Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Tràng giang của Huy Cận

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Tràng giang của Huy Cận

    Bài làm:
    Cảnh (bức tranh thiên nhiên):

    Cảnh sông nước quê hương quen thuộc hiện lên với hình ảnh dòng sông mùa con nước với cảnh củi khô, những cánh bèo trôi dạt, những bờ xanh tiếp bãi vàng ngô lúa:

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    Con thuyền xuôi mái nước song song,
    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
    Củi một cành khô lạc mấy dòng.

    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

    Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
    Mênh mông không một chuyến đò ngang.
    Không cầu gợi chút niềm thân mật,
    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng. ​

    Cảnh sông nước mênh mang vắng lặng, hoang sơ, hiu quạnh. Sóng gợn bao la, rợn ngợp, không cầu, không đò, thiếu vắng con người. Bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ điển. Hình ảnh con thuyền lặng lẽ xuôi mái, bờ xanh tiếp bãi vàng, cánh chim trong hoàng hôn

    Tình (bức tranh tâm trạng)

    Nỗi sầu vũ trụ (sầu thấm vào không gian), sầu thiên cổ (sầu thấm vào thời gian) sầu nhân thế (sầu thấm vào lòng người). Con người cảm thấy mình nhỏ bé, bơ vơ lạc lõng:

    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
    Củi một cành khô lạc mấy dòng.

    Hình ảnh cành củi khô “lạc mấy dòng”, những cánh bèo trôi dạt không biết về đâu gợi liên tưởng đến thân phận con người; hình ảnh cánh chim bé nhỏ mang tâm trạng.
    Nỗi buồn nhớ quê hương tha thiết trải khắp trang thơ. Tình yêu quê hương đất nước thầm kín tha thiết thể hiện qua hai câu thơ cuối:

    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
    Chìm nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
    Lòng quê dợn dợn vời con nước,
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

    Không gian bát ngát, bao la đến vô tận. Con người như cánh chim nhỏ, lạc lõng, khuất chìm, mệt mỏi. Hình ảnh khói hoàng hôn trên sông khiến nỗi nhớ quê nhà dợn dợn từng đợt sóng rợn ngợp.
    Qua nỗi sầu, nỗi buồn thấy được niềm khát khao giao cảm, hòa nhập với con người, với cuộc đời của tác giả.
    Nghệ thuật đối lập, tương phản thể hiện tâm trạng nhân vật tữ tình. Hồn thơ buồn thường tìm đến những cảnh mênh mông, vắng lặng đối lập với hình ảnh nhỏ bé, mong manh tàn tạ để nói lên tâm trạng. Những hình ảnh đối lập, tương phản xuất hiện trong cả bài thơ:
    Ở khổ thơ đầu, hình ảnh thuyền về – nước lại (gợi sự chia lìa), củi một cành khô – lại mấy dòng (gợi sự nhỏ bé, bơ vơ, lạc lõng).
    Đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh cồn nhỏ – sông dài, trời rộng – bến cô liêu; không gian mênh mông – con người nhỏ bé (gợi sự buồn vắng, cô quạnh, hiu hắt).
    Khổ thơ thứ ba xuất hiện cánh bèo nhỏ bé – dòng sông mênh mông – không cầu, không đò (gợi sự vắng lặng, đơn côi, không có sự kết nối, giao lưu giữa người với người).
    Khổ thơ cuối mở ra với mây cao, núi bạc – chim nghiêng cánh nhỏ (gợi sự cảm nhận con người nhỏ bé, hữu hạn, vũ trụ bao la, vô cùng; cùng với nỗi sầu vũ trụ là nỗi buồn nhớ quê hương).
    Tràng giang mang một vẻ đẹp cổ điển. Vẻ đẹp cổ điển thể hiện qua nhan đề, ngôn ngữ (thi ngôn), hình ảnh (thi ảnh), ý thơ (thi tứ), bút pháp (thi bút).
    Trước hết là ở nhan đề bài thơ. Ngay từ nhan đề “Tràng giang”, bài thơ đã gợi lên một phong vị cổ điển. Từ Hán Việt “tràng giang” mang sắc thái vừa trừu tượng, vừa cổ xưa mà từ thuần Việt “sông dài” cùng nghĩa không có được
    Với từ Hán Việt “tràng giang”, bài thơ không còn nói về một con sông cụ thể, mặc dù khi viết bài thơ này, Huy Cận đã lấy cảm xúc từ một dòng sông cụ thể là sông Hồng. Từ “tràng giang” gợi lên cho người đọc hình ảnh dòng sông như chảy từ một thuở xa xưa nào đó của lịch sử, qua hàng nghìn năm văn hóa và qua bao áng cổ thi.
    Tác giả lại sử dụng điệp âm “ang” (“tràng giang” chứ không phải “trường giang”). Âm “ang” là âm mở, lại là âm tiết có độ vang. Vì vậy hai chữ “tràng giang” với điệp âm “ang” gợi lên cảm giác mênh mang, dòng sông trong bài thơ tự nhiên trở nên dài hơn, rộng hơn, xa hơn, vĩnh viễn hơn trong tâm tưởng người đọc. Dòng sông như muốn thoát khỏi cái cụ thể để vươn tới cái vĩnh viễn, cái vô cùng.
    Nét cổ điển thể hiện trong ngôn ngữ (thi ngôn) bài thơ hết sức rõ nét. Mượn hoặc ảnh hưởng từ ngữ trong thơ cổ: “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”
    Bản dịch Chinh phụ ngâm có viết:

    Non Kì quạnh quẽ trăng treo
    Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
    Hay trong Thu hứng, Đỗ Phủ có tả:
    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
    (Mặt đất mây đùn cửa ải xa)

    Vẻ đẹp cổ điển thể hiện đậm nét trong hình ảnh (thi ảnh). Hình ảnh quen thuộc của thơ cổ, mang màu sắc cổ điển: con thuyền lặng lẽ xuôi mái, bờ xanh tiếp bãi vàng, cánh chim trong hoàng hôn.
    Ý thơ (thi tứ) của bài thơ xuất phát từ thi liệu cổ điển hết sức điển hình. Mượn hoặc ảnh hưởng ý thơ cổ: Câu thơ “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” phảng phất câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Đăng cao: “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ/ Bất tận trường giang cồn cồn lai” (Rào rào lá trút rừng cây thắm/ Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn). Câu thơ cuối: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” mượn ý thơ Thôi Hiệu đời Đường trong Hoàng Hạc lâu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
    Bút pháp (thi bút) bài thơ Tràng giang cũng không vượt khỏi bút pháp thơ trung đại. Sử dụng bút pháp gợi của thơ cổ, vài nét đơn sơ ghi lại, lột tả cái hồn sự vật: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” (Thơ cổ khi nói về buổi chiều thường dùng hình ảnh cánh chim trong hoàng hôn, lấy không gian gợi tả thời gian, gợi nỗi buồn hiu quạnh: “Chim bay về núi tối rồi” (Ca dao), “Chim hôm thoi thót về rừng” (Truyện Kiều), “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn” (Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan).