Phân tích bài thơ Nam Quốc Sơn Hà

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích bài thơ Nam Quốc Sơn Hà


    17.jpg
    • Mở bài:
    Nam quốc sơn hà là áng văn bất hủ của dân tộc ta, có ý nghĩa như mọt bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta trước âm mưu xâm lược của kẻ thù.
    • Thân bài:
    Về vấn đề tác giả, chưa rõ tác giả là ai. Lâu nay, người ta vẫn coi bài thơ này là sáng tác cùa Lý Thường Kiêt. Song, đã có nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đây là bài thơ thần, Vô danh thị (không họ không tên).
    Bài thơ ra đời trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược đời Lý (thế kì XI). Sự ra đời của bài thơ gắn với truyền thuyết: bài thơ được ngâm vang lên trong đêm tối ở đền thờ Trương Hống, Trương Hát trên sông Như Nguyệt. Vì vậy, bài thơ này được mệnh danh là Bài thơ thần. Điều này có ý nghĩa thiêng liêng hoá một tác phẩm văn học, qua đó thể hiện sự trân trọng của nhân dân đối vói nội dung, tư tưởng bài thơ. ĐIển tích ấy cũng góp phần thể hiện sức sống lâu bền của bài thơ trong mọi thế hê người đọc.
    Bài thơ được chia làm hai phần. Hai câu thơ đầu khẳng định sự tồn tại khách quan, thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ nước Nam. Hai câu thơ cuối lời cảnh cáo quân giặc sẽ thất bại thảm hại và thể hiện niềm tin chiến thắng của quân ta.
    Mở đầu bài thơ, tác giả mạnh mẽ khẳng định sự tồn tại khách quan, thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ nước Nam ta:

    “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
    (Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Vằng vặc sách trời chia xứ sở)

    Giọng thơ vang lên hùng hồn, đầy trang trọng và tự hào. Ý tứ được biểu đạt một cách rõ ràng, chắc nịch và rành rẽ: Nước Nam là của chủ quyền của người Nam, điều đó đã được sách trời định sẵn. “Nam quốc sơn hà” khẳng định nước Nam có lãnh thổ, cương vực rõ ràng chứ không phải một quận huyện cùa Trung Hoa. Nói “Nam quốc” cũng là đối với Bắc quốc, thể hiẹn rõ chủ quyền độc lập của ta.
    Ý thức về chủ quyền có lẽ được thể hiện rõ nhất trong cụm từ “Nam đế cư”, nghĩa là nước Nam có vua, có quốc chủ. Ở đây, tác giả dùng chữ “đế” chứ không phải chữ “vương”. Cách dùng từ như vậy có ý nghĩa rất lớn vì từ xưa đến nay, các vua Trung Hoa đều cho mình quyền tối thượng thống trị thiên hạ, chỉ có mình mới được xưng đế. Thiên tử, hoàng đế là con của trời, trị vì tất cả. Vương là tước phong do hoàng đế Trung Hoa ban cho các nước chư hầu. Cách xung “đế” trong bài thơ thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa. Cách xưng hô đó còn chúng tỏ ý thức độc lập, tự cường dân tộc, không chịu phụ thuộc vào nước lớn của Đại Việt ta.
    Chủ quyền của dân tộc Đại Việt ta càng trở nên vững vàng hơn khi được ghi nhận một cách rõ ràng, dứt khoát như thế tại sách trời (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư). Tạo hóa, tự nhiên đã công nhận như vậy. Đó là một chân lí hiển nhiên, không thể chối bỏ. Hùng khí ấy một lần nữa được khẳng định trong bản Đại cáo bình ngô của Nguyễn Trãi:

    “Như nước Đại Việt ta từ trước,
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
    Núi sông bờ cỏi đã chia,
    Phong tục Bắc Nam cũng khác;
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

    Như vậy, hai câu thơ đầu là một lời tuyên ngôn hào sảng về chủ quyền và độc lập của dân tộc Đại Việt. Nó vang lên như một chân lí bất di bất dịch. Trước họa xâm lăng, niềm tin phơi phới về độc lập và chủ quyền dân tộc ấy sẽ làm bùng lên ngọn lửa yêu nước và căm thù giặc trong nhân dân ta.
    Tiếp đến, hai câu thơ cuối đưa ra lời cảnh cáo đanh thép đối với quân giặc, chúng sẽ thất bại thảm hại nếu cố chấp và thể hiện niềm tin chiến thắng của quân ta:

    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
    (Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?

    Chúng mày nhất định phải tan vỡ)

    Giọng thơ mạnh mẽ, hàm ý răn đe. Câu thứ ba là một câu hỏi, hướng tới lũ giặc xâm lược. Thái độ khinh bỉ, căm thù trào dâng qua cách tác giả gọi chúng là “nghịch lỗ” (quân kẻ cướp, kẻ phản nghịch). Hình ảnh kẻ thù hiện ra thật thảm hại, đáng khinh. Chúng đâu còn cái uy danh của binh lính thiên triều mà hiện nguyên hình là những kẻ tàn ác, làm trái đạo lí, đi ngược với lẽ phải.
    Câu thơ thứ tư là lời cảnh cáo đối với quân giặc xâm lăng. Lời cảnh cáo đanh thép, mạnh mẽ. Sự thất bại của kẻ thù được vạch ra rõ ràng, cụ thể. Chúng phải chịu kết cục thê thảm, nhục nhã: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư’ (Chúng mày nhất định phải tan vỡ). Quân giặc tự chuốc lấy thất bại như một lẽ tất yếu bởi chúng đi ngược lại đạo trời, làm trái với đạo lý, chúng gieo gió thì ắt phải gặp bão.
    Lời cảnh cáo không phải là lời doạ dẫm suông. Nó dựa trên cơ sở bao lần chiến thắng giặc phương Bắc hào hùng của dân tộc ta. Đó cũng chính là lời tiên tri chắc nịch về ý chí quyết chiến, quyết thắng giữ vững nền độc lập của dân tộc. Đó cũng là lời thề non sông của vua tôi Đại Việt quyết đánh tan bất cứ kẻ thù xâm lược nào, dẫu chúng mạnh đến đâu, tàn bạo và nham hiểm đến thế nào.
    Bài thơ ẩn chứa lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào vế truyền thống đánh giặc lẫy lùng của dân tộc và niềm tin phơi phới vào nền độc lập vững bền của dân tộc. Có lẽ đó là cội rễ khiến bài thơ có được sức sống bền bỉ trong lòng mỗi ngưòi Việt Nam.
    • Kết bài:
    Bài thơ Nam quốc sơn hà đã khẳng định về chủ quyền của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược. Bài thơ được coi là Bản tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc. Nước Nam là của vua Nam, điều thiêng liêng ấy đã ghi ở sách trời. Kẻ nào vi phạm, kẻ ấy sẽ bại vong. Bài thơ được lan truyền mạnh mẽ còn bởi giọng thơ hùng hồn, đanh thép; ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc; lập luận chặt chẽ, chắc chắn; kết cấu hợp lí có sức thuyết phục cao, xứng đáng là bài thơ thần của nước Việt ta.