Soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát SBT Ngữ văn 11 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Nêu ý nghĩa của bốn câu đầu trong bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát. Ý nghĩa tượng trưng của hình tượng bãi cát là gì ? Cho biết căn cứ để xác định ý nghĩa đó.
    Trả lời:
    - Bốn câu đầu của bài thơ tả bãi cát và người đi trên bãi cát. Về không gian: Hình ảnh bãi cát dài được lặp lại hai lần như để nhấn mạnh tâm trạng chán nản, mỏi mệt. Vì liền sau đó là hình ảnh những bước chân nặng nhọc bước trên bãi cát, “Đi một bước như lùi một bước”. Về thời gian : Trời đã về chiều (cần nghỉ ngơi) mà chưa thể dừng bước vì bãi cát còn dài.
    - Thơ ca xưa thường bắt đầu bằng cảnh để dẫn đến tình. Những hình ảnh và sự việc có chọn lọc như vậy được sử dụng để chỉ con đường danh lợi.
    - Căn cứ để khắng định như vậy là nội dung sáu câu thơ tiếp theo. Sau khi tả bãi cát và người đi trên bãi cát, tác giả chuyển sang nội dung khái quát hơn : Không còn chỉ là chuyện đi trên bãi cát mà là chuyện đi đường khó khăn (trèo non lội suối). Vậy thì bãi cát dài chỉ là hình ảnh tượng trưng cho đường đời khó khăn. Tiếp tục chuyển sang hình ảnh trừu tượng : Những người theo đuổi danh lợi xưa nay tất tả ngược xuôi trên đường (xưa có từ hoạn lộ chỉ con đường làm quan). Đường danh lợi chính là con đường làm quan. Cao Bá Quát thấy rõ chuyện theo đuổi danh lợi là hết sức nhọc nhằn, nhưng rồi ai cũng dấn bước trên con đường ấy. Cuộc mưu cầu danh lợi có thể hình dung như quán rượu : số người say vô số, người tỉnh táo rất hiếm. Một nỗi buồn, băn khoăn, chán nản ẩn chứa sau những hình ảnh thơ chọn lọc rất nghệ thuật đó.
    2. Người đi đường trong bài thơ có cảm giác như thế nào khi đứng trước bãi cát ? Câu hỏi cuối bài thơ có ý nghĩa gì ?
    Trả lời:
    - Nhìn dòng đời ngược xuôi, mải mê trên con đường danh lợi, tác giả quay về với chính mình. Tỉnh táo, trăn trở, ông nêu lên câu hỏi như thúc giục bản thân tìm con đường khác cho những người trí thức : Hình ảnh bãi cát dài lại xuất hiện và câu hỏi “Tính sao đây?” vang lên đầy ám ảnh. Tính cái gì, tính như thế nào là câu hỏi mà câu trả lời còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cơ sở để suy đoán về nội dung câu hỏi này. Cao Bá Quát sống ở nửa đầu thế kỉ XIX. Đó là thời kì mà tiếp xúc văn minh phương Đông - phương Tây đã buộc nhiều trí thức Việt Nam, trong đó có Cao Bá Quát, nhìn lại nền văn hoá truyền thống. Trong nhiều bài thơ viết khi đi sang các nước Đông Nam Á công cán, tận mắt chứng kiến những biểu hiện của văn minh phương Tây, ông đã thấy sự vô nghĩa của lối học “nhai văn nhá chữ” của nhà nho (tham khảo bài đọc thêm Xin lập khoa luật (trích Tế cấp bát điều) của Nguyễn Trường Tộ (trang 71 - 73, SGK) để thấy nhu cầu đổi mới xã hội đang đặt ra ở thời kì này). Nhưng học văn để đi thi, ra làm quan, mưu cầu danh lọi vẫn là con đường tiến thân duy nhất của trí thức nho sĩ Việt Nam cho đến lúc đó. Bãi cát dài thể hiện sự bế tắc của con đường mà những người trí thức như Cao Bá Quát vẫn đi. Ông đã thấy là vô nghĩa, muốn thoát ra nhưng chưa biết làm thế nào. Đây có thể là bước chuẩn bị về mặt tư tưởng cho hành động khởi nghĩa chống nhà Nguyễn sau này của Cao Bá Quát.
    - Câu hỏi ở câu thơ cuối cùng có ý nghĩa như một lời nhắc nhở, thúc giục tìm kiếm lối thoát, tìm kiếm một con đường đi, thoát khỏi bãi cát dài càng đi càng lún.
    3. Nhịp điệu bài thơ có giá trị diễn tả nội dung như thế nào ?
    Trả lời:
    - Điểm độc đáo của bài thơ là nhịp điệu mang tính hình tượng rất rõ (xem bản phiên âm chữ Hán vì bản dịch không phản ánh đúng nhịp điệu trong nguyên văn). Những câu thơ năm chữ vói nhịp 2 / 3 mô phỏng những bước đi khó nhọc trên bãi cát. Những lúc dừng lại suy nghĩ, câu thơ kéo dài ra với số lượng chữ lớn hơn nhưng nhịp thơ cũng biến hoá.
    - Nghệ thuật sử dụng điệp ngữ cũng đáng chú ý vì mang tính tạo hình cao. Từ trường sa láy đi láy lại tạo sự ám ảnh về bãi cát mênh mông, vô tận. Để thể hiện sự bế tắc, hình ảnh phía bắc núi Bắc, phía nam núi Nam láy lại gây cảm tưởng núi bao vây trùng điệp quanh người đi đường.