Phân tích bài thơ “Lai Tân” trong “Nhật ký trung tù” của Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Bài thơ “Lai Tân” nằm trong tập “Nhật ký trong tù”, được sáng tác trong khoảng thời gian 4 tháng đầu lúc Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải tới giải lui ở nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bài thơ là tiếng nói châm biếm, đả kích tình trạng thối nát của bọn quan lại ở Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch:

    “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
    Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
    Chong đèn, huyện trưởng làm công việc
    Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”
    • Thân bài:
    Vì là người tù của chế độ Tưởng Giới Thạch nên không có gì khó hiểu khi tác giả lại vẽ ra một bức tranh hiện thực sắc sảo, đầy nghịch lí của nhà tù Trung Quốc:

    “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
    Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh,
    Chong đèn Huyện trưởng làm công việc”

    Cái nghịch lý này giờ đây đã kèm theo chút nóng giận, bực tức. Làm sao có thể được khi một xã hội “ban trưởng chuyên đánh bạc”, “cảnh trưởng” lại “kiếm ăn quanh” mà “trời đất Lai Tân vẫn thái bình”? Quả thật, nếu như định nghĩa rằng “ban trưởng” là người trông coi nhà lao và “cảnh trưởng” là những người có nhiệm vụ giải tù nhân. Tất cả họ dường như đều chung một công việc là giáo dục tù nhân, giúp tù nhân tốt hơn. Nhưng thực tế thì không phải vậy.

    Trong cái nghịch lý chủ đạo đã trình bày thì lại đâu đó nhen nhóm lên những nghịch lý khác. Chính là tại sao trong tù lại có cái nạn đánh bạc? Vẫn biết rằng chính xã hội lúc bấy giờ bên Trung Quốc thì món đánh bạc bị luật cấm. Nếu như anh đánh bạc thì không những anh, mà cả vợ con anh cũng bị liên lụy; còn riêng anh, anh phải đi tù. Đó là một thực tế và thực tế này đã được Hồ Chí Minh phác lại qua một lời ăn năn, hối tiếc của tên tù cờ bạc:

    “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
    Trong tù đánh bạc được công khai
    Bị tù con bạc ăn năn mãi
    Sao trước không vô quắt chốn này?”

    Chính bài thơ trên đã vẽ ra rất khéo sự lạm quyền đến khốn nạn của chế độ lúc đó. “Con bạc” kia bị tù là đáng rồi, thích đáng cho việc hắn làm. Nhưng làm sao có thể im lặng được khi cái kẻ bắt mình vì tội đánh bạc thì chính y cũng đánh bạc. Thế là cả cai tù và phạm nhân đều là tòng phạm. Cùng đánh bạc với nhau cả thôi, nếu tôi có tội thì anh cũng chẳng thoát; thế mà lấy cái tư cách gì mà anh bắt tôi? Quả đúng như thế, vị quan kia không có tư cách để “bắt tội” nhưng hắn có quyền. Hắn có quyền, cái quyền mà chế độ Tưởng Giới Thạch đã “ban tặng” cho hắn.

    Và rồi cái nghịch lý ở đây là nhà lao giờ đây đã bị biến thành sòng bạc “được công khai”. Tại đây, ngay cái nơi mà tù nhân ước gì mình đừng vô đây lại được cấp giấy phép đánh bạc. Ngay cả đến “con bạc ăn năn mãi”: thà lúc trước vào đây đánh bạc để khỏi bị kết tội. Nực cười chăng? Cũng có thể. Chua cay chăng? Cũng có thể. Đau đớn chăng? Cũng có thể. Cái nhà tù Tưởng Giới Thạch là thế đấy! Không chỉ có nạn đánh bạc vậy đâu mà nơi đây còn bị Hồ Chí Minh chụp ảnh lại.

    Bài thơ “Lai tân” còn phản ánh thêm cái nạn hối lộ. Đã quá đong đầy những sự thối nát, mục rửa của nhà tù Tưởng Giới Thạch. Khi bước vào lao tù, phạm nhân luôn ý thức rằng này đây mình sẽ bị đánh, bị đối xử có thể thậm chí như một súc vật. Biết là thế nhưng nếu với ý nghĩa nhà tù là nơi cải tạo phạm nhân thì lại sao có cái tình trạng hối lộ? Ở một bài thơ khác, tác giả cũng đã khắc lại cái trớ trêu, cái khốn nạn của thói ăn hối lộ này một cách rất chân thực:

    “Mới đến nhà lao phải nộp tiền
    Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên
    Nếu anh không có tiền đem nộp
    Mỗi bước anh đi một bước phiền”

    Thì ra cái thói ăn hối lộ là một “lệ thường”. Bây giờ đã rõ đến tận gốc rễ của sự việc. “Cảnh trưởng” dường như có được cái quyền làm cho “mỗi bước anh đi một bước phiền” nếu như tù nhân không có “năm mươi nguyên” đem nộp. Ở nơi “tối tăm mù mịt ấy”, tác giả đã thấy, đã chua xót, đã cay đắng vì cái nghịch lý khốn nạn, trớ trêu này. Dường như tác giả đang tìm một sự hợp lý nào đó:

    “Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”.

