Đề bài : Phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính Bài làm: Trong phong trào Thơ Mới trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Bính nổi tiếng là một nhà thơ với phong cách mới lạ nhưng vẫn giữ được âm hưởng gần gũi với ca dao dân ca, giản dị nhưng ngọt ngào. Bài thơ “ Tương tư” của ông được in trong tập Lỡ bước sang ngang xuất bản năm 1940, viết về tâm trạng chờ mong khắc khoải của một chàng trai đang yêu với tình yêu đơn phương mòn mỏi không được hồi đáp. Mối tình ấy cứ ấp ủ, da diết, để rồi được thổ lộ qua những vần thơ chân thành nhất: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Một người chín nhớ mười mong một người Nắng mưa là bệnh của giời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Đọc những câu thơ trên, khung cảnh làng quê bình dị, yên bình hiện lên rất rõ nét. Tác giả sử dụng tài tình biện pháp nhân hóa, dùng thôn Đoài, thôn Đông để nói lên nỗi nhớ thương da diết của mình với người đó. Người ấy có lẽ đang ở thôn Đông, còn tác giả lại ở thôn Đoài. Một mối tình giản dị, mang đậm dấu ấn của làng quê thanh bình. Tác gải còn mượn nắng mưa để trải lòng mình với người thương. Tương tư là một căn bệnh từ chính trong tâm hồn của con người, cũng giống như quy luật của trời đất, không gì có thể thay đổi được. Những câu thơ bình dị ấy khiến cho người đọc cảm thấy thích thú với mối tình đơn phương này. Nhưng đến những câu thơ tiếp theo, chàng trai dường như buông lời trách móc nhẹ nhàng với cô gái, rằng vì sao đã biết rõ tình cảm của mình nhưng lại làm như là không biết: Hai thôn chung lại một làng Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? Ngày qua ngày lại qua ngày Lá canh nhuộm đã thành cây lá vàng. Bảo rằng cách trở đò giang. Không sang là chẳng đường sang đã đành. Nhưng đây cách một đầu đình, Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? Tương tư thức mấy đêm rồi, Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? Bao giờ bến mới gặp đò? Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? Một loạt những câu hỏi nối tiếp nhau đưa ra liên tiếp, dồn dập, chứng tỏ sự lo lắng, bối rối, cùng những nỗi niềm chồng chất của chàng trai đang yêu đã lên tới đỉnh điểm, không thể chịu được nữa. Nguyễn Bính đã mượn cách nói của ca dao dân ca để hỏi cô gái, lý do vì sao lại hững hờ như vậy với mình. Những câu thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển nối tiếp nhau, như để gửi gắm thông điệp tình yêu đến người con gái. Lời trách “ cớ sao” rất tế nhị và đáng yêu. Chàng trai tương tư cô gái, trằn trọc không biết bao nhiêu ngày tháng, vậy mà chẳng có ai để bày tỏ, giãi bày cũng chẳng ai hay. Vì thế nên chàng trai chỉ chờ đợi để có thể gặp được người trong mộng. Chàng trai cứ thế đợi chờ mòn mỏi ngày qua ngày, da diết và nhớ mong. Và rồi chàng trai lại tự hỏi: Nhà em có một giàn giàu, Nhà anh có một hàng cau liên phòng. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? Những câu thơ da diết, nhẹ nhàng với nhịp thơ lục bát, cứ thế đi vào lòng người đọc. Chàng trai mượn giàn tràu và hàng cau, để diễn tả sự nhớ mong da diết, và sự hy vọng một ngày được quấn quýt như trầu và cau ngày đêm quấn quýt bên nhau. Tác giả thật tài hoa, tinh tế khi sử dụng những hình ảnh quen thuộc ấy để diễn tả nỗi nhớ. Sự thay đổi cách xưng hô mạnh dạn ở bốn câu thơ này khi tác giả chuyển tôi- nàng thành anh-em rất táo bạo, quyết liệt. Chứng tỏ rằng chàng trai không thể đợi chờ thêm được nữa mà quyết định giãi bày hết nỗi lòng với người con gái mà mình đang tương tư bấy lâu. Cái tôi trữ tình của nhân vật đã được đẩy lên, từ sự ngại ngùng, ý nhị thành sự mạnh mẽ, quyết liệt, bày tỏ hết nỗi lòng với người mình yêu. “ Tương tư” là một bài thơ mang nhịp điệu trẻ trung, bình dị của âm hưởng dân ca. Làm cho người đọc cũng cảm thấy phấn khởi, yêu đời như tâm trạng của những người đang yêu.