Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

    Bài làm:
    Tố Hữu ( 1920- 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ cách mạng Việt Nam. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là tập thơ “ Từ ấy” được sáng tác năm 1938. Trong đó bài thơ “ Từ ấy” như một cột mốc đánh dấu lý tưởng cách mạng của Tố Hữu đang dần trưởng thành hơn. “ Từ ấy” như một tiếng reo vui, thể hiện hạnh phúc của người thanh niên trẻ khi gặp được ánh sáng của lý tưởng cách mạng.
    Cụm từ “ từ ấy” xuất hiện ngay ở đầu bài thơ, là mốc son đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của Tố Hữu. Đó là giây phút khiến ông vui mừng, xúc động không thể nói nên lời:

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lý nhói qua tim.
    Tố Hữu thật tài tình khi sử dụng một loạt những hình ảnh ẩn dụ như “ bừng nắng hạ, mặt trời chân lý, chói qua tim…” Khi người thanh niên ấy còn đang loay hoay trong bóng tối, chưa biết đâu là lối đi đúng đắn, là lý tưởng sống của cuộc đời thì bỗng nhiên mặt trời xuất hiện, soi sáng cho chàng trai trẻ. Ánh nắng mùa hạ rực rỡ, chói chang, đủ sức soi rọi tất cả, xua đi những ngày tháng tăm tối. Ánh sáng như tỏa ra từ chính “ trong tôi”, đó là con tim của người chiến sĩ trẻ. Lý tưởng cách mạng của Đảng đã làm cho tâm hồn Tố Hữu như thức tỉnh, soi sáng mọi góc khuất trong tâm hồn, khiến anh ngộ ra chân lý sau những tháng ngày mất phương hướng.

    Hồn tôi là một vườn hoa lá
    Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
    Nhà thơ tưởng tượng “ hồn tôi” là “ vườn hoa lá”. Cách so sánh này của Tố Hữu khiến cho một sự vật tưởng vô tri vô giác trở nên sinh động, có sự sống. Vườn hoa lá đang được tắm dưới những ánh nắng ấm áp, rất tươi tốt với bao hoa thơm trái ngọt cùng chim muông bay tới. Tựa như tâm hồn của tác giả cũng đang được tắm mát bởi lý tưởng cách mạng. Đoạn thơ này dường như là đoạn hay nhất của bài thơ, làm cho bất kỳ ai khi đọc cũng có thể hình dung được tâm trạng vui tươi, tràn đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy.
    Và khi đã giác ngộ được lý tưởng, người ta sẽ dễ dàng chọn cho mình một hướng đi, một động lực sống mới:

    Tôi buộc lòng tôi với mọi người
    Để tình trang trải khắp muôn nơi
    Để hôn tôi với bao hồn khổ
    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
    Có thể nói, Tố Hữu đã tự buộc mình với mọi người, với tất cả dân tộc Việt Nam. Ông cũng chính là một trong những người lao động, cùng ăn ngủ, cùng trải qua vui buồn cùng nhau. Chắc chắn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những con người cùng khổ sẽ có thể dễ dàng cảm thông chia sẻ với nhau, cũng như sẵn sàng đoàn kết, ở bên nhau tạo nên một tập thể vững mạnh không chịu khuất phục trước bất kỳ điều gì.
    Ở những câu thơ tiếp theo, Tố Hữu một lần nữa khẳng định với mọi người vị trí của mình:

    Là em của vạn kiếp phôi pha
    Là anh của vạn đầu em nhỏ
    Không áo cơm, cù bất cù bơ.
    Đến lúc này, Tố Hữu tự nguyện trở thành người thân của những người lao động nghèo khó, khổ sở. Đó là những con người chỉ biết sống cho hôm ay chứ chưa biết ngày mai thế nào. Những kiếp người đáng thương, những em nhỏ sinh ra đã không được ấm no mà phải chịu cảnh đói rách. Tác giả lặp lại từ “ là” như để khẳng định nhiều lần rằng mối quan hệ, tình thân giữa ông với người dân lao động. Và ông có trách nhiệm với người dân trong xã hội này. Cuộc sống bơ vơ “ cù bất cù bơ” của tác giả cùng những người thân xung quanh mình được tác giả nhắc đến, như để bày tỏ thêm sự xót xa đối với những kiếp người khổ đau này.
    Thật vậy, “ Từ ấy” không chỉ là tiếng reo vui của Tố Hữu, mà là tâm trạng chung của những con người đang trong bóng tối khi tìm thấy lý tưởng cuộc đời, lý tưởng cách mạng của Đảng. Và khi đó, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình đang có, để đổi lại sự độc lập, ấm no cho dân, cho nước.