Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

    Bài làm:
    Để đánh giá một con người, đôi khi người ta không phụ thuôc vào vẻ đẹp bên ngoài, ngoại hình hay trình độ học vấn, gia cảnh, xuất thân…để đánh giá. Chúng ta thường phải nhìn nhận rõ bản chất bên trong, cũng như nhân cách, sự tự trọng, tự tôn của một người mới có thể đánh giá được con người thật của họ. Những người có nhân cách, có lòng tự trọng, biết được giá trị của bản thân mình đều sẽ đạt được thành công, cũng như được xã hội coi trọng, nể phục.
    Nói đến lòng tự trọng, trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu về khái niệm, thế nào là lòng tự trọng của một người? Lòng tự trọng của một người nào đó, chính là những người coi trọng danh dự, nhân cách của bản thân. Họ tự ý thức được những hành động, suy nghĩ của mình, làm sao để phù hợp với môi trường xung quanh, để không tự hạ thấp giá trị của bản thân họ. Họ biết mình là ai, là người thế nào và có thể làm được những gì. Họ sẽ không làm những điều trái với luân thường đạo lý, trái với lương tâm con người. Họ biết thế nào là sai, là đúng, và thường sống rất hiên ngang, ngẩng cao đầu, không bị đe dọa bởi bất cứ thế lực nào trong xã hội.
    Chúng ta sinh ra trên đời, ai cũng đều cần phải có lòng tự trọng để sống và làm việc, để biết mình biết ta, đối nhân xử thế sao cho phù hợp. Ai cũng đều có những khuyết điểm, tật xấu, không ai là hoàn hảo. Nhưng khi chúng ta có lòng tự trọng, chúng ta sẽ biết phải làm thế nào để hoàn thiện bản thân từng ngày, để trở thành người tốt và có hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Lòng tự trọng của mỗi người có thể nhìn thấy rõ qua các biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi mọi người giao tiếp, tiếp xúc với nhau để có thể đánh giá được bản thân cũng như đối phương.
    Cuộc sống mỗi người dù có gặp phải hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn phải cố gắng để giữ được lòng tự trọng của bản thân. Như các cụ xưa kia đã từng nói: Đói cho sạch, rách cho thơm. Đó là để răn dạy, nhắn nhủ chúng ta rằng, dù có nghèo khổ, túng quẫn đến mức nào thì cũng không được sân si, tham lam những thứ không thuộc về mình. Xã hội không thiếu những hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ vẫn quyết tâm không làm những việc xấu xa, trộm cắp, cướp giật… Đó chính là vì họ nghĩ đến lòng tự trọng của bản thân mà vượt qua những cám dỗ của cuộc sống. Cũng có rất nhiều những người giàu có, thành đạt nhưng họ không hề kiêu ngạo, xa hoa, khinh thường người khác mà luôn làm những việc tốt, giúp ích cho xã hội, cho những hoàn cảnh éo le xung quanh họ. Nhân cách của họ thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
    Nói vậy nhưng xã hội vẫn có không ít những kẻ thiếu nhân cách, không có lòng tự trọng. Họ vì lòng tham vô đáy, những lợi ích của bản thân mà sẵn sàng làm những việc xấu xa, trái với lương tâm, đi ngược lại với luân thường đạo lý. Những con người như vậy chắc chắn sẽ không có được cuộc sống tốt đẹp, bị mọi người khinh rẻ, xa lánh.
    Có thể thấy, lòng tự trọng là điều vô cùng quan trọng, cần phải có với mỗi con người. Chúng ta, những người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước đều cần phải có lòng tự trọng, rèn luyện bản thân mỗi ngày để sống sao cho có tư cách đạo đức, từ đó vươn đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.