    Tưởng chừng như “huyện trưởng” là một vị quan rất lo cho dân, rất thương dân nên khi đêm đã về, vạn vật như chìm đắm trong giấc mộng thì ông lại “thiêu đăng” để làm việc. Điều này thật là quý hóa! Nhưng câu hỏi đặt ra nếu như ông ta lo lắng cho dân, cho nước như thế thì tại sao cấp dưới của ông ta lại xảy ra, xuất hiện những thói đời như thế. Phải chăng ông là người có tài nhưng lại bất lực; hay ông cố tình cho qua và “cho phép” cấp dưới được quyền như thế?

    Vấn đề đặt ra tiếp theo rằng phải chăng “huyện trưởng” đã được cấp dưới đút lót? Đó quả là một câu hỏi lớn – một câu hỏi phải để cho chính chế độ đó trả lời. Một mặt khác, nếu như đánh đồng những đối tượng trong ba câu thơ đầu thì có lẽ “huyện trưởng” hằng đêm “thiêu đăng” để hút thuốc phiện. Không phải một cách cường điệu mà ghép hết tội này đến tội khác cho ông; nhưng dù có cố tìm một lý do chính đáng cho những hành động giữa đêm như thế trong bối cảnh này cũng là khó khăn.

    Câu thơ tuy nhẹ nhang nhưng sức đã kích thật quyết liệt, nó cho thấy trình trạng thối nát của bọ quan lại ở Lai Tân diễn ra hết sức bình thường, không có gì là đặc biệt, là bất ngờ, không phải là chuyện của thời loạn. Tình hình của bọn quan lại ở Lai Tân xưa nay vẫn thế, cái guồng máy chính vẫn cứ thế mà vận hành.

    Chỉ cần lướt qua ba câu thơ đầu của “Lai Tân”, người đọc đã có thể thấy đó như một thước phim mà tác giả đang cố tái hiện lại một cách chân thực. Thước phim này chiếu lại một bộ máy cai trị ở Lai Tân gồm “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, “huyện trưởng” với những việc làm xem ra là bình thường trong cái xã hội bấy giờ. Bình thường đến mức tầm thường! Thực tế là vậy. Một điều minh nhiên rằng cái xã hội đó sẽ không “thái bình”. Nhưng đến câu cuối bài thơ, với tất cả những sự việc như thế mà tác giả lại kết luận rằng:

    “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

    Dường như là dửng dưng và vô cùng nghịch lý. Tuy là thế nhưng tác giả đã sâu cay đả kích một cách nhẹ nhàng nhưng lại thấm thía. Nhãn tự “thái bình” đồng thời vừa vạch ra một nghịch lý, vừa vẽ ra một hợp lý mang “phong cách” Tưởng Giới Thạch. Phải chăng “thái bình” là do được sự đồng lòng nhất quán từ “cảnh trưởng”, “ban trưởng” đến “huyện trưởng”. Tất cả đều như nhau, cũng thối nát, mục rữa.

    Lại thêm với nhãn tự “thái bình”, tác giả dường như đang khẳng định rằng tình trạng của chế độ thống trị xã hội Trung Quốc bấy giờ vẫn xảy ra bình thường, không có gì phải lạ cả, thậm chí điều đó gần như là bản chất của guồng máy cai trị ở đây. Chỉ cần như thế thôi, tác giả đã mỉa mai châm biếm cái xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch đó một cách sâu sắc đến vậy. Sâu sắc là bởi thi nhân đã nhìn thấy vào trong cái sự thật đã được che đậy bằng bề mặt giả tạo của bộ máy cai trị này.

    Chữ “thái bình” là nhãn tự, là thi nhãn, chữ thái bình hạ xuống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng có sức mạnh đã kích lớn, nó cho thấy sự thái bình giả dối ở Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Thực chất là đại loạn từ bên trong. Chỉ một chữ “thái bình” quả có có sức nặng ngàn cân. Một chữ “thái bình” mà sâu táo bao nhiêu sự việc trên, vốn là muôn thủa của xã hội trung quốc, của giai cấp thống trị, chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự thái bình dối trá. Thái bình nhưng thực sự là đại loạn .ây chỉ có thể là thái bình đối với bọn quan lại, chứ không thể thái bình với người dân. Nhà phê bình Hoàng Trung Thông đã nhận xét “ở đâu đánh giặc thì cứ đánh, còn cái trời đất Lai tân này thì vẫn thái bình như muôn thuở”.
    • Kết bài:
    Bài thơ “Lai tân” thể hiện nhận thức của Bác Hồ về xã hội Trung Quốc – một xã hội tàn bạo và giả dối. Qua đó, bài thơ còn cho thấy thái độ mỉa mai đối với một xã hội vốn đang suy tàn cực độ và bản lĩnh của người tù Hồ Chí Minh, trong nghịch cảnh vãn bình tĩnh, ung dung, không hề nao núng.