Phân tích bài thơ “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích bài thơ “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh

    Bài làm:
    Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người không chỉ tài giỏi trong việc chính trị, mà còn là một nhà thơ, nhà văn rất xuất sắc. Tập thơ “ Nhật kí trong tù” của Người được viết từ năm 1942- 1943, trong khoảng thời gian Người bị giam cầm, hành hạ tại các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tập thơ ghi lại một cách rất chân thực cảm xúc của Hồ Chí Minh trong những ngày tháng đó. Trong tập thơ, có những bài thơ ghi lại từng khoảnh khắc đáng nhớ trôi qua trong một ngày, đó là buối sớm, buổi trưa, quá trưa, chiều tối… Và bài thơ “ Mộ” là một trong những bài thơ như vậy, bài thơ tái hiện lại khung cảnh vào buổi chiều tối, khoảnh khắc sắp kết thúc một ngày dài mệt mỏi.
    Bài thơ miêu tả chi tiết khoảnh khắc Hồ Chí Minh được chuyển từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền, thời điểm năm 1942. Không gian chính của bức tranh chính là cảnh thiên nhiên lúc chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống. Bài thơ diễn tả một cách nhệ nhàng nhịp sống ở nơi núi rừng hoang sơ, thanh vắng. Mở đầu bài thơ là nét chấm phá khiến cho khung cảnh bầu trời buổi hoàng hôn hiện lên vô cùng chân thực và rõ nét:

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
    Cô vân mạn mụn độ thiên không
    Dịch:
    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
    Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không.
    Đọc câu thơ, ta có cảm nhận một nỗi buồn man mác, nỗi buồn lan tỏa xuyên suốt hai câu thơ, làm cho giọng thơ trở nên chùng xuống nhưng tâm trạng con người lại bị đẩy lên cao. Vào buổi chiều tà, thời điểm kết thúc một ngày thì đến cánh chim cũng trở nên mỏi mệt, tìm chốn nghỉ ngơi. Cánh chim cô độc giữa bầu trời khiến ta liên tưởng như đây chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đang phải sống trong cảnh tù đày, bị áp bức, hành hạ khiến Người không có được một chốn bình yên để trở về sau ngày dài. Sự chuyển động nhẹ nhàng, tinh tế của trời đất khi kết thúc một ngày hiện lên qua hình ảnh “ tầng mây trôi nhẹ” khiến cho nhịp thơ có cảm giác chậm dần như lòng người. Có lẽ Hồ Chí Minh muốn mượn hai câu thơ để thể hiện khao khát được tự do, trôi lững lờ như tầng mây chứ không phải chịu cảnh tù đầy nữa.
    Hai câu thơ sau, hình bóng con người hiện lên thấp thoáng, và cũng như có một tia sáng bừng lên đối với Người:

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

    Dịch:

    Cô em xóm núi xay ngô tối
    Xay hết lò than đã rực hồng.
    Câu thơ đọc qua rất nhẹ nhàng, nhưng người đọc cũng có thể tấy được sự tinh tế của Hồ Chí Minh khi đã vẽ lên một cách chân thực cuộc sống của người dân nơi xóm núi. Thường ngày con người ở đây vẫn chăm chỉ lao động, xay ngô. Dường như khi nhìn thấy khung cảnh này, Người đã có khao khát cháy bỏng sẽ được trở về để sống ở một nơi yên bình như vậy.
    Và câu thơ cuối kết thúc bài thơ, có một sự chuyển động nhẹ nhàng làm thắp lên tia hy vọng sáng bừng cả bài thơ. Đó là hình ảnh lò than rực hồng khi cô gái đã xay hết ngô. Có thể thấy, ở nơi vùng núi hoang lạnh lẽo này, khi mặt trời xuống núi thì lò than sáng lên làm bừng cả không gian và như sưởi ấm trái tim con người nơi đây. Lò than và cô em xóm núi dường như là ước mong về mái ấm gia đình tràn ngập tình yêu thương của Hồ Chí Minh.
    Có thể nói, bài thơ Mộ là bài thơ mang một dấu ấn và chất riêng của Hồ Chí Minh. Đọc bài thơ người đọc sẽ cảm nhận được phần nào tâm sự, nỗi buồn trong lòng Người, cũng như nỗi canh cánh lo lắng cho dân cho nước, mong muốn nhà nhà được bình an.