Soạn bài Từ ấy SBT Ngữ văn lớp 11 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Bài tập 1, trang 44, SGK.
    Viết một đoạn văn nói lên cảm nghĩ của anh (chị) về khổ thơ mà mình cho là hay nhất trong bài Từ ấy.
    Trả lời:
    Tham khảo đoạn văn sau:

    Tố Hữu đã diễn tả rất chân thành niềm vui sướng, say mê của mình khi bắt gặp lí tưởng của Đảng :
    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lí chói qua tim
    Hồn tôi là một vườn hoa lá
    Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
    Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, cái mốc Từ ấy đánh dấu thời điểm đó. Bằng những hình ảnh ẩn dụ nắng hạ, mặt tròi chân lí và cách nói chói qua tim, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ, mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm. Tâm hồn ấy giờ đây là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với vườn hoa lá, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời ? Đối với tâm hồn người thanh niên yêu nước, còn gì đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt ?
    Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt tròi. Chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn.
    2. Bài tập 2*, trang 44, SGK.
    Giải thích vì sao nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại...” (Lời tựa tập Trăm bài thơ của Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)
    Trả lời:
    Nên chú ý mấy ý chính sau :

    - Từ ấy chỉ là một bài thơ trong hàng trăm bài thơ tạo nên sự nghiệp thi ca phong phú của Tố Hữu. Nó có vai trò như một tế bào trong muôn triệu tế bào tạo nên thực thể sống, nhưng đấy là một “tế bào” đặc biệt, có ý nghĩa mở đầu, định hướng cho toàn bộ quá trình sáng tác của Tố Hữu.
    - Những đặc điểm bản chất nhất của thơ Tố Hữu được xác định rõ ngay ở bài thơ này. Đó là hai yếu tố “làm ra anh”: một là thi pháp (phương thức biểu hiện: dùng thể thơ thất ngôn, một thể thơ truyền thống, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu, sự đa dạng của bút pháp - tự sự, lãng mạn, trữ tình); hai là tuyên ngôn (thể hiện rõ ràng quan điểm nhận thức và sáng tác : gắn bó với quần chúng lao khổ, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào, vì tương lai tươi sáng của đất nước, vì thế giới tươi đẹp, chan hoà tình yêu thương của con người).
    - Những bài thơ sáng tác theo thi pháp và tuyên ngôn như thế, Tố Hữu đã là “nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại”.
    3. Viết một đoạn văn hình dung hoàn cảnh và tâm trạng của Tố Hữu khi viết bài thơ Từ ấy.
    Trả lời:
    Đoạn văn cần phải có hai ý: hoàn cảnh và tâm trạng.

    - Hoàn cảnh có hai điểm đặc sắc : Trời đất cao xanh rực rỡ, tràn trề sức sống ; Con người mang dáng vẻ thiêng liêng của lịch sử đang sang trang.
    - Tâm trạng người viết là tâm trạng của một chàng trai yêu nước, tâm hồn trong trẻo đang dạt dào rung động trong phút đầu gặp gỡ lí tưởng.
    Tham khảo đoạn văn sau :
    Một ngày đẹp trời cuối mùa hè năm 1938. Trời cao xanh, nắng vàng tươi rực rỡ chảy tràn trên xứ Huế, mảnh đất cố đô xưa. Trong một khu vườn xum xuê cây lá, nghe rõ tiếng xào xạc của gió và âm thanh ríu rít của bầy chim nhỏ trên ngọn cây cao, có ba người ngồi xúm lại với nhau trên bãi cỏ, dường như họ đang bàn bạc với nhau chuyện gì rất hệ trọng. Hai người tầm thước, gương mặt cương nghị, rắn rỏi thay nhau giảng giải, lời lẽ mạch lạc, lôi cuốn (sau này Tố Hữu viết: “Con lớn lên con tìm Cách mạng - Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi - Mẹ không còn nữa, con còn Đảng - Dìu dắt khi con chửa biết gì”. Anh Lưu, anh Diểu là Phan Đãng Lưu và Nguyễn Chí Diểu, hai người cộng sản trung kiên, những người đầu tiên đã giác ngộ cách mạng cho Tố Hữu). Ngồi nghe chăm chú như nuốt lấy từng lời là một chàng trai dáng vẻ thư sinh, đôi mắt sáng ngời. Tâm hồn anh bây giờ như vườn cây kia rực rỡ ánh nắng, ríu rít tiếng chim, xanh tươi cây lá, ngào ngạt hương thơm, bởi lần đầu tiên anh biết đến một lí tưởng, một lẽ sống đẹp đến thế. Trái tim anh dạt dào rung động với những tình cảm mới. Anh thấy mình đã trở thành một người thân thiết trong thế giới của những người khốn khổ mà hằng ngày mình vẫn thường gặp. Anh và họ sống trong tình thân ái chan hoà, cùng sát cánh bên nhau phấn đấu vì một ngày mai sáng tươi. Cái giây phút kì diệu ấy anh sẽ mãi mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời.
    4. Trong bài thơ, xuất hiện một loạt từ ngữ chỉ số lượng nhiều : mọi người, trăm nơi, bao hồn khổ, khối đời, vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ,... Việc dùng từ ngữ như thế nói lên điều gì ?
    Trả lời:
    Sự xuất hiện một loạt những từ ngữ chỉ số lượng nhiều : mọi người, trăm nơi, bao hồn khổ, khối đời (khối người đông đảo trong cõi đời), vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ,... đều có một ý nghĩa chung - đó là quần chúng nhân dân, là cộng đồng dân tộc. Trong sự đối ứng với “cái tôi” (xuất hiện sáu lần trong bài thơ), đấy ỉà “cái ta”. Nhờ ánh sáng lí tưởng cộng sản soi rọi, Tố Hữu đã đi từ “cái tôi” đến “cái ta”, gắn bó cuộc sống của cá nhân mình vói vận mệnh chung của dân tộc, hoà cuộc đời riêng của mình vào cuộc đời chung của mọi người, thấy sức mạnh của bản thân được nhân lên trong sức mạnh của cộng đồng.