Soạn bài Đây thôn vĩ dạ SBT Ngữ văn lớp 11 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Bài tập 1, trang 40, SGK.
    Những câu hỏi trong bài thơ ảnh hưởng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả.
    Trả lời:
    Trong bài thơ có 3 câu hỏi xuất hiện lần lượt trong từng khổ thơ :

    Khổ 1: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Khổ 2: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay?
    Khổ 3: Ai biết tình ai có đậm đà ?
    Những câu hỏi này không hướng tới một đối tượng nào cụ thể, vì đây không phải là những câu hỏi vấn đáp mà chỉ là hình thức bày tỏ nỗi niềm tâm trạng.
    - Câu hỏi thứ nhất gợi cảm giác như lời trách nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ (hay đấy cũng là lời nhà thơ tự trách, tự hỏi mình, là ước ao thầm kín của người đi xa được về lại thôn Vĩ).
    - Câu hỏi thứ hai hàm ẩn bao phấp phỏng buồn lo và khắc khoải, hi vọng của nhà thơ ; dường như cảnh Huế, người Huế không hiểu được, không đáp lại tình yêu của Hàn Mặc Tử nên nhà thơ mới phải mong muốn tâm sự với một người bạn thật xa vời là vầng trăng - ánh trăng xoa dịu nỗi xót xa, khi có trăng bầu bạn thì con người sẽ bót cô đơn.
    - Câu hỏi thứ ba mang chút hoài nghi, làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.
    2. Bài tập 2, trang 40, SGK.
    Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì?
    Trả lời:
    Nội dung bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khát khao của một con người vô cùng yêu đời, yêu sống, yêu thiên nhiên, yêu con người. Một nội dung thơ ca đẹp đẽ như thế lại được sáng tác trong một hoàn cảnh tối tăm, tuyệt vọng (bệnh tật giày vò, ám ảnh về cái chết). Điều đó khiến người ta thêm thương xót và cảm thông với số phận của tác giả, thêm cảm phục một con người đầy tài năng và nghị lực đã vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã để sáng tác một bài thơ, một bài ca về tình đời, tình người.
    3. Bài tập 3*, trang 40, SGK.
    Đây là bài thơ về tình yêu hay về tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc.
    Trả lời:
    Bài tập yêu cầu trả lời hai ý:

    a) Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê ?
    b) Vì sao bài thơ tạo được sự cộng hưởng rộng rãi, lâu bền ?
    - Về yêu cầu a, không thể khẳng định chỉ có tình yêu hay tình quê mà cả hai đều hoà quyện trong cảm xúc nhà thơ khi viết Đây thôn Vĩ Dạ :
    + Trước hết đây là một bài thơ về tình yêu. Tình yêu của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc là có thật, điều đó được Nguyễn Bá Tín, em trai Hàn Mặc Tử, xác nhận rõ ràng trong cuốn Hàn Mặc Tủ anh tôi. Cũng chính nhà thơ trong lúc đớn đau bệnh tật đã viết câu thơ nói lên mơ ước của mình : “Muốn ôm hồn Cúc ngủ trong sương”. Hàn Mặc Tử viết Đây thôn Vĩ Dạ để tặng Hoàng Cúc, sự vận động tâm tư của nhân vật trữ tình trong bài thơ, từ cảnh đẹp thôn Vĩ, noi có người mà nhà thơ thương mến, vẻ thơ mộng của sông Hương, dòng sông làm tăng thêm vẻ đẹp của thôn Vĩ, đến nét huyền ảo của cô gái thôn Vĩ, người con gái áo trắng trong sương khói mộng mơ, đều hướng đến điểm hẹn vói câu hỏi xao xuyến của tình yêu : “Ai biết tình ai có đậm đà ?”.
