Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giá trị hiện thực.

    Hai đứa trẻ phản ánh một cách chân thực cuộc sống lam lũ của những người lao động nghèo, những kiếp người tàn tạ chìm khuất trong bóng tối. Đó là những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh. Đó là hàng nước của mẹ con chị Tí, là gánh hàng phở Bác Siêu, là gia đình bác Xẩm nghèo và cả hai chị em Liên và An…Tất cả được tái hiện một cách tinh tế, sinh động dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam.

    Bức tranh phố huyện nghèo trong tác phẩm đậm chất trữ tình. Khác với bức tranh hiện thực khách quan trong trào lưu hiện thực, bức tranh đời sống trong “Hai đứa trẻ”được cảm nhận chủ yếu qua cảm xúc và tâm trạng của nhân vật. Mặt khác, Thạch Lam viết về cuộc sống chủ yếu qua kí ức tuổi thơ của mình. Trang đời đã hóa thành trang văn, do vậy màu sắc trữ tình có phần đậm nét hơn.

    Đánh giá: Sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và trữ tình là một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Thạch Lam. Điều đó đã tạo nên những trang văn vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa giàu chất thơ cho “Hai đứa trẻ”.

    Giá trị nhân đạo.

    “Hai đứa trẻ” miêu tả cuộc sống con người bằng niềm cảm thông, xót thương sâu sắc. Miền đất và những mảnh đời bị quên lãng trong tù túng, tăm tối kia lại có sức gợi cảm sâu sắc.

    Nhà văn khẳng định, trân trọng sâu sắc trước những ước mơ, khát vọng nhỏ bé, bình dị nhưng hết sức chính đáng và đẹp đẽ. Sống trong buồn tẻ, tăm tối, vô nghĩa nhưng con người vẫn hướng đến một cuộc sống tươi sáng. Có người cho rằng: Liên đã nỗ lực vươn lên, bám vào chiếc phao để một mặt không bị chìm nghỉm, mặt khác để khuấy động ao đời tù túng, đơn điệu kia.

    Tác phẩm còn rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh người đọc trước những mảnh đời bất hạnh dễ bị lãng quên, chìm lấp trong đói nghèo, tăm tối, vừa có sức lay gọi: hãy quan tâm đến họ, giúp họ thoát khỏi sự tù túng bế tắc.

    * Đánh giá:
    Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam có sự khác biệt với nhân đạo chủ nghĩa trong một số sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn lúc bấy giờ. Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với quá trình phát triển tư tưởng nhân đạo trong VHVN giai đoạn 1930-1945.