mới hiểu ra, ân hận thì đã quá muộn màng. Vũ Nương sống khôn thác thiêng, hiện về báo mộng cho Trương Sinh bế con ra bờ Hoàng Giang gặp nàng. Trương Sinh theo lời vợ dặn, lập đàn giải oan cho vợ ở Hoàng Giang. Đúng như giấc mộng của chàng, Vũ Nương hiện lên giữa dòng, nói những lời thương nhớ, dặn Trương Sinh chăm sóc con thơ. Rồi nàng tan biến theo dòng sông. Trương Sinh chết lặng. Chàng biết rằng mình đã sai. Cảm thương cho người con gái ấy, dân làng đã lập miếu thờ nàng bên bến Hoàng Giang để hàng năm mọi người tưởng nhớ đến nàng.