Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài :
    Người Việt chúng ta luôn có thể tự hào về kho tàng văn học lâu đời, đồ sộ, mang những giá trị lớn lao của mình. Trong đó, không thể không kể tới ca dao, tục ngữ. Tuy ngắn gọn nhưng tục ngữ chứa đựng rất nhiều những bài học về phẩm chất cao quý cũng như đức tính tốt đẹp mà ông cha ta đã đúc rút và gửi gắm. Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã thể hiện một trong những phẩm chất cao quý được lưu truyền trong nhân dân ta, từ thế hệ này đến thế hệ khác, đó là lòng biết ơn đối với những người đả tạo ra thành quả cho mình.
    • Thân bài :
    Trước hết ta sẽ xem xét ý nghĩa cụ thể ẩn trong câu tục ngữ. Có lẽ hình ảnh đầu tiên khiến mọi người nghĩ đến là một cây sum suê trái chín. Và chính vị ngọt lành của trái cây đã gợi tới hình ảnh của người trồng một nắng hai sương chăm sóc và vun bón cho cây xanh tốt mỗi ngày mà không cần nghĩ đến việc hái quả. Hưởng những trái cây thơm mát ấy, ta càng phải nhớ ơn người đã chăm cây tạo quả với biết bao khó nhọc.

    Về nghĩa bóng, nói “ăn quả” tức là nói đến sự hưởng thụ những thành quả lao động; còn nói “kẻ trồng cây” là nói đến người đã tạo ra thành quả đó. Được hưởng những thành quả lao động, dù ít, dù nhiều, ta luôn phải biết ơn người đã mang tới thành quả đó và có lúc phải đền ơn, đáp nghĩa. Đó là ý nghĩa cụ thể và sâu xa nhất của câu tục ngữ.

    Quả cây không tự nhiên mà có. Trong cuộc sống từng phút, từng giây có lúc nào ta không nhận sự giúp đỡ hay những thành quả mọi người xung quanh ? Ta lớn lên như ngày hôm nay chính là do công ơn cha mẹ sinh thành,dưỡng dục bấy lâu. Ta có được đất nước tự do, sống và học tập trên chính mảnh đất này là do tổ tiên đã dựng nước, cùng biết bao sự hy sinh, đóng góp công sức và cả xương máu của những lớp người đi trước, trong quá trình giữ nước, xây dựng đất nước suốt bốn nghìn năm. Những thành quả mà ta đang hưởng thật lớn lao. Vậy vì sao ta lại có thể không biết ơn những người “trồng cây“, những con người thầm lặng góp phần vào cuộc sống hạnh phúc ngày nay của ta?

    Như vậy, biết ơn, trả ơn là việc làm hợp với đạo lý làm người. Và đó cũng là một truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam ta tự bao đời. Trong thực tế đời sống ta cũng dễ dàng nhận ra rất nhiều những biếu hiện tốt đẹp của lòng biết ơn, dù trong gia đình hay ngoài xã hội.

    Dễ bắt gặp nhất là trong gia đình luôn có bàn thờ tổ tiên, nơi mà con cháu thẻ hiện sự thành kính, biết ơn những người đi trước: Rồi hàng năm cứ mỗi dịp kỷ niệm như ngày 27/7, 20/11… trên đất nước ta lại rầm rộ những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa với sự tham gia của tất cả các tầng lớp xã hội.

    Lòng biết ơn đã trở thành một chân lý không thể thiếu trong cuộc sống, một cơ sở đạo đức của con người nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Chúng ta có thể khẳng định sự đúng đắn của câu tục ngữ và của bài học về lòng biết ơn gửi gắm trong đó.

    Đáng buồn thay trong xã hội, vẫn tồn tại những kẻ vô ơn. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng quên đi ơn nghĩa với người đã sinh thành, nuôi dưỡng, những người đã có công ơn giúp họ trong lúc khó khăn, thiếu thốn. Thái độ vô ơn đó bắt nguồn từ sự suy đồi đạo đức nơi chính bản thân họ, bởi hành động ăn chơi, đua đòi không tu dưỡng, học tập. Từ đó mà có thể gây ra những hành vi nguy hại cho xã hội và gia đình, nhà trường. Sự vô ơn của một số người là do chính họ đã quên đi bài học làm người đầu tiên: lòng biết ơn! Không thể có một lời biện luận nào cho những kẻ vô ơn, họ đáng bị xã hội phê phán.
    • Kết bài:
    “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” không chỉ là đạo lái mà còn là lối sống, cách sống, cách ứng xử văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Là thế hệ đi sau, chúng ta phải hết sức gìn giữ và phát huy trong thời địa mới.