Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

    12.jpg
    Ý nghĩa và giá trị bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

    • Mở bài:
    Tuy trọn cuộc đời dành hết cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước nhưng Hồ Chí Minhluôn dành cho văn thơ những khoảnh khắc quý giá. Nhiều tác phẩm ra đời ngay trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất. Nhật kí trong tù là một tập thơ xuất sắc của Hồ Chí Minh được viết khi Người bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Bài thơ Chiều tối (Mộ) thể hiện niềm lạc quan yêu đời hướng tới tương lai của người tù Hồ Chí Minh trong một chiều tối dừng chân trên đường chuyển lao.

    • Thân bài:
    Mộ

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
    Cô vân mạn mạn độ thiên không.
    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

    Dịch thơ:

    Chiều tối

    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;
    Cô em xóm núi xay ngô tối,
    Xay hết, lò than đã rực hồng.

    Cảnh và sự vận động của cảnh trong bài thơ:

    Hai câu thơ đầu gợi cảnh thiên nhiên núi rừng khi chiều tối:

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
    Cô vân mạn mạn độ thiên không.

    (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không; )

    Cảnh chiều tối được gợi lên bằng hình ảnh có tính ước lệ của thơ cổ với cánh chim đang bay về rừng tìm chốn trú ngụ. Theo cánh chim bay, không gian cũng dần khép lại. Bầu trời thu vê với hình ảnh đám mây lẻ loi, nhẹ trôi giữa bầu tối.
    Thơ xưa thường lấy sự chuyển biến của không gian với hình ảnh cánh chim trong hoàng hôn để gợi tả bước đi của thời gian: “Chim bay về núi tối rồi” (Ca dao), “Chim hôm thoi thót về rừng”(Truyện Kiều – Nguyễn Du) “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn”(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)
    Hình ảnh ước lệ được vận dụng một cách tự nhiên, phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng nhà thơ. Người tù quan sát cảnh vật, ngẩng đầu nhìn lên đỉnh trời, nhận ra cánh chim bay về tổ và chòm mây lững lờ trôi. Khung cảnh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu là khung cảnh phảng phất nét quạnh hiu, nỗi cô đơn của Bác nơi đất khách quê người.
    Hai câu thơ cuối gợi cảnh cuộc sống sinh hoạt của con người:

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

    (Cô em xóm núi xay ngô tối,
    Xay hết, lò than đã rực hồng.)

    Bức tranh sinh hoạt và cuộc sống con người làm cho cảnh chiều tối ấm áp hẳn lên. Hình ảnh cô thôn nữ với công việc lao động hằng ngày là hoạt động chủ đạo, tạo nên sức sống của bức tranh. Lò than rực hồng trở thành trung tâm, có sức lôi cuốn đặc biệt. Với hình ảnh này, thiên nhiên không còn cô quạnh, không còn chìm ngập trong bóng tối. Chữ “hồng” đã trở thành nhãn tự của bài thơ. Một chữ “hồng” mà tỏa ánh sáng, hơi ấm và niềm vui ra tất cả. Hơi ấm và ánh sáng “lò than rực hồng” như xua đi cái lạnh nơi rừng núi, như át cả bóng đêm.
    Trong bài thơ, cảnh vật có sự vận động mạnh mẽ, theo hướng tích cực, từ thấp lên cao, từ bóng tói ra ánh sáng. Từ khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, hiu quạnh, nét bút tác giả chuyển sang cảnh sinh hoạt của con người hết sức tự nhiên. Sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ giá lạnh đến nồng ấm, từ hiu quạnh đến niềm vui.
    Ẩn sau bức tranh cảnh vật chiều tối là tâm trạng nhớ quê hương và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng và mang nặng tâm trạng con người.
    Theo nguyên văn chữ Hán, cảnh vật được miêu tả trong hai câu thơ đầu là cảnh vật mang tâm trạng. Ở đây không phải là cánh chim bay mà là cánh chim mỏi (quyện điểu) tìm về rừng sau suốt một ngày bay đi kiếm ăn. Nhà thơ cũng mỏi sau một ngày lê bước trên đường chuyển lao. Và chòm mây cô đơn (cô vân) cũng có hồn, có tâm trạng, thể hiện sự hòa hợp, cảm thông giữa người và cảnh vật.
    Hai câu thơ đầu cũng phảng phất sự hiu quạnh. Hiu quạnh từ cảnh vật đến tâm trạng. Tác giả đang xa quê hương đất nước, đang trong hoàn cảnh mất tự do, bao việc cách mạng đang cần làm mà vẫn bị giam hãm nơi tù ngục một cách vô lí. Đã vậy lại gặp cảnh núi rừng lúc chiều muộn sau một ngày bị đày ải. Tình ấy, cảnh ấy nếu có phảng phất nỗi buồn cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nét hiu quạnh không phải là nét chủ yếu của bức tranh “chiều tối”. Bởi sự vận động của cảnh đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ giá lạnh đến nồng ấm, từ hiu quạnh đến niềm vui.

    Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ

    Nhà thơ có một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết. Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng, mang tâm trạng, thể hiện sự hòa hợp, cảm thông giữa con người và cảnh vật. Đó còn là một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống, giàu sức chiến đấu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác cũng hướng tới con người và cuộc sống. Đó là một tâm hồn lạc quan và nhân hậu, hướng đến con người và cuộc sống bình dị với tình yêu thương tha thiết nhất.
    Ở bài Chiều tối, cùng với sự vận động của cảnh vật, sự vận động của không gian, thời gian là sự động của cảm xúc, tư tưởng nhà thơ. Sự vận động bất ngờ mà tự nhiên, khỏe khoắn: từ tối đến sáng; từ hiu hắt, cô đơn đến nồng ấm; từ buồn đến vui. Thơ Bác phản ánh con người Bác: tư tưởng, tình cảm luôn có sự vận động hướng tới sự sống, ánh sáng và tương lai.
    Bài thơ Chiều tối viết về thời điểm rất đáng ghi nhớ trong cuộc sống của người tù: đằng sau lưng là một ngày đi đường vất vả (có khi tới “Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa, rách hết giày”), trước mặt là nỗi gian lao, nguy hiểm mới: lại gông cùm, lại đói rét, muỗi, rệp, bệnh tật… Ấy vậy mà thơ viết về thời điểm đó lại từ buồn chuyển sang vui. Điều này cho thấy những buồn, vui, sướng, khổ của Hồ Chí Minh không thể chỉ giải thích từ cảnh ngộ cá nhân mà phải xuất phát từ cuộc sống của người khác. Chính vì vậy, qua bài thơ Chiều tối, người đọc nhận ra vẻ đẹp của một tấm lòng nhân đạo lớn đã đạt tới mức quên mình.
    Bài Chiều tối thể hiện một nét phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh: sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển toát lên qua bút pháp ước lệ và bút pháp gợi tả giàu sức biểu cảm với hệ thống thi liệu, cấu tứ hết sức phong phú, chuẩn mực. Vẻ đẹp hiện đại hiện ra với phong thái ung dung, tự tại, lạc quan, yêu đời, hướng tới tương lai của người tù Hồ Chí Minh. Bên cạnh hình ảnh người tù là hình ảnh một chiến sĩ qua cảm, kiên trung, là một thi sĩ thiết tha với cuộc đời, với sự sống.
    • Kết bài:
    Chiều tối là một trong những bài thơ xuất sắc nhất trong tập thơ Nhật kí trong tù. Qua bức tranh cảnh vật và đời sống con người trong buổi chiều tối, bác đã thầm kín gửi gắm tâm trạng nhớ nước thương nhà của mình. Đọc bài thơ, ta càng cảm phục Bác hơn. Ngay trong hoàn cảnh khổ cực, gian nan nhất, tâm hồn người vẫn rộng mở đón nhận cái đẹp của sự sống, lấy đó làm sức mạnh vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Đó cũng là bản lĩnh phi thường của Hồ Chí Minh, một con người xuất chúng.