    + Xuyên qua sương khói hư ảo của tình yêu mơ mộng là tình quê, là tình yêu thiết tha, đằm thắm với đất nước, quê hương. Dường như tất cả những gì là hồn cốt của xứ Huế mộng mơ đã được Hàn Mặc Tử khắc ghi trong vẻ đẹp của thôn Vĩ và sông Hương. Thôn Vĩ hiện lên vói cây lá xanh như ngọc lấp lánh trong nắng mai ; người thôn Vĩ chân tình, phúc hậu ; thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Sông Hương phô bày vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng dưới ánh trăng vàng và con thuyền đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Phải vô cùng yêu thiên nhiên và con người của quê hương mới viết được những câu thơ tuyệt đẹp và có hồn như thế.
    - Về yêu cầu b, có thể hiểu như sau : Hơn tất cả, Đây thôn Vĩ Dạ là tiếng ca dạt dào của tình yêu cuộc sống. Bức tranh thơ tươi sáng ấy đã được viết nên trong những giờ khắc tăm tối nhất, từng phút từng giây nhà thơ phải đối mặt với cái chết, với nỗi tuyệt vọng và sự cô đơn. Bài thơ mang tới cho mọi người một triết lí lạc quan sâu sắc : Hãy biết yêu cuộc sống ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Có lẽ vì thế mà bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của tác giả lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc.
    4. Có người cho rằng “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” là câu hay nhất trong bài thơ này. Nhận xét đó có đúng không ? Vì sao ?
    Trả lời:
    Bài thơ đẹp trong chỉnh thể của nó Tuy nhiên trong đó cũng có những điểm sáng thẩm mĩ nổi trội. Cho nên có thể nói “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” là một trong những câu thơ hay nhất vì các lí do sau :
    - Tình yêu của Hàn Mặc Tử với người thôn Vĩ được biểu hiện kín đáo qua tình yêu với thôn Vĩ. Vĩ Dạ chủ yếu sống bằng nghề vườn nên cái thần thái của thôn Vĩ là vườn cây. Trong bút kí Đường vô miền Trung (in trong tập Phấn thông vàng, 1939), Xuân Diệu rất có ân tượng với những khu vườn thôn Vĩ, vườn bao bọc quanh nhà, gắn vói ngôi nhà thành một cấu trúc thẩm mĩ xinh xắn, cấu trúc vườn - nhà, khiến nhà thơ có cảm giác “giống như bài thơ tứ tuyệt”. Với cấu trúc ấy, vườn được chăm sóc chu đáo, những khóm hoa cây cảnh vốn đã xanh tươi lại được những bàn tay khéo léo chăm sóc nên càng thêm đẹp, thêm tươi.
    - Ở đây chỉ với một chữ mướt, Hàn Mặc Tử đã gợi được sự chăm sóc ấy, gợi được vẻ tươi tốt, đầy sức sống của vườn cây cũng như cái sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá cây dưới ánh mặt trời, còn ý thơ vườn ai mướt quá như lời cảm thán mang sắc thái ngợi ca ; trong khi đó xanh như ngọc là một so sánh thật đẹp gợi hình ảnh những lá cây xanh mướt, mượt mà được nắng mói lên, cái ánh mặt trời rực rỡ buổi sớm mai, chiếu xuyên qua trở nên có màu xanh trong suốt và ánh lên như ngọc. Phải là một người có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống, có ân tình thật sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ mới lưu giữ được trong tâm trí những hình ảnh sống động và đẹp đẽ như thế.
    5. Phân tích khổ thơ thứ hai trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
    Trả lời:
    Cần tập trung làm rõ một số ý sau :

    - Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử trorig tập Thơ Điên (1938) ; khổ thơ thứ hai chính là bức tranh tâm cảnh và thế giói của cõi mơ trong niềm yêu nhớ và nuối tiếc của nhà thơ với cuộc đời.
    -Bức tranh tâm cảnh trong hai câu đầu :
    + Phân tích câu thơ đầu : “Gió theo lối gió, mây đường mây” để từ sự phi lí về hiện tượng tự nhiên, làm rõ những họp lí của tâm trạng trong cảnh ngộ của một con người gắn bó tha thiết với cuộc đời nhưng lại sắp phải vĩnh viễn xa cách đời !
