Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    “Hạnh phúc của một tang gia” là trích đoạn nằm trong tác phẩm “Số đỏ” của ông vua phóng sự đất Bắc – Vũ Trọng Phụng. Mỗi chương trong tác phẩm là một màn hài kịch đủ cả mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố; chương XV “Hạnh phúc của một tang gia” là một trong các màn kịch tiêu biểu đã được chọn lựa đưa vào chương trình sách giáo khoa.
    Được biết đến là cây bút trào phúng bậc thầy trong nền văn học Việt Nam, với đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”, ta bắt gặp hàng loạt các yếu tố trào phúng từ lời văn, giọng điệu đến mâu thuẫn, nhân vật…mọi tình tiết, chi tiết đều nhằm bóc trần những lố lăng trong một tang gia tràn trề hạnh phúc.
    Nghệ thuật trào phúng được xây dựng ở đây là nghệ thuật gây cười trong những mâu thuẫn đáng cười cả ở nội dung lẫn hình thức khi tác giả bóc trần sự vật hiện tượng, để bản chất của nó phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ được biết.
    Vũ Trọng Phụng đã thu cả cái xã hội lúc bấy giờ vào trong tác phẩm của ông. Trong một đám tang, lẽ thường tình người ta ắt phải buồn bã, đau khổ thì ở đây, trong cái tang gia này là cả một hạnh phúc lớn, mọi người đều vui vẻ. Cái mâu thuẫn ấy được khuếch đại, khoa trương lên để phê phán xã hội chạy theo vật chất.
    Minh chứng cho nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia”, là bút pháp kể và tả niềm vui của từng người, từng thành viên trong gia đình. Cả đại gia đình ấy đang vui vẻ vì đã phải chờ đợi và hy vọng cho cái chết đến với cụ cố tổ và hôm nay đã trở thành hiện thực.
    Bởi sự tác động vô tình của Xuân Tóc đỏ mà cái tang gia khiến cho bao con cháu của người xấu số hạnh phúc. Xuân tóc đỏ là kẻ lưu manh đầu đường xó chợ, ranh mãnh và hoạt ngôn, nhờ vào việc thông dâm với bà phó Đoan mà bước vào thế giới của kẻ giàu có. Đủ thấy, một xã hội thối tha và bịp bợm đã tạo điều kiện, nuôi dưỡng một kẻ lưu manh như Xuân. Ở cái xã hội này, Xuân như cờ gặp gió, đúng là số hắn là “số đỏ”.
    Mâu thuẫn trào phúng không chỉ được thể hiện ở tâm trạng chờ mong cụ tổ chết mà còn ở không khí, hình thức tổ chức tang lễ. Vũ Trọng Phụng đã vẽ lên trước mắt ta một bức tranh chướng tai gai mắt: Ấy là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu. Quả là cái thời buổi nhố nhăng đã làm người ta quen với sự lừa dối và thích cái sự lừa dối, xảo trá và bịp bợm ấy.
    Đây cũng là dịp để cô Tuyết ngây thơ được mặc bộ y phục ngây thơ là cái áo voan mỏng với vẻ mặt buồn lãng mạn đúng mốt; là dịp cụ cố Hồng được mặc đồ xô gai, chống gậy lụ khụ, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ ràng: úi giời, trai lớn đã già đến thế kia kìa. Để ông Phán mọc sừng oặt người khóc mãi không thôi: Hứt! Hứt! Là dịp Xuân tóc đỏ được dúi cho tờ bạc năm đồng. Và tiệm may Âu hóa được dịp lăng xê những mốt tran gphucj cho những ai đang tang thương được chút ít hạnh phúc và cậu tú Tân thì mứng điên lên vì được chụp ảnh.
    Có khi tác giả lại thay đổi góc quay để vạch trần bản chất nhố nhăng của cả đám tang: Có cụ râu lún phún, có cụ râu hung hung, lại có cụ râu loăn xoan….đang cảm động vì làn da trắng nơi ngực và cánh tay cô Tuyến. Đám tang là nơi hội tụ của trai thanh gái lịch đất Hà thành, họ đến đám tang để chim chuột nhau….
    Với giọng kể dửng dưng, giễu cợt, ngôn ngữ hài hước, biếm họa chân dung, nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng có sức mạnh ghê góm . Ông bóc trần cho người đọc thấy sự xấu xa, bịp bợm chạy theo lối sống Tây hóa… trong “Hạnh phúc của một tang gia” như đánh một đòn vào xã hội thượng lưu tiểu tư sản thành thị lúc ấy.