Đề Bài: Phân tích nhân vật quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân Bài làm: Nhà văn Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của dân tốc Việt Nam. Ông có đóng góp không nhỏ cho văn học Việt Nam hiện đại, thúc đẩy thể tùy bút, bút ký văn học đạt tới nghệ thuật cao, khiến cho ngôn ngữ văn học dân tộc cùng với nền văn xuôi hiện đại Việt Nam có phong cách tài hoa và độc đáo. Ông là người suốt đời đi tìm cái đẹp của văn chương, những tác phẩm của ông đều thể hiện rõ điều này. Tác phẩm “ Chữ người tử tù” của ông thể hiện rõ nét điều ấy. Tác phẩm có hai nhân vật chính là Huấn Cao và viên quản ngục. Dù còn rất nhiều nghịch lý, nhưng cái đẹp vẫn chiến thắng bên trong tác phẩm. Cái đẹp có thể ẩn chứa bên trong cái vỏ bên ngoài tưởng xấu xa. Nguyễn Tuân đã rất khéo léo, tài tình phác họa một tâm hồn lương thiện ẩn sâu trong nhân vật quản ngục xấu xa độc ác. Viên quản ngục ban ngày là một tên cai ngục vô tình, nhưng đến khi màn đêm xuống, ông lại là một “ tấm lòng trong thiê hạ”. Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm là một người tài hoa, vừa có tài lại vừa có chí, được người trong thiên hạ mến mộ và nể phục. Và người tài thường sẽ bị ghen ghét, đố kỵ, Huấn Cao không may bị rơi vào cảnh tù tội, bị kết án tử hình. Đáng lẽ ra điều ấy sẽ chẳng liên quan gì đối với một người đã làm nghề quản ngục lâu năm. Ấy vậy mà ông lại băn khoăn, suy nghĩ suốt cả một đêm trước khi Huấn Cao được chuyển đến. Người cai ngục được tác giả miêu tả bằng những lời lẽ rất đẹp: “ người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lựu, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy giờ chỉ còn lại mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ…” Để giấu mình trong một cái bình phong thật sự không phải là điều dễ dàng. Lý do vì sao viên quản ngục phải làm như vậy, tác giả cũng không đề cập đến. Chỉ biết rằng, nhân vật ấy hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của một con người thiện lương, tựa như “ mặt nước ao xuân”. Viên quản ngục ngồi đó, cùng với ngọn lửa đèn dầu bấc, tựa như chính ngọn lửa mà viên quản ngục đã nung nấu trong lòng. Ngọn lửa chỉ trực chờ bùng sáng khi có tay người vặn, hoặc khi gặp được ngọn bấc khác sẵn sàng cháy. Có lẽ viên quản ngục đang rất nóng lòng chờ đón người tử tù, vốn dĩ là thần tượng của mình. Ở bên trong chốn ngục tù tăm tối ấy, có biết bao nhiêu tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng mõ canh… những âm thanh phức tạp nổi lên như để nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị từ biệt vũ trụ. Viên quản ngục băn khoăn ngồi bóp thái dương, tâm trạng của ông lúc này đang rất rối bời, ắt hẳn là thầm thương tiếc cho thân phận, sự tài hoa của người tử tù đang đến, người tử tù đó chính là Huấn Cao. Huấn cao trong mắt người cai ngục như một vì sao sáng, khiến cho người người nể phục. Ông quyết tâm không chịu khuất phục trước đòn roi, trước cái chết đang đe dọa. Đều này khiến cho “ người ngồi đấy” là viên quản ngục không khỏi xót xa. Nhưng dù cho có xót xa đến mấy thì ông cũng không thể làm điều gì khác được, bởi chính bản thân ông còn đang phải núp mình từng ngày trong cái vỏ bọc là một kẻ xấu xa, tàn ác. Từng dòng suy nghĩ, sự trăn trở của viên quản ngục trong đêm đợi tù đã khiến cho người đọc cảm thấy xúc động, và cái đẹp mà Nguyễn Tuân hướng tới đã được ngợi ca. Viên quản ngục ấy dù ban ngày có là một người xấu xa, tồi tệ đến thế nào đi nữa thì khi đêm về, ông trở lại là chính mình. Bản chất của con người ông giống như “ một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đề hỗn loạn xô bổ”. Ông ngồi đó, nghĩ về người tử tù sắp đến, ông cảm thấy hổ thẹn với chính bản thân mình. Ông đang tìm thấy sự đồng cảm với thầy thơ lại, người mà ông không nghĩ rằng đó là kẻ biết trọng người tài, có lẽ hẳn cũng không phải kẻ xấu. Nhờ đó ông biết rằng, thì ra đánh giá một con người không thể nhìn vào vẻ bề ngoài, nhìn vào hành động hàng ngày mà phải nhìn sâu thẳm trong tâm hồn của họ. Suy nghĩ này của viên quản ngục cũng chính là suy nghĩ về cái đẹp của Nguyễn Tuân. Với ông, cái đẹp phải xuất phát từ tâm hồn, ở bên trong suy nghĩ chứ không phải cứ hành động dẹp đẽ ra bên ngoài đã là đẹp. Cả ngục quan và thơ lại chắc chắn sẽ không thể giấu mình mãi bên trong bức bình phong ấy. Họ sẽ phải tìm cách đứng lên, rũ bỏ tất cả để tìm lại chính mình, tìm lại những gì tốt đẹp nhất của bản thân. Nhân vật viên quản ngục chính là một ngọn bấc sáng, ngọn lửa đẹp đẽ nhất ở chốn nơi nhơ bẩn, đầy tội ác mà ông đang phải làm việc ở đó mỗi ngày. Với nghệ thuật xây dựng tình huống và ngôn ngữ trau chuốt, hình ảnh mang nhiều cảm xúc, Nguyễn Tuân đã khiến người đọc cảm nhận được một chân lý sâu sắc, rằng cái đẹp phải nhìn thấy ở tận sâu trong tâm hồn mỗi người, chứ không chỉ bằng vẻ bề ngoài.