    + Phân tích giá trị biểu cảm của nghệ thuật nhân hoá : động từ lay trong việc gợi tả cảnh sắc ngưng trệ, tĩnh buồn, hiu hắt của thiên nhiên xứ Huế trong câu thơ thứ hai : “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.
    + Bức tranh phong cảnh trở thành bức tranh tâm cảnh, thiên nhiên như đã khỏng còn là đối tượng miêu tả mà trở thành phương tiện biểu hiện cõi lòng u ám, buồn bã của con người với những hờ hửng, lạnh lẽo, chia lìa.
    - Thế giới của cõi mơ trong hai câu thơ tiếp theo :
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay?
    + So sánh sự thay đổi bức tranh thiên nhiên tươi tắn, ấm áp trong cõi thực ở khổ thơ đầu với thế giới của cõi mơ lạnh lẽo, nhạt nhoà,... ở khổ thơ thứ hai.
    + Phân tích hình ảnh của cõi mơ đẹp huyền ảo, ngập tràn sắc trăng có tính chất cứu rỗi vốn luôn xuất hiện trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc Tử.
    + Từ câu hỏi Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, phân tích hình ảnh một con người đang bị bủa vây trong thế giới tăm tối, lạnh lẽo bởi nỗi đau đớn, chới với như vọng hỏi một ai đó ở thế giới bên ngoài một câu hỏi da diết, vô vọng.
    + Phân tích giá trị biểu cảm của từ kịp, ý nghĩa xác định của cụm từ tối nay trong câu hỏi thứ hai: Có chở trăng về kịp tối nay ? để làm rõ cảm giác gấp gáp, bồn chồn ; nỗi chua xót, bất lực của một con người khát khao trở về, khát khao giao cảm với đời mà lại sắp phải vĩnh viễn cách xa đời.
    - Sự thay đổi bút pháp miêu tả trong khổ thơ thứ hai từ tiết tấu, giọng điệu cho đến nghệ thuật ẩn dụ cùng những hình ảnh khách quan được soi chiếu qua tâm trạng của chủ thể trữ tình đã làm hiện lên thế giới của cõi mơ với cảm giác chia lìa, xa xôi cùng niềm khát khao tuyệt vọng được trở về với cõi thực, với cuộc đời mà nhà thơ nhớ và yêu da diết. Tình yêu và nỗi đau đớn đã được Hàn Mặc Tử thể hiện da diết, thấm thìa qua từng hình ảnh, từng ngôn từ của khổ thơ này.
    (Trịnh Thu Tuyết soạn)
    6. Giữa nhân vật anh trong câu đầu khổ 1 (“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”) với nhân vật khách trong câu đầu khổ 3 (“Mơ khách đường xa, khách đường xa”) có mối liên hệ gì không ? Phân tích mối liên hệ đó.
    Trả lời:
    Tấm bưu thiếp vẽ phong cảnh Huế mà Hoàng Cúc gửi tặng Hàn Mặc Tử có mấy lời ở mặt sau : “Túc hạ có được khoẻ không ? Bao giờ túc hạ thư thả mời túc hạ về VI Dạ chơi”. Từ đó có thể hiểu “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” là lời mời gọi của cô gái thôn Vĩ, cũng là lòi nhà thơ tự hỏi mình, là ước ao được về lại thôn Vĩ. Vì có lòi mời ấy, nỗi ước ao ấy nên nhà thơ mới có cảm nghĩ mình sẽ là khách thôn Vĩ. Như vậy, nhân vật anh trong câu mở đầu và nhân vật khách trong câu “Mơ khách đường xa, khách đường xa” tưởng là hai nhưng thực ra chỉ là một, đó là Hàn Mặc Tử với bao nỗi luyến tiếc, xót xa : do bệnh tật hiểm nghèo, và có thể, do cả mặc cảm về tình người, về tình yêu, mãi mãi nhà thơ chỉ là người khách quá xa xôi, hơn thế chỉ là người khách trong mơ mà thôi.