Đọc truyện " Tấm Cám", em suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong cuộc đời xưa nay ?

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Đọc truyện " Tấm Cám", em suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong cuộc đời xưa nay ?

    Bài làm:
    Mỗi người dân Việt Nam không ai là chưa từng biết đến truyện cổ tích Tấm Cám. Đó là một câu truyện cổ tích với nhiều chi tiết đau thương, bi thảm, phản ánh rõ nét sự đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống. Từ truyện Tấm Cám, mỗi người đều sẽ rút ra cho mình một suy nghĩ riêng về thiện ác trong cuộc sống, dù là xưa kia hay hiện nay, thì cái thiện và cái ác luôn song hành.
    Đọc Tấm Cám, ta ấn tượng bởi phẩn đầu của truyện rất gần gũi và giống với cuộc sống của chúng ta: đó là bi kịch cuộc sống của Tấm với đầy nước mắt, một đứa trẻ mồ côi phải sống cùng một mụ dì ghẻ độc ác và người em gái cùng cha khác mẹ được nuông chiều nên bản tính xấu xa. Cô Tấm hiền lành phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối nhưng vẫn không được yên, vẫn bị mụ dì ghẻ đánh đập hành hạ. Còn Cám thì không phải làm gì, chỉ suốt ngày ăn trắng mặc trơn, không quan tâm đến mọi việc xung quanh thế nào. Không chỉ vậy, mẹ con Cám còn ghen ghét, đố kị, muốn giành được mọi thứ của Tấm. Vì thế nên chỉ một niềm vui nhỏ bé của Tấm là con cá bống, hai mẹ con Cám cũng giết chết, để cho Tấm không còn nơi trút bầu tâm sự mỗi ngày. Rồi mụ dì ghẻ trộn gạo và thóc lẫn nhau, bắt Tấm phải ngồi nhặt để nàng không được đi hội. Hành động này đã chỉ rõ thói ghen ghét xấu xa, nhỏ nhen của mẹ con Cám. Mụ dì ghẻ chắc mẩm rằng, dù Tấm có kịp đi hội thì nàng cũng không thể đi được, bởi nàng không có quần áo đẹp, chỉ có bộ quần áo rách mặc trên người mà thôi.
    Mụ dì ghẻ của Tấm thật đúng với câu ca dao chúng ta vẫn thường nghe:

    Mấy đời bánh đúc có xương
    Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
    Đó là chuyện thường thấy trong xã hội từ xưa đến nay. Dì ghẻ vẫn là những con người độc ác, không có tình thương, lòng bao dung vị tha đối với con chồng. Những người dì ghẻ như mẹ của Cám, là điển hình trong xã hội, và thường bị người đời khinh thường, căm ghét.
    Khổ sở là thế, nhưng cuộc đời của Tấm vẫn còn có hy vọng, nhờ sự xuất hiện giúp đỡ của Bụt, người đã khiến cho Tấm bớt khổ sở hơn. Bụt đã mang đến chú cá bống cho Tấm làm bầu bạn, rồi chính xương của chú cá bống đó đã trở thành quần áo đẹp cho Tấm đi chơi hội. Nhờ có Bụt mà Tấm có được tất cả, có được hoàng tử và được sống hạnh phúc suốt cuộc đời sau này. Bụt chính là hiện thân của cái thiện, là niềm mơ ước, khát khao của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng ta hãy biết ước mơ những gì chúng ta chưa có, chưa đạt được, và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Những mơ ước của Tấm được Bụt giúp đỡ trở thành hiện thực, cũng giống như niềm tin của con người trong cuộc sống, chỉ cần sống lương thiện, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ, gặp được may mắn và đạt được điều mình mong muốn.
    Phần tiếp theo của truyện, ta có thể nhận thấy cuộc đấu tranh không khoan nhượng của cái thiện và cái ác trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, càng về sau càng khốc liệt hơn. Hai mẹ con Cám tìm đủ mọi cách, bày mưu tính kế để hãm hại Tấm, không cho Tấm dành được vinh hoa phú quý và được sống hạnh phúc.
    Ngày Tấm về quê làm giỗ cho cha, mụ dì ghẻ lừa Tấm leo lên cây cau rồi ở dưới chặt gốc cau, khiến Tấm lộn cổ xuống ao mà chết. Sau đó mụ đưa Cám vào cung thay cho Tấm. Tấm chết cũng không yên lòng, hóa thành chim vàng anh đến bên vua, mang lại niềm vui cho vua mỗi ngày. Thấy thế, Cám liền bắt vàng anh giết thịt rồi đem chôn lông chim ở sau vườn. Chỗ lông chim đó mọc lên hai gốc xoan đào rất đẹp, nhà vua liền cho người mắc võng để nằm hóng mát bên gốc xoan đào. Cám cũng không để yên, liền cho người chặt cây xoan đào, lấy gốc đóng làm khung cửi. Nhưng mỗi lần Cám ngồi vào khung cửi thì chợt nghe thấy tiếng Tấm nguyền rủa mình:

    Cót ca cót két
    Lấy tranh chồng chị
    Chị khoét mắt ra!
    Sợ quá, Cám liền đốt khung cửi rồi đem tro đi đổ. Đống tro lại mọc lên cây thị xanh tốt, đơm hoa kết trái sum suê. Nhưng cây lại chỉ có một quả thị trên cành, tỏa hương ngào ngạt khắp nơi. Một bà lão hàng nước hiền lành đi qua, thị liền rụng vào bị bà…Và từ đây, cô Tấm hiền hậu, xinh đẹp được tái sinh, bước ra từ trong quả thị, khiến cho bà lão vui vẻ và thương yêu Tấm như con đẻ. Nhà vua cũng nhờ có trầu têm cánh phượng mà nhận ra Tấm, hai người trở về bên nhau sống hạnh phúc suốt đời.
    Có thể thấy, Tấm liên tục biến hóa trong mọi hoàn cảnh, dù có bị hãm hại thế nào Tấm cũng không chịu khuất phục. Đó chính là sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt của Tấm, cũng chính là sức sống, sự đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác, dù cho bất cứ thế lực tàn bạo, hung ác nào, con người ta cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Và cuối cùng, hai mẹ con Cám đã bị trừng phạt một cách thích đáng, bị chết một cách đau đớn, không ai thương xót. Đó chính là ác giả ác báo, người làm việc xấu không bao giờ có được một kết cục tốt đẹp, dù cho có dùng bất kỳ thủ đoạn gì đi nữa thì đến cuối cùng, cái thiện vẫn sẽ chiến thắng cái ác.
    “ Tấm Cám” thật sự là một câu truyện thể hiện rõ nét nhất cho sự chiến tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác. Từ “ Tấm Cám” chúng ta rút ra được rằng, cái thiện và cái ác từ bao đời nay vẫn luôn song hành với nhau, nhưng có một chân lý không thay đổi, đó là cái thiện luôn chiến thắng cái ác.v